Phát triển thuốc giải độc rắn từ kháng thể của người bị rắn cắn 200 lần

Hôm 3/5, BBC đưa tin máu của một người đàn ông Mỹ cố tình tiêm nọc rắn vào người trong gần hai thập kỷ qua đã tạo ra một loại thuốc giải độc 'vô song'.

Theo đó, các kháng thể tìm thấy trong máu của người đàn ông có tên Tim Friede đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại liều lượng gây tử vong từ nọc của nhiều loài rắn khác nhau trong các thử nghiệm trên động vật.

Đây là một bước tiến bởi hiện nay các loại huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu chỉ phù hợp với từng loài rắn độc cụ thể. Nhưng loại thuốc có thể giải độc chống lại vết rắn cắn từ mọi loài rắn là chưa có.

Loài rắn giết chết tới 14.000 người mỗi năm trên thế giới và khiến vô số người phải cắt cụt chi hoặc phải đối mặt với tình trạng tàn tật vĩnh viễn.

Trong 18 năm qua, ông Friede đã phải chịu đựng hơn 200 vết cắn và hơn 700 lần tiêm nọc độc mà ông đã chuẩn bị từ một số loài rắn độc nhất thế giới, bao gồm rắn mamba, rắn hổ mang, rắn taipan và rắn cạp nong.

Ban đầu, ông muốn tăng cường khả năng miễn dịch để bảo vệ bản thân khi xử lý rắn, đồng thời ghi lại những “chiến công” của mình trên YouTube.

Nhưng cựu thợ máy xe tải cho biết ông đã "hoàn toàn thất bại" ngay từ đầu khi bị rắn hổ mang cắn liên tiếp khiến ông hôn mê.

"Tôi không muốn chết. Tôi không muốn mất một ngón tay. Tôi không muốn nghỉ làm" - ông nói với BBC. Động lực của Friede là phát triển các liệu pháp chữa trị rắn cắn tốt hơn cho phần còn lại của thế giới.

Ông Tim Friede (giữa) được lấy kháng thể để phát triển thuốc giải nọc của cùng lúc nhiều loài rắn

Ông Tim Friede (giữa) được lấy kháng thể để phát triển thuốc giải nọc của cùng lúc nhiều loài rắn

Thuốc giải độc hiện được tạo ra bằng cách tiêm một lượng nhỏ nọc rắn vào động vật, chẳng hạn như ngựa. Hệ thống miễn dịch của chúng chống lại nọc độc bằng cách sản xuất kháng thể và những kháng thể này được thu thập để sử dụng làm huyết thanh kháng nọc.

Nhưng nọc độc và thuốc giải độc phải được kết hợp chặt chẽ với nhau như “khóa và chìa” vì chất độc trong vết cắn của những loài rắn độc khác nhau sẽ khác nhau về thành phần hóa học giữa các loài.

Thậm chí còn có nhiều loại khác nhau trong cùng một loài – thuốc giải độc làm từ rắn ở Ấn Độ kém hiệu quả hơn đối với cùng loài ở Sri Lanka.

Một nhóm các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm kiếm một loại phòng thủ miễn dịch được gọi là kháng thể trung hòa rộng rãi. Thay vì nhắm vào phần độc tố của từng loài khiến nó trở nên đặc hiệu, họ nhắm vào các thành phần hóa học chung cho toàn bộ các loại độc tố.

Đó là lúc Tiến sĩ Jacob Glanville - Giám đốc điều hành của công ty công nghệ sinh học Centivax tình cờ gặp Tim Friede.

"Tôi ngay lập tức nghĩ rằng nếu có ai trên thế giới phát triển được những kháng thể trung hòa rộng rãi này, thì đó sẽ là ông ấy và vì vậy tôi đã liên hệ" - Glanville chia sẻ.

"Cuộc gọi đầu tiên, tôi nói rằng điều này có thể hơi khó xử, nhưng tôi rất muốn có được một ít máu của anh'" – Glanville nhớ lại.

Friede đồng ý và công trình này đã được chấp thuận về mặt đạo đức vì nghiên cứu này chỉ lấy máu, thay vì cung cấp cho ông nhiều nọc độc hơn.

Nghiên cứu tập trung vào loài rắn hổ mang chúa nói riêng và họ rắn hổ nói chung với các loài rắn nằm trong họ này bao gồm rắn san hô, rắn mamba, rắn hổ mang, rắn taipan và rắn cạp nong.

Rắn hổ mang chúa chủ yếu sử dụng chất độc thần kinh trong nọc độc của chúng, chất này làm tê liệt nạn nhân và gây tử vong khi nó làm tê liệt các cơ cần thiết để thở.

Rắn mamba đen thuộc họ rắn hổ - là một trong những loài rắn độc nhất Thế giới - Ảnh: Getty

Rắn mamba đen thuộc họ rắn hổ - là một trong những loài rắn độc nhất Thế giới - Ảnh: Getty

Các nhà nghiên cứu đã chọn 19 loài rắn trong họ rắn hổ được Tổ chức Y tế thế giới xác định là những loài rắn nguy hiểm nhất hành tinh. Sau đó, họ bắt đầu tìm kiếm các kháng thể chống lại nọc của chúng trong máu của Friede.

Công trình của họ, được trình bày chi tiết trên tạp chí Cell, đã xác định được hai kháng thể trung hòa rộng rãi có thể nhắm mục tiêu vào hai loại độc tố thần kinh. Họ đã thêm vào một loại thuốc nhắm mục tiêu vào loại thứ ba để tạo ra hỗn hợp thuốc giải độc của họ.

Trong các thí nghiệm trên chuột, hỗn hợp này khi tiêm vào đã giúp con vật thí nghiệm sống sót sau liều gây tử vong từ 13 trong số 19 loài rắn độc. Chúng cũng được bảo vệ một phần khỏi nọc của 6 loài còn lại.

Theo Tiến sĩ Glanville, đây là phạm vi bảo vệ "vô song" và "có khả năng bao phủ toàn bộ một loạt các loài rắn hổ mà hiện tại chưa có thuốc giải độc".

Nhóm nghiên cứu đang cố gắng tinh chỉnh các kháng thể hơn nữa và xem liệu việc thêm thành phần thứ tư có thể dẫn đến khả năng bảo vệ hoàn toàn chống lại nọc rắn hổ hay không.

Một họ rắn khác là rắn lục với nọc độc gây độc máu khi nó tấn công máu, thay vì hệ thần kinh. Tổng cộng có khoảng một chục loại độc tố hiện diện trong nọc rắn, bao gồm cả độc tố tế bào giết chết trực tiếp các tế bào.

"Tôi nghĩ rằng trong 10 hoặc 15 năm tới, chúng ta sẽ có thứ gì đó hiệu quả chống lại từng loại độc tố đó" - Giáo sư Peter Kwong, một trong những nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết.

Cuộc săn lùng các kháng thể vẫn đang tiếp tục được thực hiện nhờ các mẫu máu của ông Friede.

"Kháng thể của Tim thực sự khá phi thường - ông ấy đã dạy hệ thống miễn dịch của mình để có được sự nhận diện rất rộng rãi (với nọc của nhiều loài rắn)" - Giáo sư Kwong chia sẻ.

Hy vọng cuối cùng của nhóm nghiên cứu là tìm ra một loại thuốc giải độc duy nhất có thể làm được mọi thứ: chỉ cần một mũi tiêm cho người bị họ rắn hổ cắn và một mũi tiêm cho người bị họ rắn lục cắn.

Anh Duy (theo BBC)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/phat-trien-thuoc-giai-doc-ran-tu-khang-the-cua-nguoi-bi-ran-can-200-lan_177565.html