Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị để xây dựng nông thôn mới bền vững
Ngày 13-11, tại Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Đánh giá Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Bắc.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch với 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020, bao gồm 1.405 sản phẩm 3 sao, 716 sản phẩm 4 sao và 48 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Trong đó có 1.786 sản phẩm thực phẩm, 163 sản phẩm đồ uống, 107 sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí và 113 sản phẩm khác.
Tại khu vực phía Bắc, bao gồm miền núi phía Bắc (MNPB) và Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) đã có 22/25 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP cả nước, có 4/5 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước là: Hà Nội (301 sản phẩm), Quảng Ninh (191 sản phẩm), Hà Giang (120 sản phẩm) và Bắc Kạn (105 sản phẩm). Khu vực ĐBSH có 712 sản phẩm OCOP, trong đó nhóm sản phẩm thực phẩm chiếm 78,7% với 298 chủ thể có sản phẩm OCOP, trong đó 39% là các doanh nghiệp, 36% là hợp tác xã. Tại khu vực MNPB, 497 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, trong đó nhóm sản phẩm thực phẩm chiếm 87,5%; số lượng chủ thể đã có sản phẩm OCOP là 302, trong đó chủ yếu là các hợp tác xã với 67%.
Về định hướng chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng cần phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí sản phẩm OCOP, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên.