Phát triển vùng mía nguyên liệu ở xã Đa Phúc
Xã Đa Phúc (Yên Thủy) có diện tích trồng mía hơn 500ha, tạo thành vùng nguyên liệu quan trọng cho các nhà máy chế biến đường trong khu vực. Thổ nhưỡng của vùng phù hợp với việc trồng mía, cho năng suất cao, đạt từ 70 - 80 tấn/ha. Mở rộng phát triển vùng mía không chỉ tạo việc làm mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.
Xã Đa Phúc (Yên Thủy) có diện tích trồng mía hơn 500ha, tạo thành vùng nguyên liệu quan trọng cho các nhà máy chế biến đường trong khu vực. Thổ nhưỡng của vùng phù hợp với việc trồng mía, cho năng suất cao, đạt từ 70 - 80 tấn/ha. Mở rộng phát triển vùng mía không chỉ tạo việc làm mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.
Gia đình anh Quách Văn Thọ, xóm Heo là một trong những hộ nổi bật trong trồng mía nguyên liệu ở xã. Theo anh Thọ, cây mía là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân. Vào vụ thu hoạch mía đã tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động thời vụ. Người trồng mía đã có sự đầu tư chăm sóc, các công ty thu mua đều đặn, nhờ đó đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, cây màu. Hiện gia đình anh Thọ trồng gần 10 ha mía, với giá bán cho nhà máy 12.500 đồng/kg, vụ mía này đem lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 600 triệu đồng.
Để nắm vững kỹ thuật trồng mía, anh Thọ chủ động học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức kỹ thuật mới về chăm sóc cây mía. Anh Thọ luôn tự hào vì vườn mía của gia đình mình là một trong những vườn mía đẹp và chất lượng nhất xã Đa Phúc, đáp ứng yêu cầu cung cấp cho các nhà máy chế biến đường.
Theo rà soát, toàn xã Đa Phúc hiện có trên 400 ha mía nguyên liệu với hơn 700 hộ tham gia trồng. Năm 2024, năng suất thu hoạch từ cây mía đạt 80 tấn/ha, sản lượng đạt trên 32.000 tấn. Toàn bộ diện tích đều được Công ty Việt Đài và Công ty Lam Sơn thu mua với giá 12.500 đồng/kg.
Theo chia sẻ của các hộ trồng mía, những cây mía đẹp thường cao từ 2,5 - 3m, lớp vỏ có màu trắng hoặc vàng nhạt, dóng dài, thẳng đứng và mang hương vị ngọt ngào đặc trưng. Để đạt được chất lượng mía tốt nhất, thời điểm trồng vào mùa xuân và mùa hè, khi thời tiết ấm áp, có đủ nắng và mưa để cây mía phát triển mạnh mẽ. Sau khoảng 12 tháng chăm sóc mía cho thu hoạch. Quá trình trồng và chăm sóc cần đảm bảo quy trình kỹ thuật để cây phát triển khỏe mạnh, tối ưu hóa lượng đường trong thân cây.
Xác định mía như một cây trồng chủ lực, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Đa Phúc chủ động phối hợp các đoàn thể, ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các hộ dân cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng mía, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng chí Bùi Văn Kiên, PhóChủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: Để cây mía nguyên liệu tiếp tục phát triển hiệu quả và bền vững, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích mía. Mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, trang bị kiến thức kỹ thuật trồng và chăm sóc mía cho người dân, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện xã đang nỗ lực xây dựng các mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định, giá thành hợp lý cho sản phẩm mía. Mục tiêu là xây dựng cây mía trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.