Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa: VGP.

Ảnh minh họa: VGP.

Mục tiêu của quy hoạch đặt ra là phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); Dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng.

Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; Đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.

Xây mới hàng loạt kho gần các nhà máy lọc dầu

Để thực hiện mục tiêu trên, quy hoạch đặt ra phương án phát triển hạ tầng dự trữ, kho cung ứng xăng dầu tại các nhà máy sản xuất, chế biến, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu phục vụ dự trữ quốc gia; Xây mới 1-2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn) với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.

Đối với hạ tầng dự trữ thương mại, tiếp tục khai thác 89 kho xăng dầu thương mại và các kho thuộc nhà máy sản xuất, chế biến dầu khí kết hợp dự trữ thương mại hiện có đã đầu tư xây dựng đúng quy định và hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn với tổng sức chứa khoảng 5 triệu m3; Mở rộng, nâng công suất 43 kho thương mại và các kho nhà máy đồng bộ với công suất nhà máy với tổng công suất mở rộng khoảng 1.400 ngàn m3.

Đặc biệt, sẽ xây mới 59 kho xăng dầu đã được quy hoạch tại các vị trí thuận lợi, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương với tổng công suất khoảng 5,1 triệu m3.

Cũng theo Quyết định số 861, định hướng phát triển hệ thống kho xăng dầu theo vùng cung ứng, đáp ứng yêu cầu dự trữ quốc gia, dự trữ thương mại theo nhu cầu thị trường, bảo đảm an ninh năng lượng, ưu tiên tại các khu vực đã được quy hoạch cảng biển quy mô lớn, những khu vực thuận lợi về giao thông thủy, giao thông bộ. Cụ thể:

Khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, định hướng phát triển hệ thống dự trữ xăng dầu với sức chứa đến 1,4 triệu m3, ưu tiên đầu tư kho đầu mối tại các khu vực cảng biển: Cảng Hải Hà, cảng Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh); Cảng Nam Đình Vũ, cảng Lạch Huyện, cảng Nam Đồ Sơn (TP Hải Phòng); Bến cảng Ba Lạt (tỉnh Thái Bình) và kho tuyến sau tại các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang.

Khu vực Bắc Trung Bộ, định hướng phát triển hệ thống dự trữ xăng dầu với sức chứa đến 500.000 m3, ưu tiên đầu tư tại các khu vực: Cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương (tỉnh Hà Tĩnh); Cảng Hòn La, cảng Mũi Độc (tỉnh Quảng Bình).

Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, định hướng phát triển hệ thống dự trữ xăng dầu với sức chứa đến 500.000 m3, ưu tiên đầu tư tại khu vực: Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), Nam Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).

Khu vực TP HCM và phụ cận, định hướng phát triển hệ thống dự trữ xăng dầu với sức chứa Quy hoạch từ 2 triệu m3 đến 3 triệu m3, ưu tiên đầu tư tại các khu vực: Long Sơn (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), Gò Dầu - Long Thành (tỉnh Đồng Nai); Sơn Mỹ (tỉnh Bình Thuận), sông Soài Rạp (tỉnh Tiền Giang); Ưu tiên đầu tư kho ngoại quan dự trữ dầu thô 1-2 triệu tấn đồng thời nguồn dự trữ cho Nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn.

Khu vực TP Cần Thơ và phụ cận, định hướng phát triển hệ thống dự trữ xăng dầu với sức chứa đến 300.000 m3, ưu tiên đầu tư tại các khu vực: Kênh Xáng - Rạch Cái Cui (tỉnh Hậu Giang), đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Giai đoạn sau năm 2030, sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng dự trữ nguyên liệu và sản phẩm tại các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu theo công suất thiết kế. Xây mới thêm 500.000 m3 kho chứa xăng dầu phục vụ dự trữ quốc gia; Xây mới từ 1-2 kho dự trữ dầu thô tại khu vực gần các nhà máy lọc dầu, nâng tổng công suất đến 3 triệu tấn dầu thô.

Tiếp tục xây dựng hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu theo vùng, nâng cấp thiết bị công nghệ. Di dời các kho khu vực nội đô không đảm bảo an toàn hoặc không phù hợp với định hướng phát triển đô thị của địa phương (như Hà Nội, Quảng Ninh…).

Đối với hệ thống đường ống xăng dầu, tiếp tục khai thác hiệu quả và cải tạo, nâng cấp hệ thống vận tải xăng dầu bằng đường ống đã được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài 580,9 km; Sau đó xây mới tuyến ống dẫn nhiên liệu bay từ kho đầu nguồn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về kho sân bay Long Thành.

Sau năm 2030 sẽ mở rộng tuyến ống xăng dầu B12, xây mới tuyến ống Liên Chiểu - Hòa Liên (Đà Nẵng); Tuyến từ kho ven biển Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên; Tuyến nối từ nhà máy lọc dầu tới kho dự trữ quốc gia về dầu thô, sản phẩm.

Tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả hạ tầng dự trữ khí đốt

Đối với hệ thống kho khí đốt, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục khai thác 16 kho LPG hiện có; Đầu tư, xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng dự trữ LNG tại Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với tổng công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm. Mở rộng sức chứa các kho hiện có và xây mới hệ thống kho nhập khẩu LNG.

Giai đoạn 2030 sẽ phát triển thêm hệ thống kho LPG và LNG tăng thêm công suất và sức chứa tại tất cả các vùng miền. Trong đó, kho LPG khoảng 60-70.000 tấn; Kho LNG là 23 triệu tấn/năm.

Với hệ thống đường ống khí đốt, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục khai thác tuyến ống dẫn khí đã đầu tư xây dựng đúng quy định, đang hoạt động; Mở rộng hệ thống đường ống khí tự nhiên/LNG tái hóa đến các hộ tiêu thụ, khu công nghiệp khu vực Đông Nam Bộ; Xây dựng mới các tuyến dẫn khí thiên nhiên từ nhà máy xử lý khí và các kho LNG nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện khí và các hộ tiêu thụ công nghiệp.

Giai đoạn sau 2030, xây dựng mới các tuyến dẫn khí thiên nhiên từ nhà máy xử lý khí và các kho LNG nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện khí và các hộ tiêu thụ công nghiệp với tổng công suất dự kiến từ 5 - 10 tỷ m3/năm.

Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ dành riêng cho hạ tầng dự trữ quốc gia.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phe-duyet-quy-hoach-ha-tang-du-tru-cung-ung-xang-dau-khi-dot-quoc-gia-post24360.html