Phát triển phong trào văn nghệ trong trường học

Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm phát triển phong trào văn nghệ trong các trường học, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và sân chơi lành mạnh cho học sinh, góp phần lan tỏa phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tiết mục múa của đội văn nghệ Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố.

Tiết mục múa của đội văn nghệ Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố.

Hiện nay, toàn tỉnh có 609 trường học, với trên 370.000 học sinh. 100% các trường có đội văn nghệ xung kích. Giai đoạn 2020-2023, các trường học đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của 417 câu lạc bộ sở thích, 204 câu lạc bộ kỹ năng. Tùy từng sự kiện, chủ đề của ngày lễ như: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, lễ khai giảng, tổng kết năm học, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngoại khóa hướng nghiệp... hoặc hoạt động ngoại khóa, các đội văn nghệ biểu diễn các tiết mục phù hợp.

Hầu hết các tiết mục văn nghệ của các nhà trường đều mang đậm bản sắc dân tộc, như: Xòe Thái, múa au eo của người Khơ Mú, múa chuông của người Dao tiền, múa khèn của dân tộc Mông... Các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Bác Hồ kính yêu, về người giáo viên nhân dân... Phát huy bản sắc dân tộc, một số trường học còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn đưa vào giảng dạy các điệu múa, như: Vũ điệu kết đoàn, truyền dạy dân ca, dân vũ của các dân tộc, múa xòe... Thành lập các câu lạc bộ sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc.

Bên cạnh đó, với xu thế của giới trẻ, những năm gần đây, ở các cấp học đã phát triển môn múa hiện đại và dân vũ quốc tế. Với nhiều thể loại, như: Breakdance, hiphop, dancesport, popping, dân vũ; nhịp điệu nhanh, vũ đạo trẻ trung, mới mẻ, tạo không khí sôi động từ các bài nhảy hiện đại trên các nền tảng xã hội. Có nhiều tiết mục nhảy sáng tạo, mang tính nghệ thuật cao, phù hợp với lứa tuổi học sinh và truyền tải nhiều thông điệp có ý nghĩa, như ca ngợi con người, văn hóa Việt Nam, tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống... Thúc đẩy phong trào, hằng năm, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã tổ chức Liên hoan các nhóm nhảy thanh niên và dân vũ quốc tế, thu hút đông đảo các nhóm nhảy, câu lạc bộ của các trường học tham gia. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, cho biết: Phòng đã chỉ đạo các nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tổ chức các hội thi, giao lưu văn nghệ giữa các trường; tham gia biểu diễn nhân dịp các ngày lễ, sự kiện lớn của địa phương. Nhiều trường học có các tiết mục văn nghệ đặc sắc thường xuyên được trưng tập biểu diễn tại các sự kiện của huyện.

Hiện nay, Trường PTDT Nội trú tỉnh có 1 đội văn nghệ xung kích gồm 3 nhóm: Hát, múa, nhảy và 1 Câu lạc bộ nhạc cụ sáo, với hơn 40 học sinh tham gia. Em Lò Thị Ngọc Lê, lớp 11C, cho biết: Em tham gia đội văn nghệ của trường từ năm lớp 10. Tùy hoạt động và chủ đề của sự kiện, chúng em chọn tập luyện và biểu diễn các tiết mục phù hợp dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Tham gia đội văn nghệ, em được rèn luyện sự tự tin, kỹ năng xử lý tình huống trước đám đông và giúp em thoải mái tinh thần sau những giờ học trên lớp.

Phong trào văn nghệ trong trường học đã tăng tính tự tin trong giao tiếp cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện và góp phần xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương thêm đa dạng, phong phú.

Bài, ảnh: Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phat-trien-phong-trao-van-nghe-trong-truong-hoc-aterY9cSR.html