Phiên buổi chiều ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về KT - XH
Chiều nay 18/7, kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh tiếp tục diễn ra với các nội dung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển KT - XH. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quang Chiến, Nguyễn Trần Huy chủ trì, điều hành kỳ họp.
Các giải pháp phát triển KT - XH
Tại phiên làm việc chiều nay 18/7, kỳ họp đã nghe báo cáo tổng hợp thảo luận của các tổ đại biểu. Theo đó, đa số các đại biểu thống nhất cao với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH), quốc phòng - an ninh (QP - AN) trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 trình tại kỳ họp.
Bên cạnh đó, chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế, những “điểm nghẽn” nội tại của nền kinh tế và khó khăn, thách thức đó là: Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.770 tỉ đồng, đạt 44% dự toán địa phương, 45% dự toán Trung ương và chỉ bằng 62% cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 9,56% so với cùng kỳ năm trước và đạt 40,6% kế hoạch năm; nhiều dự án động lực có quy mô lớn chưa được hiện thực hóa.
Chỉ số năng lực cạnh tranh thấp, tổng điểm số PCI năm 2022 chỉ đạt 61,26 điểm. Hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu chững lại, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.
Giải ngân đầu tư công còn chậm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều trường hợp phức tạp, khó khăn kéo dài; nguồn đất san lấp phục vụ xây dựng các công trình thiếu hụt; một số dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư; một số dự án nước ngoài triển khai còn chậm, việc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỉ lệ thấp.
Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy... Những khó khăn, thách thức trên cần được các cấp, các ngành, các địa phương, cán bộ công chức, viên chức nhận thức đầy đủ và quyết tâm cao để khắc phục trong thời gian tới.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, một số tổ đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, có nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm nâng cao chỉ số PCI, PAPI. Đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, giải ngân nguồn vốn. Thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch liên vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch ngành khác để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Chủ động phương án ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh. Chuẩn bị tốt công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy rừng.
Kịp thời xử lý, khơi thông các điểm nghẽn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư đối với các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư để sớm hiện thực hóa các dự án đầu tư công cũng như đầu tư xã hội. Tăng cường công tác cải cách hành chính, áp dụng chuyển đổi số.
Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững gắn với quảng bá sản phẩm chủ lực, OCOP; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường chỉ đạo các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tình hình buôn bán, tàng trữ và sử dụng chất ma túy.
Các ngành đề xuất giải pháp cụ thể
Giải pháp cụ thể cho kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tích cực 26,9%.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 5,27%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của ngành. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động xuất khẩu các đơn hàng về chế biến gỗ, may mặc gặp khó khăn. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,84% so với cùng kỳ năm trước.
Để thực hiện các mục tiêu kế hoạch của 2023 được UBND tỉnh giao, ngành Công thương sẽ tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được cấp chủ trương đầu tư. Chủ trì, phối hợp hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đưa vào vận hành, phát điện thương mại.
Tổ chức rà soát các dư địa phát triển tại Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt để tham mưu tỉnh kế hoạch triển khai hiện thực hóa phát triển công nghiệp năng lượng trên địa bàn tỉnh. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp chế biến gỗ và dệt may.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sớm các đơn vị xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành để tranh thủ đơn hàng khi thị trường thế giới có sự phục hồi. Tập trung tiếp cận để hỗ trợ các đề án khuyến công.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa, đón đầu với chính sách giảm thuế VAT nhằm kích thích tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án trong các khu kinh tế và đưa vào hoạt động, góp phần tạo ra mức tăng trưởng cao về giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đề xuất giải pháp cho kinh tế nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho rằng, cần tập trung chỉ đạo sản xuất thắng lợi các vụ mùa trong năm.
Thực hiện hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tập trung triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối các kênh phân phối, nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực.
Triển khai có hiệu quả các biên bản ghi nhớ, chương trình hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được ký kết như hợp tác với TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, ứng dụng công nghệ cao, nhất là thành tựu công nghiệp 4.0 vào sản xuất... Tiếp tục xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất gắn với chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Triển khai kế hoạch đổi mới hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác, các liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thành phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh làm tiền đề triển khai kế hoạch, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp bền vững đến 2030, tầm nhìn 2050.
Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp để tăng cường xúc tiến, mời gọi, thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, trong đó quan tâm các dự án đầu tư vào chế biến nông lâm sản, dự án ứng dụng nông nghệ cao trong chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Có cơ chế về nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh trên con tôm và dự trữ hóa chất để dập dịch kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện các phương án sản xuất, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai; các chính sách đã được Trung ương, tỉnh ban hành; các giải pháp mà ngành nông nghiệp và PTNT đã khuyến nghị nhằm tổ chức sản xuất đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra.
Về kịch bản hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trong nhiệm kỳ, ông Hòe cho rằng, đến cuối nhiệm kỳ có 4 huyện về đích nông thôn mới, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, các địa phương có tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt cao, các xã còn lại đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí. Để hoàn thành mục tiêu cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn thể xã hội và người dân.
Trên lĩnh vực giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Hùng cho biết trên địa bàn tỉnh có một số công trình kéo dài thời gian thi công như: đường Lê Thánh Tông, đường Hùng Vương nối dài, cầu An Mô do gặp một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vốn, thiếu đất san lấp, xây dựng khu tái định cư cho người dân...
Ngành đã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến, thống nhất thiết kế, tính toán lại cho phù hợp. Để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng ngoài các công trình nói trên, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, cấp phép các mỏ đất để đảm bảo tiến độ các dự án.
Đối với dự án Cầu dây văng sông Hiếu, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh triển khai thực hiện các công đoạn tiếp theo. Hiện nay, phía đường Hoàng Diệu cơ bản đã hoàn thiện nhưng phía đường Bà Triệu còn vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Đại biểu Võ Thị Thu, huyện Vĩnh Linh thống nhất với các văn bản, báo cáo, tờ trình được trình tại kỳ họp.
Đồng thời, nêu ý kiến: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan trả lời các kiến nghị cụ thể của cử tri gửi đến HĐND tỉnh, tránh kéo dài thời gian trả lời ý kiến của cử tri. Giải quyết dứt điểm các phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại sông Sa Lung, cần sớm làm rõ nguyên nhân vùng nuôi tôm xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh bị chết, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của người dân.
HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ giao đất cho người dân các địa phương. Trong đó, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải bàn giao đất cho các địa phương, để các địa phương bàn giao cho người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh sản xuất.
Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Thanh, đại biểu huyện Hải Lăng cho biết: Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên diễn biến phức tạp.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn xảy ra 13 vụ bạo lực học đường, ảnh hưởng đến sự an toàn trong môi trường giáo dục, đòi hỏi có sự cộng đồng trách nhiệm, trong đó vai trò của gia đình đóng vai trò quan trọng.
Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tăng 43,1%, số vụ lừa đảo qua mạng tăng, tập trung ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, các đối tượng cầm đầu nhiều đường dây ma túy lợi dụng thanh thiếu niên ở khu vực biên giới để vận chuyển ma túy. Bên cạnh đó, số thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng gia tăng.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng, cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả.
Đại biểu Hồ Thúy Vinh, huyện Hướng Hóa cho biết cử tri, Nhân dân huyện Hướng Hóa bày tỏ lo lắng, băn khoăn khi thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng.
Đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo quyết liệt, đưa ra giải pháp đồng bộ để tăng nguồn thu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình liên quan đến giải ngân nguồn vốn.
Việc triển khai các chương trình mục tiêu còn chậm, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công còn thấp. Trong khi đó, huyện Hướng Hóa gặp phải nhiều khó khăn về triển khai thực hiện các dự án chương trình mục tiêu quốc gia.
Đề nghị UBND tỉnh có hướng dẫn về thủ tục để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho địa phương có cơ sở thực hiện.
Mặc dù thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp nhưng tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp, dấy lên hồi chuông báo động tại các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tạo ra sự bất an trong cộng đồng dân cư.
Đề nghị sớm thay thế, ban hành nghị quyết mới về chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống ma túy; quan tâm dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đồng bào thiểu số, vùng sâu vùng xa để họ yên tâm sản xuất, tránh xa tệ nạn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Lượng, đơn vị Đakrông kiến nghị UBND tỉnh cấp đất sản xuất cho người dân, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất rừng. Quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thanh lý rừng và hoàn chỉnh hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ cây trồng vật nuôi, đặc biệt bảo tồn các nguồn gen cây trồng vật nuôi bản địa. Chỉ đạo các ngành chức năng và đơn vị có liên quan tham mưu, chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc các hộ dân xã Cam Thành, huyện Cam Lộ sử dụng đất trong phạm vi địa giới hành chính của xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 15D.
Đại biểu Nguyễn Bá Duẩn, huyện Triệu Phong băn khoăn trước những dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có tiến độ triển khai chậm, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh chưa cao, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn.
Kiến nghị, UBND tỉnh cần lấy ý kiến của người dân trước khi triển khai thực hiện các dự án. Năm 2023, huyện Triệu Phong dự kiến về đích huyện nông thôn mới.
Tuy nhiên, một vấn đề còn tồn tại là việc nâng cấp, mở rộng bãi rác trên địa bàn huyện.
Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ huyện nguồn lực để triển khai thực hiện.
Thông tin về kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII sẽ được Báo Quảng Trị online tiếp tục cập nhật vào sáng mai 19/7