Phát triển nghề dệt thổ cẩm người Chăm

Kể từ khi nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tour du lịch làng Chăm để tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng, thưởng thức ẩm thực, thăm cơ sở dệt thổ cẩm… trở thành sản phẩm du lịch (DL) đặc sắc của các hãng lữ hành trong và ngoài nước.

Đặc sắc

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người Chăm nên nó có một giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc. Phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm phục vụ phát triển DL tỉnh nhà có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, phát triển DL để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, gắn liền với quá trình cư trú của người Chăm trên mảnh đất An Giang, xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XIX. Ngày nay, phát triển nghề dệt thổ cẩm người Chăm, phục vụ phát triển DL là nhu cầu thiết thực của Cộng đồng Hồi giáo Chăm ở An Giang.

Những năm qua, từ chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề Việt Nam gắn với phát triển DL, năm 2022 và 2023, làng Chăm Châu Phong đã đón hàng chục ngàn lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm sản phẩm.

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con làm nghề với mức thu nhập trung bình từ 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TX. Tân Châu, khẳng định được tiềm năng, thế mạnh của một làng nghề trong thời kinh tế thị trường, phục vụ tốt cho phát triển DL tại cộng đồng.

Nét đặc sắc của nghề dệt thổ cẩm của người Chăm nằm ở kỹ thuật dệt, màu sắc và hoa văn trên sản phẩm. Bà con sử dụng khung dệt bằng gỗ, dệt bằng tay nên sản phẩm rất đẹp. Hoa văn trên thổ cẩm Chăm rất phong phú và đa dạng, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Chăm Islam. Về màu sắc, thổ cẩm Chăm nổi tiếng với những màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Những nghệ nhân sử dụng các màu tự nhiên, như: Chàm, đỏ, vàng, xanh lá cây để nhuộm vải.

“Hoa văn trên thổ cẩm Chăm thường có ý nghĩa tượng trưng cho các yếu tố thiên nhiên, tôn giáo, gắn liền với cuộc sống con người. Bà con dệt lên sản phẩm hình ảnh các ngôi thánh đường, phong cảnh thiên nhiên. Sản phẩm được sử dụng để may trang phục, phục vụ cho các nghi thức tôn giáo; làm đồ trang trí nhà cửa, quà lưu niệm. Sản phẩm không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ, mà còn có giá trị sử dụng cao, được du khách ưa chuộng” - ông Mô Hăm Mách (chủ cơ sở Dệt Thổ cẩm truyền thống Chăm Châu Phong) chia sẻ.

Bảo tồn

Làng nghề Dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong có hơn 700 hộ với 4.500 nhân khẩu. Trong làng có gần 100 thợ dệt có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với khung dệt. Các sản phẩm thổ cẩm một phần tiêu thụ tại địa phương, mang đi bán ở các nước Hồi giáo tại khu vực Trung Đông, Campuchia, Thái Lan và bán cho khách đến tham quan tại làng nghề.

Ngay sau dịch COVID-19 được kiểm soát, mỗi năm làng Chăm Châu Phong đón hàng chục ngàn lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, DL, tìm hiểm văn hóa lịch sử dân tộc. Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, lễ hội Văn hóa dân tộc Chăm, khách DL đến làng Chăm rất đông, nhiều du khách chọn mua các sản phẩm dệt thổ cẩm để làm qua lưu niệm nên lượng sản phẩm bán ra rất nhiều, bà con theo nghề dệt cũng có thêm thu nhập.

Du khách tham quan sản phẩm của làng

Du khách tham quan sản phẩm của làng

Tour DL làng Chăm, tham quan các cơ sở dệt thổ cẩm trở thành một trong những điểm đến DL hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Thông qua Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour DL thường xuyên đưa du khách về đây tham quan.

“Có được kết quả đó, trước hết là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị của làng nghề. Nhà nước đã tạo điều kiện cho đồng bào phát triển bằng các cơ chế, chính sách; bằng việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, hạ tầng viễn thông. Qua đó, tạo được vẻ mỹ quan cho làng Chăm phát triển, phục vụ phát triển DL” - ông Haji Jaky (Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh) chia sẻ.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm dệt thổ cẩm ngày càng tăng đã thúc đẩy các nghệ nhân trong làng đẩy mạnh sản xuất để tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, nhu cầu DL trải nghiệm văn hóa, khám phá bản sắc địa phương ngày càng tăng cao. Du khách ngày càng ưa chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. “Sản phẩm dệt thổ cẩm với hoa văn tinh xảo, màu sắc rực rỡ, chất liệu tự nhiên nên thu hút được người mua sử dụng lẫn du khách khi đến tham quan, DL tại làng Chăm…” - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Nguyễn Văn To chia sẻ.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm người Chăm phục vụ phát triển DL là mong muốn của cộng đồng Hồi giáo Chăm trong tỉnh nhằm góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển DL để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân địa phương.

BÌNH MINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-nghe-det-tho-cam-nguoi-cham-a398110.html