Phát triển kinh tế nhờ làm du lịch gắn với quảng bá văn hóa dân tộc
Kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiều người dân vùng cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế có thu thập ổn định, phát triển kinh tế.
Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi là A Lưới, Nam Đông có đông đồng bào các dân tộc thiểu số như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy và một số dân tộc khác cùng sinh sống. Những năm qua, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa riêng có, người dân tại hai huyện miền núi này đã phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó đã giúp tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Nằm cách thành phố Huế khoảng 50 km về phía Nam, huyện Nam Đông có điều kiện tự nhiên phong phú, khí hậu trong lành, đa dạng về văn hóa và có phong cảnh nên thơ hữu tình. Việc hội tụ sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… đã tạo nên cho Nam Đông những giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quý báu. Nhiều phong tục tập quán, lễ hội, món ăn truyền thống… đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chính những sắc màu và hơi thở cuộc sống miền sơn cước của huyện vùng cao này luôn có sức thu hút đối với du khách thập phương.
Thời gian qua, đến Nam Đông du khách ấn tượng với sản phẩm du lịch "Chợ phiên Nam Đông" được tổ chức vào chủ nhật của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 hàng tháng. Chợ phiên bày bán từ gà nướng, cá suối, cơm lam ống tre, bánh nậm, bánh bèo; các loại rau quả tươi xanh như: dưa lưới, thơm, mật ong, thảo dược từ rừng; các mặt hàng mộc mỹ nghệ, thổ cẩm, hàng lưu niệm đặc trưng của các địa phương. Phiên chợ cũng là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế đến với du khách gần xa.
Ngoài các hoạt động phục vụ mua bán, quảng bá sản phẩm, chợ phiên Nam Đông còn tổ chức giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ với những tiết mục đậm nét văn hóa các dân tộc, tạo không khí tươi vui cho điểm đến, tăng sức thu hút du khách. Thông qua phiên chợ, những sản vật của huyện Nam Đông được nhiều người biết đến hơn, người dân tiêu thụ sản phẩm tốt hơn đã góp phần tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đã giúp huyện quảng bá, giới thiệu hình ảnh về con người, văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.
Ngoài khám phá chợ phiên, khi đến Nam Đông, du khách còn có thể ghé Điểm du lịch cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) để trải nghiệm những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu như: ẩm thực, nghề truyền thống, giao lưu văn nghệ, tắm thác Kazan, thăm nhà vườn,… Đây là một mô hình du lịch đặc sắc khi người dân cả thôn được hỗ trợ, hướng dẫn để cùng nhau làm du lịch, thay vì chỉ riêng lẻ một vài hộ như trước đây.
Hiện tại, xã Thượng Lộ có 6 homestay được đưa vào hoạt động để phục vụ du khách. Thông qua các dự án, huyện Nam Đông cũng đang đầu tư nhiều hạng mục cơ sở vật chất tại Điểm du lịch cộng đồng thôn Dỗi, nghiên cứu thêm các sản phẩm du lịch mới, thường xuyên tập huấn về du lịch cho người dân… Làm du lịch bằng cách quảng bá văn hóa của dân tộc mình, người dân thôn Dỗi có việc làm, có thu nhập giúp cải thiện đời sống.
Ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng VHTT huyện Nam Đông cho biết, ước tính đến cuối năm 2023, lượng khách du lịch đến huyện Nam Đông là hơn 23.000 lượt, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng. Theo đánh giá chung, sẽ đạt các chỉ tiêu đề ra theo lộ trình là đến năm 2025 đón khoảng 25.000 lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 11 tỷ đồng. Qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát triển du lịch góp phần giảm nghèo
Nằm giáp với nước bạn Lào và cách thành phố Huế 70 km về phía Tây, huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có 5 dân tộc chính Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh... đã tạo nên một nền văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc. Thời gian qua, các cấp, các ngành cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới. Trong đó, đã quan tâm việc quảng bá di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Tại A Lưới, hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo xu hướng khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa. Du khách cùng làm, cùng sống và trao đổi trực tiếp với người dân bản xứ. Theo đó, cộng đồng địa phương làm chủ, tham gia vào quá trình phát triển và quản lý, phần lớn lợi ích sẽ thuộc về cộng đồng, đồng thời góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đến với A Lưới, du khách sẽ được tìm hiểu về các lễ hội như; Ariêu car, Ariêu A Da,.. khám phá ẩm thực vùng cao, trải nghiệm những nét phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số tại những homestay hay trong những phiên chợ vùng cao,…
Hiện nay, toàn huyện A Lưới có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động. Trong đó, du lịch cộng đồng A Nôr, A Roàng là điểm du lịch vệ tinh kết nối các điểm du lịch trên địa bàn. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ được đầu tư nâng cấp. Hàng năm, huyện A Lưới triển khai tập huấn cho hàng trăm học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số về nghiệp vụ thuyết minh, ẩm thực, quản lý, điều hành… nhằm nâng cao chất lượng, thu hút du khách.
Kết quả từ việc đầu tư vào du lịch được ghi nhận với lượng khách tăng nhanh qua từng năm. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, lượng khách đến A Lưới ước đạt gần 130.000 lượt, doanh thu khoảng 16,8 tỷ đồng/năm. Tất cả những hộ gia đình làm du lịch đều có thu nhập ổn định, nhiều người dân có việc làm với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, việc du lịch phát triển cũng giúp kích thích nông nghiệp phát triển. Nhiều mặt hàng nông sản sạch đặc trưng của người dân như gà đồi, cá suối, gạo nếp, mật ong… được tiêu thụ đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo tại địa phương này.