Phát triển thành công giáo trình điện tử từ than phiền của SV trên mạng xã hội

Theo Trưởng nhóm dự án, NEU Reader giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận tài liệu chuẩn để phục vụ học tập tốt nhất, hạn chế sử dụng sách lậu, sách kém chất lượng.

Vừa qua, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII đã thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Sự kiện này cũng đánh dấu chặng đường 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), là dịp tổng kết, đánh giá hiệu quả triển khai đề án, đề xuất các giải pháp mới, sáng tạo, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ trong các giai đoạn tiếp theo.

Ghi nhận trên thực tế, những năm qua, nhiều sáng kiến khởi nghiệp của sinh viên đã và đang góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo và đổi mới trong cộng đồng học sinh, sinh viên.

Trong đó, dự án NEU Reader của nhóm sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ phản ánh sự nỗ lực của sinh viên trong việc phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ vào học tập, mà còn là một minh chứng về việc áp dụng các ý tưởng sáng tạo vào thực tiễn, đóng góp vào việc giải quyết những nhu cầu thiết thực trong giáo dục hiện nay.

Dự án bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của sinh viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phạm Văn Linh - sinh viên năm 3 ngành Khoa học máy tính, Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời là Trưởng nhóm dự án NEU Reader cho biết, NEU Reader mang đến giải pháp về giáo trình điện tử dành cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, với hai ứng dụng chính.

 Phạm Văn Linh - sinh viên năm 3 ngành Khoa học máy tính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC

Phạm Văn Linh - sinh viên năm 3 ngành Khoa học máy tính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC

Trong đó, NRD Student App là ứng dụng giáo trình điện tử dành cho sinh viên kinh tế quốc dân, đồng bộ trên mọi thiết bị, kho sách đa dạng, ghi chú tiện lợi cùng với tính năng trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ tìm kiếm thông tin nhanh chóng.

Bên cạnh đó, ứng dụng NRD Back Office, giúp thầy cô, cán bộ quản lý dễ dàng quản lý người dùng, tài liệu, sách, giáo trình, thống kê hoạt động người dùng trên hệ thống.

Hiện tại NRD Student App đã có các phiên bản Windows, MacOS, iPadOS, Android. Hiện, có hơn 50.000 tài khoản đang hoạt động trên hệ thống.

“Thực ra, từ năm 2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã triển khai một phần mềm đọc sách có tên là NEU Reader. Tuy nhiên, phần mềm này đã khá cũ, giao diện truyền thống và chưa thực sự tối ưu cho người dùng.

Trong một lần lướt Facebook, tôi thấy một bạn đăng bài thắc mắc về phần mềm gặp lỗi khi sử dụng. Tôi có bình luận rằng nếu trường tạo cơ hội, sinh viên IT hoàn toàn có thể phát triển được một phần mềm tốt hơn.

Không lâu sau đó, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ Thông tin của trường liên hệ với tôi, hỏi liệu chúng tôi có thể thực hiện được hay không. Tôi trả lời thầy rằng chúng tôi có thể làm được.

Sau đó, thầy đã giao cho tôi cơ hội để phát triển hệ thống ứng dụng mới. Tôi thành lập một nhóm gồm các bạn sinh viên cùng đam mê nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp. Đến nay, nhóm đang có khoảng 28 thành viên tham gia dự án”, Linh chia sẻ.

 Giao diện ứng dụng NEU Reader. Ảnh chụp màn hình

Giao diện ứng dụng NEU Reader. Ảnh chụp màn hình

Theo Linh, mục tiêu cốt lõi của dự án NEU Reader bắt nguồn từ nhu cầu rất thực tế của sinh viên Kinh tế Quốc dân. Đó là nhu cầu được tiếp cận và đọc giáo trình chính thống, giáo trình bản quyền của trường. Bởi trên thực tế, ở bên ngoài trường có rất nhiều tài liệu mà sinh viên sử dụng là sách lậu, sách photo với chất lượng kém, thậm chí có những bản đã lỗi thời, không còn cập nhật những kiến thức mới nhất. Do đó, nhóm đã cùng nhau nghiên cứu và phát triển phần mềm NEU Reader với mục tiêu trở thành một ứng dụng uy tín, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu chuẩn, phục vụ tốt nhất cho quá trình học tập.

Ngoài việc cung cấp giáo trình bản quyền, NEU Reader còn tích hợp thêm nhiều chức năng hỗ trợ học tập như: ghi chú trực tiếp trên tài liệu, đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị để học mọi lúc mọi nơi và có cả tính năng hỏi đáp với AI để sinh viên có thể tra cứu, giải đáp thắc mắc nhanh chóng ngay khi đang học. Hiện tại, NEU Reader đã hoàn thiện dưới dạng một ứng dụng riêng, người dùng có thể tải về và sử dụng như những ứng dụng thông thường trên điện thoại thông minh. Đến nay, nhóm dự án vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thêm các tính năng mới để trải nghiệm học tập trên NEU Reader ngày càng tiện lợi và hiệu quả hơn.

“Cuối năm 2024, nhóm có tham gia cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp - Startup launchpad lần thứ II do Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội tổ chức và may mắn giành được giải Khuyến khích. Tuy nhiên, điều mà tôi và những người đồng đội hướng đến không chỉ dừng lại ở một cuộc thi nào đó mà phải biến dự án ấp ủ thành một sảm phẩm hữu ích, đi vào sử dụng trong thực tiễn. Do vậy, sau cuộc thi, nhóm tôi vẫn tiếp tục phát triển dự án và hiện tại NEU Reader đã được áp dụng thực tế trong nội bộ Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trong tương lai rất gần, có thể ngay trong năm nay, hệ thống NEU Reader sẽ được tích hợp với hệ thống Thư viện điện tử dùng chung của Đại học Kinh tế Quốc dân - một hệ thống rất lớn và hiện đang được sử dụng chung bởi nhiều trường đại học có uy tín tại Việt Nam như Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương...

Trước mắt, việc tích hợp NEU Reader với hệ thống thư viện điện tử dùng chung này là bước đi quan trọng để mở rộng khả năng tiếp cận, và trong tương lai, sau khi hoàn thiện, nhóm phát triển hy vọng sẽ đưa NEU Reader đến nhiều trường đại học khác, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thư viện điện tử bản quyền đang ngày càng lớn trong khối các trường đại học”, Linh thông tin.

 Linh cùng các thành viên tham gia dự án NEU Reader. Ảnh: NVCC

Linh cùng các thành viên tham gia dự án NEU Reader. Ảnh: NVCC

Linh bày tỏ, ngay từ khi thành lập, các thành viên đều xác định rõ mục tiêu chung là lấy câu chuyện và trải nghiệm của người dùng làm trung tâm. Là những sinh viên từng sử dụng các sản phẩm phần mềm trước đây của trường, nhóm hiểu rất rõ những điểm hạn chế, bất tiện còn tồn tại và mong muốn xây dựng một phần mềm thực sự giải quyết đúng các vấn đề đó. Với việc đặt người dùng làm tiêu chí phát triển, NEU Reader đã đi đúng hướng, nâng cao trải nghiệm người dùng và tạo ra giá trị thực cho việc học tập của sinh viên.

Mong muốn tạo ra một phiên bản liên kết với các nhà xuất bản

Trong quá trình xây dựng dự án, từ lúc hình thành ý tưởng đến khi thực hiện, nhóm của Linh đã gặp không ít khó khăn.

Linh chia sẻ, một trong những thử thách lớn nhất là thay đổi thói quen của sinh viên. Trước đây, khi phần mềm cũ chưa đủ tiện ích, sinh viên thường xuyên sử dụng giáo trình giấy hoặc sách lậu. Tuy nhiên, với phần mềm mới này, dù có nhiều tính năng vượt trội hơn, nhóm vẫn phải dành thời gian để hướng dẫn và chứng minh cho sinh viên nhận thức phần mềm không chỉ tốt hơn giáo trình giấy mà còn hữu ích hơn so với sách lậu, thực sự hỗ trợ việc học một cách hiệu quả hơn.

Về quá trình đưa NEU Reader vào thực tế, phần mềm đã chính thức được sử dụng tại Đại học Kinh tế Quốc dân từ tháng 2/2024. Sau hơn một năm triển khai, nhóm phát triển đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến người dùng sau khoảng 2 tháng phát hành. Mặc dù ở thời điểm đó, phần mềm còn tồn tại một số lỗi nhỏ do mới hoạt động chưa lâu, nhưng nhìn chung, phản hồi nhận được rất tích cực. Sinh viên rất hào hứng khi có một sản phẩm công nghệ do chính sinh viên nhà trường phát triển, đồng thời đánh giá cao việc NEU Reader đã khắc phục những tồn tại của phần mềm cũ.

“Trong suốt quá trình phát triển, các thầy cô đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho nhóm. Khi nhóm gặp khó khăn hoặc có đề xuất, các thầy cô sẵn sàng hỗ trợ về mọi mặt, từ chuyên môn cho đến kỹ thuật. Về kinh phí, nhà trường cũng hỗ trợ nhóm phát triển khá nhiều, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và hệ thống lưu trữ trên đám mây, giúp nhóm có thể yên tâm tập trung vào việc phát triển sản phẩm để đạt được chất lượng tốt nhất”, Linh cho hay.

Chia sẻ về dự án, Tiến sĩ Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong suốt quá trình triển khai dự án NEU Reader, nhà trường và trung tâm đã tích cực hỗ trợ sinh viên về cả mặt tinh thần lẫn kinh phí.

 Tiến sĩ Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: website Phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tiến sĩ Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: website Phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Về mặt tinh thần, nhà trường đã cung cấp sự hỗ trợ trong việc truyền thông, giúp sinh viên quảng bá sản phẩm và kiểm tra tính khả thi của dự án. Ngoài ra, nhà trường đã hỗ trợ sinh viên về tài nguyên hạ tầng, bao gồm máy chủ và đường truyền, vì dự án yêu cầu một lượng tài nguyên lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng.

“Mặc dù nhà trường ít can thiệp vào các vấn đề chuyên môn, nhưng các thầy cô luôn đóng góp ý kiến từ góc độ quản lý và kinh nghiệm sử dụng các phần mềm khác, giúp sinh viên hoàn thiện tính năng của sản phẩm.

Trong tương lai gần, tôi kỳ vọng dự án NEU Reader sẽ không ngừng phát triển và bổ sung thêm nhiều tính năng mới, đặc biệt là việc kết nối với các phần mềm thư viện điện tử, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể dễ dàng mua và đọc sách trực tiếp trên nền tảng này.

Một trong những mục tiêu lớn đặt ra là tạo ra một phiên bản liên kết với các nhà xuất bản, giúp sinh viên có thể tải sách về đọc ngay trên hệ thống và thanh toán trực tiếp cho các nhà xuất bản, mở ra một kênh phân phối sách mới và mang lại lợi ích cho cả sinh viên lẫn các nhà xuất bản.

Theo tôi, đây là sản phẩm phải có tính ứng dụng thực tế cao, không chỉ là một bản thử nghiệm, mà còn có thể sử dụng và sẵn sàng để thương mại hóa”, thầy Thủy bày tỏ.

Yên Đan

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phat-trien-thanh-cong-giao-trinh-dien-tu-tu-than-phien-cua-sv-tren-mang-xa-hoi-post250841.gd