Phát triển đường sắt tốc độ cao - tác động đến xu hướng chọn ngành nghề tương lai của thế hệ trẻ hiện nay
Quan niệm trước đây về các ngành khối kỹ thuật, đặc biệt ngành Đường sắt thường khô khan, khó tìm việc, học khó hơn các ngành khác dường như đã 'lỗi thời' khi những năm gần đây nhà nước đã chú trọng và định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao là kỳ vọng mới cho sự phát triển của đất nước.
Nhu cầu nhân lực cho phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết: Chiến lược phát triển hệ thống đường sắt của Việt Nam đang được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cụ thể, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định "đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục xương sống" và yêu cầu "xây dựng tuyến đường sắt quốc gia tốc độ cao, hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới" hoàn thành trước 2045; "Hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035".
Trong thời gian 5 - 20 năm tới đây, lĩnh vực đường sắt sẽ được tập trung đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của Bộ chính trị, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực này là rất lớn, mở ra cơ hội việc làm của sinh viên ngành Đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nói riêng. Do đó, bài toán đặt ra cho ngành Đường sắt là phải tích cực đổi mới công tác đào tạo, tuyển chọn đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, chuẩn bị nhân lực kịp thời liên quan phục vụ việc thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành và bảo trì các tuyến đường sắt trong tương lai tới đây. Có thể nói, đây là cơ hội lớn cho sinh viên theo học và tốt nghiệp ngành học này, mở ra một tương lai rộng mở gắn liền với sự phát triển chung của đất nước.
Cần một lượng lớn kỹ sư có trình độ cao phát triển ngành Đường sắt
Hiện nay và sắp tới đây, Nhà nước sẽ thiếu một lượng lớn nguồn nhân lực kỹ sư để thực hiện những dự án liên quan ngành Đường sắt Việt Nam. Đường sắt tốc độ cao là lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, trong khi đó nguồn nhân lực của nước ta chưa sẵn sàng và phải mất một quá trình để đào tạo và chuẩn bị các điều kiện. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành Đường sắt hiện đại, Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ động thiết lập các chương trình liên kết với các trường đại học có thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu đường sắt ở nhiều nước trong đó có Hàn Quốc. Từ đó góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển ngành Đường sắt với các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt liên vận quốc tế, đường sắt đô thị… Theo số liệu Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong giai đoạn triển khai thi công cần khoảng 26 nghìn đến 32 nghìn nhân lực và giai đoạn vận hành khai thác cần khoảng gần 14 nghìn nhân lực, một con số khổng lồ.
Chương trình đào tạo bài bản - liên kết quốc tế
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng Khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học GTVT: Vừa qua, Trường Đại học GTVT và Trường Đại học Dongyang (Hàn Quốc) đã ký kết mở chương trình liên kết đào tạo quốc tế ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chương trình Công nghệ cầu - đường sắt tốc độ cao 2+2. Trong đó, 2 năm đầu học tại Trường Đại học GTVT bằng tiếng Anh, 2 năm cuối học tại Trường Đại học Dongyang, học bằng tiếng Hàn.
Trường Đại học Dongyang là trường đại học nổi tiếng Hàn Quốc về đào tạo chuyên ngành Đường sắt. Từ năm 2023 Đại học Dongyang tham gia trực tiếp vận hành Trung tâm Đào tạo bảo trì đường ray trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam" do Tổng Công ty Đường sắt Hàn Quốc (KORAIL) phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đây là dự án viện trợ ODA của Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc và Viện Công nghệ kỹ thuật Hàn Quốc (KIAT)
Trường có quy mô phòng nghiên cứu kỹ thuật đường sắt lớn, đảm nhiệm nhiều công trình nghiên cứu của quốc gia. Phần lớn các giáo sư, giảng viên của Trường công tác trong ban kiểm định công trình đường sắt ở Hàn Quốc. Nhằm đào tạo những kỹ sư ngành Đường sắt hiện đại, có thể tham gia vào những dự án đường sắt tốc độ cao hay đường sắt đô thị của đất nước trong thời gian tới.
Tham khảo thêm thông tin về xét tuyển vào chương trình liên kết
Chương trình liên kết quốc tế "Công nghệ cầu - đường sắt tốc độ cao" 2+2 giữa Trường Đại học GTVT và Trường Đại học Dongyang có hình thức xét tuyển đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng. Chương trình có hình thức xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp. Thời gian xét tuyển học bạ THPT: từ 10/6/2024 - 30/9/2024 (6 kỳ). Trường hợp xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét tuyển đợt 1 từ 22/7/2024 - 30/8/2024, xét tuyển đợt 2 từ 5/9/2024 - 10/10/2024.
Ngoài kinh nghiệm và chất lượng đào tạo hàng đầu, học phí và chi phí sinh hoạt là lợi thế thứ hai của chương trình này. Tùy theo năm, học phí học tại Việt Nam dao động từ 19 triệu - 21 triệu/1 kỳ, học phí tại Hàn Quốc là 2.700.000 KRW/kỳ (khoảng 50 triệu VNĐ) kèm theo nhiều học bổng trong suốt các năm học. Trường Đại học Dongyang muốn đem đến cơ hội học tập cho tất cả các học sinh nước ngoài nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng nên đã đưa ra mức học phí rất phù hợp, thấp hơn nhiều so với các trường đại học ở Hàn Quốc nói chung và các trường đại học ở các khu vực khác trên thế giới, thậm chí còn thấp hơn một số trường Quốc tế tại Việt Nam. Hơn nữa, nếu sinh viên Việt Nam có chứng chỉ tiếng Hàn ở một trình độ nhất định, có thể được giảm tối đa đến 50%, lúc nàyhọc phí chỉ còn khoảng 25 triệu/kỳ, tương đương với rất nhiều trường Đại học ở Việt Nam.
Dám mơ ước - mong muốn khẳng định mình - xu thế của giới trẻ
Trần Hạ My - một sinh viên năng động, luôn mong muốn được đón đầu xu thế và đi trước các bạn đồng trang lứa bằng cách thử sức với các vấn đề khó khăn để từ đó có nhiều hơn cơ hội thể hiện năng lực bản thân mình với bạn bè, gia đình, xã hội. Hiện Hạ My là sinh viên đang theo học thạc sĩ năm 3 chuyên ngành Kĩ thuật xây dựng và an toàn đường sắt tại Trường Đại học Dongyang Hàn Quốc. Hạ My cho biết: Từ khi gia nhập ngôi trường này, tôi đã trải qua một hành trình học tập thú vị và bổ ích. Trường Đại học Dongyang là ngôi trường không chỉ có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, mà còn là một môi trường học tập đa văn hóa và thân thiện. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ các giảng viên có kinh nghiệm và bạn học đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Sự đa dạng này đã mở rộng tầm nhìn của tôi và khơi dậy sự tò mò trong việc nghiên cứu và khám phá về ngành đường sắt.
Dưới con mắt của cô gái tài năng này thì sự lựa chọn ban đầu là hoàn toàn phù hợp: Chương trình học tập tại Trường Đại học Dongyang rất chất lượng và mang tính ứng dụng cao. Với ngành đường sắt có các chuyên ngành chính như Xây dựng, thông tin tín hiệu, vận hành, kinh doanh đường sắt. Tôi đã được tiếp cận với các môn học cốt lõi của xây dựng như kĩ thuật đường sắt, cơ học đất chuyên sâu, xây dựng hệ thống giao thông. Nhờ vào sự hỗ trợ của giảng viên nhiệt tình và các phương pháp giảng dạy hiện đại, tôi đã có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế thông qua các dự án và thực tập.
Một cách chân thành, Hạ My nói: Tôi cảm thấy rất biết ơn vì đã có cơ hội học tập tại Trường Đại học Dongyang. Qua đây, tôi nhận thấy rằng sự học tập không chỉ là việc thu thập kiến thức mà còn là sự khám phá, sự phát triển bản thân và sự chuẩn bị cho tương lai. Tôi tin rằng, những kỹ năng và kiến thức mà tôi thu được tại trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của tôi và đem lại đóng góp tích cực cho ngành đường sắt.