Phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM Phan Thanh Tùng: Cần xây dựng Bộ luật về chứng cứ

Theo ông Phan Thanh Tùng (Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM), cần thiết phải xây dựng Bộ luật về chứng cứ để làm cơ sở pháp lý bảo đảm cho sự đúng, sai theo luật định khi xét xử vụ án.

Hôm nay (12-6), Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử.

Tham gia hội thảo có ông Tống Anh Hào (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao), ông Phan Thanh Tùng (Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM), ông Quách Hữu Thái (Phó Chánh án TAND TP.HCM)...

 GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu khai mạc. Ảnh: UL

GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu khai mạc. Ảnh: UL

Sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Phát biểu khai mạc, GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng nghiên cứu khoa học đi kèm với việc giảng dạy là một nhiệm vụ quan trọng của trường ĐH Luật TP.HCM. Vì vậy, Trường ĐH Luật TP.HCM thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học.

Theo ông Đại, Đảng đã giao nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền và việc xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) là một trong những nội dung quan trọng. Hiện nay, TAND Tối cao đang xây dựng Luật Tổ chức TAND sẽ thay đổi các quy định trong BLTTDS. Cạnh đó, BLTTDS 2015 đã gần 10 năm trôi qua nên cần có những nghiên cứu để sửa đổi. Đây là 3 lý do chính để tổ chức hội thảo này. Thông qua hội thảo, Trường sẽ có những đề xuất sửa đổi gửi đến TAND Tối cao.

 Ban chủ tọa (phiên thứ nhất) của hội thảo. Ảnh: YC

Ban chủ tọa (phiên thứ nhất) của hội thảo. Ảnh: YC

Tại hội thảo, ThS. NCS. Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân) cho biết sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS 2015 có nhiều lý do, trong đó có xuất phát từ sự bất cập của BLTTDS 2015. Với gần 10 năm điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động... BLTTDS 2015 có những quy định không theo kịp yêu cầu của đời sống xã hội.

"Ví dụ như thẩm quyền xét xử của tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, chứng minh chưa bảo đảm toàn diện nguyên tắc tranh tụng; thủ tục tố tụng còn bộc lộ những hạn chế cần được hoàn thiện...", ông Phước nói.

Cần thiết phải xây dựng Bộ luật về chứng cứ?

Ông Phan Thanh Tùng (Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM) thì cho rằng đối với án dân sự cái quan trọng là dựa vào chứng cứ để đưa ra phán quyết.

 Ông Phan Thanh Tùng (Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM) tại hội thảo. Ảnh: YC

Ông Phan Thanh Tùng (Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM) tại hội thảo. Ảnh: YC

Theo ông Tùng, hàng năm có đến hàng ngàn vụ án dân sự bị hủy, sửa. Lý giải cho điều này thì lý do thông thường là có sai sót về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên một lý do quan trọng khác được đưa ra là những vụ việc dân sự bị hủy, sửa có nguyên nhân từ việc thu thập, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án (có thể hiểu là việc hủy, sửa bản án là do sự khác nhau về việc đánh giá chứng cứ giữa các cấp tòa án).

Tình trạng này đưa đến hậu quả là cùng những chứng cứ như nhau, nhưng cách nhìn nhận, đánh giá, sự suy đoán pháp lý giữa các cấp tòa án vẫn có sự khác nhau, kể cả giữa các thẩm phán trong cùng tòa án. Trong khi đó, mỗi vụ án chỉ có thể có một đáp số mà thôi.

Ông Tùng nêu ví dụ là hợp đồng vay tài sản xác lập bằng lời nói. A đòi B 100 triệu đồng đã cho vay, việc vay mượn xác lập bằng lời nói. B thừa nhận có vay nhưng nói đã trả 70 triệu nên chỉ đồng ý trả 30 triệu. Có tòa án cho rằng sự thừa nhận của 1 bên là chứng cứ không cần chứng minh đối với 70 triệu đồng. Nhưng cũng có tòa án vẫn yêu cầu bên B chứng minh việc đã trả 70 triệu, nếu không chứng minh được phải trả 100 triệu.

Ông Tùng cho rằng có hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả xét xử là con người cụ thể (thẩm phán) và cơ sở pháp lý cụ thể (pháp luật quy định tương ứng).

Về cơ sở pháp lý cụ thể, kết quả đúng, sai của mỗi vụ án đặt trên chứng cứ và liền sau đó là sự đánh giá nó của thẩm phán xét xử. Nếu nắm vững các quy định hiện hành của pháp luật dân sự về giá trị chứng cứ và một vài nguyên tắc đánh giá chứng cứ, chất lượng xét xử vụ việc dân sự sẽ được bảo đảm. Điều đó giúp cho thẩm phán phân định được cái nào gọi là “chứng cứ” trong rất nhiều tài liệu có trong hồ sơ vụ án; những tài liệu được xem là “chứng cứ của vụ án” chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và khi xác định được tài liệu nào là chứng cứ của vụ án, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, giải quyết vụ án sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

"Sự quan trọng của chứng cứ là vậy, nhưng hiện nay chưa có một Bộ luật riêng để quy định về chứng cứ, về giá trị chứng minh của mỗi loại chứng cứ, về “thứ bậc pháp lý” của mỗi chứng cứ…Nói cách khác, quy định về chứng cứ trong vụ án dân sự hiện nay chưa được pháp điển hóa; các quy định về chứng cứ chỉ là một chương nhỏ (Chương VII) trong BLTTDS năm 2015 và những Bộ luật liên quan khác, chưa thể hiện hết tính đa dạng và thứ bậc pháp lý của chứng cứ vụ án dân sự", ông Tùng nêu.

Cạnh đó, theo ông Tùng, với mỗi quan hệ pháp luật dân sự tranh chấp, với mỗi loại tài sản tranh chấp, đều có tương ứng loại chứng cứ chứng minh riêng biệt; cách thức chứng minh về quyền lợi, vì thế, cũng khác nhau. Ví dụ, chứng minh về quyền sở hữu bất động sản, nguyên tắc là phải chứng minh bằng văn bản; ngược lại, chứng minh quyền sở hữu động sản, chỉ cần dựa vào sự chiếm hữu trong thực tế.

Với những ý kiến phân tích trên, ông Tùng cho rằng đã đến lúc cần thiết phải xây dựng cho được một bộ luật về chứng cứ để làm “cơ sở pháp lý” bảo đảm cho sự đúng, sai theo luật định khi xét xử vụ án. Nếu không thể xây dựng ngay được một bộ luật về chứng cứ thì ít nhất cũng cần hoàn thiện định chế về “chứng cứ” trong BLTTDS, theo sự phân tích nói trên.

“Chỉ có như vậy, chúng ta mới mong tìm được “Người chiến thắng - Điều đúng/sai” khi xét xử các vụ án nói chung và những vụ án dân sự, nói riêng”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Tống Anh Hào (Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao) cho rằng mỗi lĩnh vực tố tụng (hành chính, dân sự, hình sự) đều có những đặc điểm riêng. Vì vậy, theo ông không nên xây dựng một Bộ luật chung về chứng cứ mà nên sửa đổi các quy định về chứng cứ của BLTTDS 2015 cho phù hợp.

Số liệu các vụ án bị hủy, sửa trong năm 2023

- Tại ngành tòa án TP.HCM: Tỷ lệ án bị hủy, sửa của hai cấp tòa án (do lỗi chủ quan của thẩm phán) là 0,15% (90 vụ án/58.183 vụ án đã giải quyết).

- Tại TAND Cấp cao tại TP.HCM: Tỷ lệ án bị hủy là 2,75% (101 vụ án/3.562 vụ án đã giải quyết, trong đó, có 38 vụ án dân sự bị hủy); tỷ lệ án bị sửa là 0,05% (2 vụ án/3.562 vụ án đã giải quyết);

- Toàn ngành tòa án: tỷ lệ án bị hủy, sửa (do lỗi chủ quan của thẩm phán) là 0,89% (4.810 vụ án/540.490 vụ án đã giải quyết). Riêng về án dân sự, tỷ lệ án bị hủy là 0,59% (2.407 vụ án/408.070 vụ án đã giải quyết); án bị sửa là 1,41% (5.753 vụ án/408.070 vụ án đã giải quyết) .

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-chanh-an-tand-cap-cao-tai-tphcm-phan-thanh-tung-can-xay-dung-bo-luat-ve-chung-cu-post795175.html