Phát triển sản phẩm OCOP ở Tương Dương: Nâng tầm sản vật miền núi

Phát triển sản phẩm OCOP tại Tương Dương những năm qua, đã góp phần phát huy thế mạnh của địa phương, nâng tầm sản vật miền núi.

Tương Dương có 21 sản phẩm OCOP 3 sao

Sản phẩm me ngào của Tổ hợp tác chế biến me Tương Dương thuộc bản Cây Me, xã Tam Thái, huyện Tương Dương được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Văn Trường

Sản phẩm me ngào của Tổ hợp tác chế biến me Tương Dương thuộc bản Cây Me, xã Tam Thái, huyện Tương Dương được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Văn Trường

Huyện Tương Dương hiện có khá nhiều sản phẩm OCOP nổi bật, trong số đó phải kể đến bò giàng, tinh bột nghệ của Tổng đội Thanh niên xung phong, sản phẩm me ngào, thanh long ruột đỏ, cà chua múi, me ngào... Sản phẩm me ngào của Tổ hợp tác chế biến me Tương Dương thuộc bản Cây Me, xã Tam Thái, huyện Tương Dương đã tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh thành và tiêu thụ rộng khắp địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chị Kha Thị Dung - Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến me Tương Dương thuộc bản Cây Me chia sẻ: Sản phẩm me ngào được được tổ hợp tác làm từ những năm 2021, nguồn nguyên liệu là thu mua quả me của bà con dân bản ngay tại địa phương khá dồi dào. Me được chế biến, quả me chín 65%, đường kính 35%, me ngào dùng để pha thành thứ nước giải khát thanh nhiệt rất thơm, mát. Có thể dùng làm nước xốt, gia vị trong chế biến thức ăn, với những món đặc trưng như sườn xào chua ngọt, tôm hấp…

Đầu ra cho sản phẩm vào dịp hè thường ổn định hơn, bình quân tiêu thụ trên 3.000 hộp me ngào/tháng, giá khá hợp lý 60.000 đồng/hộp. Me ngào được khách hàng ưa chuộng vì chất sánh mịn, độ ngọt vừa phải, hương thơm dịu và bền; khâu chế biến, bảo quản sạch sẽ. Vì vậy me vừa làm xong hầu hết đã có khách các nơi đến mua nên gần như không có hàng tồn kho.

Chị Kha Thị Dung - Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến me Tương Dương thuộc bản Cây Me bên sản phẩm me ngào. Ảnh: Văn Trường

Chị Kha Thị Dung - Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến me Tương Dương thuộc bản Cây Me bên sản phẩm me ngào. Ảnh: Văn Trường

Địa bàn Tương Dương còn nổi tiếng bởi sản phẩm bò giàng của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo thị trấn Thạch Giám. Sản phẩm của cơ sở này hiện đã được 3 siêu thị ở thành phố Vinh ký kết tiêu thụ sản phẩm, gồm siêu thị BigC, siêu thị Lotte, Siêu thị thực phẩm sạch Tomato.

Bà Trần Thị Thảo - Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã thành lập từ năm 2018, có 7 hộ gia đình tham gia. Bò giàng theo đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An có nghĩa là thịt để gác bếp, từ lâu loại sản phẩm này đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Vào những ngày thường, mỗi tháng cơ sở sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 tạ rưỡi đến 2 tạ bò giàng.

Để làm bò giàng ngon, phải chọn bò bản địa và phải chọn thịt bò loại 1 để làm món đặc sản này. Sau khi mang thịt về, thịt được rửa sạch, cắt thành miếng dài khoảng 20 cm. Sau đó, thịt được tẩm gia vị và ướp, buộc dây phơi nắng, hong bếp củi, khi thịt khô cong, tỏa hương thơm thì dừng lại. Bò giàng sau khi thành phẩm sẽ được bọc bao ni lông, hút chân không và bảo quản trong tủ lạnh.

Bò giàng Tương Dương của HTX Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo. Ảnh: Văn Trường

Bò giàng Tương Dương của HTX Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo. Ảnh: Văn Trường

Ngoài sản xuất thịt bò giàng, hợp tác xã còn có 3 sản phẩm khác gồm thịt lợn giàng, thịt ba chỉ gác bếp, lạp xưởng.

Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm OCOP ở Tương Dương, vẫn còn những khó khăn, phần lớn sản phẩm OCOP có quy mô sản xuất mang tính thời vụ, sản lượng nhỏ, khi thị trường có nhu cầu về số lượng lớn thì chưa đáp ứng được. Các tổ hợp tác tham gia phát triển sản phẩm OCOP có nội lực và khả năng quản trị sản xuất còn hạn chế; Các sản phẩm hiện đang duy trì ở quy mô cấp hộ gia đình, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, và khâu tiêu thụ.

Bà Trần Thị Thảo - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo bên sản phẩm tại một gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Văn Trường

Bà Trần Thị Thảo - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo bên sản phẩm tại một gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Văn Trường

Tính đến thời điểm này toàn huyện Tương Dương có 21 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đó là: Bò giàng Tương Dương, thanh long ruột đỏ, cà chua múi, cà ngọt Khe Ngậu, rượu nếp cẩm, lạp xưởng, măng khô, me ngào, bộ bàn ghế mây truyền thống dân tộc thái, du lịch cộng đồng bản Quang Phúc, rượu siêu bản Lạ, ớt cay hiểm muối Hà Phương...

Tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Chương trình OCOP ở Tương Dương đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương.

Thông qua thực hiện chương trình đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.

Sản phẩm chè dây Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Ảnh: Văn Trường

Sản phẩm chè dây Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Ảnh: Văn Trường

Thời gian qua, huyện Tương Dương xác định ưu tiên công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu-tiêu thụ sản phẩm OCOP. Huyện cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử như Postmart.vn/Agri-postmart.vn.

Các sản phẩm bò giàng, lạp xưởng của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo, me ngào của Tổ hợp tác sản xuất, chế biến me; Măng khô của Tổ hợp tác sản xuất… đã được kết nối tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Sầm Sơn Thanh Hóa, TP. Vinh Nghệ An.

Đến nay huyện Tương Dương đãxây dựng được 1 điểm bán hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩ sản phẩm OCOP tại thị trấn Thạch Giám. Từ năm 2021-2024, huyện Tương Dương đã lồng ghép từ các chương trình dự án, hỗ trợ trên 1 tỷ đồng hỗ trợ công tác tập huấn, chỉ đạo, xây dựng thương hiệu, tem nhãn mác, bao bì, đăng ký nhãn hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm ớt hiểm Hà Phương ở Thạch Giám.

Sản phẩm ớt hiểm Hà Phương ở Thạch Giám.

Tương Dương đang tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh đăng ký tham gia chương trình OCOP. Năm 2024, huyện tiếp tục lựa chọn 8 sản phẩm đưa vào chương trình phát triển OCOP, bao gồm: Xoài Tương Dương, rượu nếp cái, nếp cẩm lên men (thị trấn Thạch Giám), chuối hột khô (Hữu Khuông), chè dây hoa vàng (Nhôn Mai), rượu đặng sâm (rượu ngâm sâm cau), cá lăng cắt khúc bản Vẽ (Yên Na), nem chua Xá Lượng.

Lựa chọn, củng cố và kiện toàn các tổ chức sản xuất, kinh doanh, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái hiện có của các xã, thị trấn để đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP. Huyện hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, trang thiết bị máy móc cho 21 sản phẩm OCOP đã đạt tiêu chuẩn 3 sao giai đoạn năm 2021-2 025. Xây dựng thêm 1 điểm bán hàng OCOP tại điểm dừng chân Săng Lẻ - Tam Đình

Văn Trường

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/phat-trien-san-pham-ocop-o-tuong-duong-nang-tam-san-vat-mien-nui-10273266.html