Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Trường nghề cần xác định lĩnh vực trọng điểm để tập trung đào tạo

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, đáng lo và rất trăn trở hiện nay là số lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp chưa cao. Một trong những giải pháp khắc phục là các trường nghề cần xác định lĩnh vực trọng điểm để tập trung đào tạo, tránh đào tạo đa ngành, thiếu định hướng.

Chiều 9-11, tại Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM diễn ra Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố, năm 2023. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng chủ trì hội nghị.

Đào tạo ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng hiệu trưởng cho biết, hiện thành phố có 376 cơ sở GDNN, quy mô đào tạo các trình độ nghề tính đến hết tháng 9-2023 đạt trên 430.000 người (cao đẳng 194.310; trung cấp: 131.358; sơ cấp – đào tạo thường xuyên: 105.022). Lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 4.430.201 người/ 5.094.285 lực lượng lao động, đạt 86,96% (chỉ tiêu năm 2023 là 86,45%). Kết quả dạy và học, công tác phân luồng hướng nghiệp, tuyển sinh đạt nhiều tích cực; thầy và trò các trường nghề còn gặt hái nhiều thành tích cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh ở các nghề đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể kết quả tuyển sinh hàng năm. Việc này dẫn đến đa phần người lao động khó thích ứng sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ so với người lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng. Công tác số hóa, chuyển đổi số chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Cạnh đó, nhiều cơ sở xuống cấp, phương tiện kỹ thuật dạy học lạc hậu, diện tích đất nhỏ không đảm bảo theo quy định…

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP tặng hoa tri ân thầy cô. ẢNH: QUANG HUY

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP tặng hoa tri ân thầy cô. ẢNH: QUANG HUY

Để giúp các cơ sở GDNN của thành phố phát triển, ông Lê Văn Thinh lưu ý, ngành và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Kế hoạch số 267-KH/TU ngày 21-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn TPHCM với 8 nhiệm vụ cụ thể.

Ngoài ra, trong năm 2024, Hội đồng hiệu trưởng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp GDNN; các trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về người học sau tốt nghiệp tại đơn vị (số lượng cụ thể ở từng nghề, từng trình độ đào tạo) theo hướng dẫn của sở để tạo lập cơ sở dữ liệu về cung lao động đã qua đào tạo. Các tiểu ban chuyên gia theo nhóm ngành của Hội đồng hiệu trưởng tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng để kết nối cung – cầu lao động theo nhóm ngành tương ứng.

“Thiết lập các cơ chế phối hợp, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong từng nhóm ngành để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, xã hội”, ông Thinh nhấn mạnh.

Các chuyên gia GDNN hiến kế để nâng cao chất lượng GDNN TP. ẢNH: QUANG HUY

Các chuyên gia GDNN hiến kế để nâng cao chất lượng GDNN TP. ẢNH: QUANG HUY

Chính sách đặc thù cho từng ngành, nghề đào tạo

Tại hội nghị, TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng lưu ý, ngành cơ khí - tự động hóa được thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% vào năm 2025, đạt 89% vào năm 2030. Tuy nhiên, cơ sở GDNN đào tạo nguồn nhân lực cơ khí – tự động hóa không nhiều, nhân lực đào tạo chưa đáp ứng về số lượng theo yêu cầu của xã hội.

"Thành phố cần có chế độ, chính sách ưu việt trong xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm số lượng, đồng bộ cơ cấu và chất lượng kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động. Khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín của các hiệp hội nghề nghiệp cơ khí – tự động hóa trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu mà TP đề ra", TS Lê Đình Kha đề xuất.

Tương tự, ThS Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, thành phố hiện có khoảng 5.500 doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành điện tử - CNTT và gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó, khởi nghiệp lĩnh vực CNTT khoảng hơn 1.400 doanh nghiệp (chiếm 70%). Trường nghề cần xây dựng tốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập; cải tiến nội dung và phương thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo hoàn thiện nguồn nhân lực CNTT theo nhu cầu đăng ký của xã hội.

“Đặc điểm ngành CNTT là vòng đời sản phẩm ngắn, công nghệ thay đổi liên tục, do đó đào tạo bổ cập là tất yếu. Có thể thực hiện thông qua đào tạo tại chỗ, đào tạo qua công việc hoặc thuê các đơn vị đào tạo có uy tín…”, ông Triều gợi mở.

Ở lĩnh vực du lịch, ThS Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch – Khách sạn Saigontourist đề xuất, thành phố tạo điều kiện mở rộng các chương trình liên kết quốc tế về đào tạo nhân lực để các nhà giáo trong ngành được học hỏi kinh nghiệm. Cạnh đó, có chế độ hỗ trợ cơ sở đào tạo và doanh nghiệp gắn kết phối hợp đào tạo, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch hậu Covid -19.

Các đại biểu là lãnh đạo các trường nghề tại hội nghị

Các đại biểu là lãnh đạo các trường nghề tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, thành phố là trung tâm GDNN lớn của cả nước, với gần 200.000 người tốt nghiệp các trình độ nghề/năm. Thế mạnh này chưa được phát huy hiệu quả do còn trùng lắp trong đào tạo ngành, nghề, chưa phát huy được thế mạnh mũi nhọn đào tạo của từng trường…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu mỗi cơ sở GDNN cần rà soát, đánh giá thực trạng một cách thực chất, trung thực nhất. Qua đó, đề ra chiến lược, kế hoạch, lộ trình khắc phục triệt để các thiếu sót, hạn chế. Xác định các lĩnh vực trọng điểm tập trung đào tạo, tránh đào tạo đa ngành, thiếu định hướng…

“Đáng lo và rất trăn trở là số người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chưa cao. Đây là trách nhiệm của Hội đồng hiệu trưởng, phải tìm ra giải pháp khắc phục", đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh và cho rằng, nhiệm vụ quan trọng trước mắt, Sở LĐTB-XH TP cần phối hợp chặt chẽ các tiểu ban trong Hội đồng hiệu trưởng đúc kết, tham mưu thành phố về quy hoạch, sắp xếp lại các trường nghề theo Chỉ thị 21 của Ban Bí thư và Kế hoạch 267 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nâng tầm giáo dục nghề nghiệp

Kế hoạch số 267-KH/TU ngày 21-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài.

Thứ hai, rà soát, bổ sung, xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tăng cường nghiên cứu khoa học GDNN theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động.

Thứ ba, đẩy mạnh phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp, đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, nhất là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề, từ đó ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Phát triển cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở GDNN trong doanh nghiệp.

Thầy và trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP trong giờ thực hành trên máy CNC. ẢNH: QUANG HUY

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN công lập thuộc thành phố theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN tiếp cận “quản lý rủi ro” và đẩy mạnh công tác “hậu kiểm”.

Thứ năm, bảo đảm “học đi đôi với hành"…

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ bảy, tăng ngân sách nhà nước cho GDNN hàng năm, ưu tiên phân bổ ngân sách trong các chương trình, dự án của quốc gia, ngành, địa phương. Ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở GDNN chất lượng cao, đặc biệt các cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành, cơ sở có nghề trọng điểm, nghề kỹ thuật cao, nghề “xanh”.

Cuối cùng là mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa TPHCM với các nước trong khu vực và trên thế giới, với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN; đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ các cơ sở GDNN, hỗ trợ HS, SV nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

AN KHÁNH

QUANG HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/pho-chu-tich-ubnd-tphcm-truong-nghe-can-xac-dinh-linh-vuc-trong-diem-de-tap-trung-dao-tao-post713451.html