Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được đánh giá tích cực
Chuyên gia nhận định tích cực tại hội nghị thông tin phổ điểm các môn thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 15/7.

Chủ tọa hội nghị (từ trái sang phải ảnh: Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương; Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng; Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chủ trì hội nghị.
Đạt mục tiêu “kép”
Trao đổi tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá phổ điểm năm nay đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục, phân hóa tốt; đề thi được cải tiến, học sinh thích ứng nhanh và các địa phương có sự tiến bộ rõ rệt. Kỳ thi không chỉ đánh giá năng lực của học sinh, phục vụ tuyển sinh, mà còn là căn cứ quan trọng để điều chỉnh chiến lược giáo dục quốc gia.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, phổ điểm năm nay phản ánh đúng chất lượng và có sự phân hóa tốt, đặc biệt ở hai môn Toán và tiếng Anh.
Môn Toán có tính phân loại cao, đề thi được đánh giá là tốt nhất từ năm 2018 đến nay, giúp nhận diện rõ học sinh khá, giỏi và trung bình. Môn tiếng Anh cũng có phổ điểm sáng, đề thi điều chỉnh chuẩn đầu ra từ A2 lên B1, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị.
Phổ điểm năm nay đạt mục tiêu kép: vừa phân hóa tốt để phục vụ tuyển sinh, vừa nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phân tích phổ điểm theo từng địa phương giúp các nhà quản lý giáo dục nắm chỉ số phát triển từng tỉnh, từ đó có căn cứ điều chỉnh chính sách phù hợp
Về công tác xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn quy đổi tương đương điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá đây là một bước tiến quan trọng, nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh và giúp các trường đại học yên tâm hơn khi tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, phổ điểm năm nay thú vị và bất ngờ, nhất là với môn Toán và tiếng Anh, với phổ điểm rất hài lòng. Đề thi môn Toán đã giúp phân tích, đánh giá năng lực học sinh rõ ràng hơn.
“Dường như khả năng thích ứng của học sinh tốt hơn nhiều so với cách người lớn đánh giá bằng cảm tính. Với dữ liệu phổ điểm như hiện nay đã hạn chế được các nhận xét cảm tính, điều đó rất lạc quan”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã có sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt, từ xa cho các địa phương, từ khâu tổ chức dạy học, ôn tập và các điều kiện đảm bảo trong tổ chức Kỳ thi. Từ việc ra đề thi, sao in, đến tổ chức coi thi, chấm thi đều rất nghiêm túc, khoa học, bài bản; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội… Kết quả thi có sự phân hóa rất tốt.
Nhận định phổ điểm rất đúng thực chất, đồ thị phân hóa đẹp, mượt mà, ông Thái Văn Thành cho rằng, đây là cơ sở tin cậy để các trường đại học có nhu cầu sử dụng điểm thi trong xét tuyển; đồng thời đặt ra yêu cầu đổi mới cách dạy học trong nhà trường.




Chuyên gia, nhà giáo nhận định về phổ điểm tại hội nghị.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh sự vươn lên của các tỉnh như Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang từ kết quả điểm thi. Các môn thi khó như tiếng Anh, nhiều học sinh ở các tỉnh này vẫn đạt điểm cao, thậm chí điểm 10, nhờ sự đổi mới phương pháp giảng dạy và môi trường học tập tốt hơn.
Từ thực tiễn giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng dạng đề thi mới buộc học sinh phải có kiến thức thật mới giải được, không thể học mẹo. Đề tiếng Anh dù dài nhưng hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12. Việc dạy ngoại ngữ cần thay đổi, coi như một sinh ngữ, rèn luyện đầy đủ bốn kỹ năng để học sinh sử dụng được trong thực tế.
Đánh giá chung từ phổ điểm, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục nhận định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đạt được các giá trị giáo dục, định hình xu hướng mới về giáo dục phổ thông: cơ bản, nền tảng với triết lý coi trọng sự vững chắc trong học vấn nền tảng rộng, giúp các em có 3 khả năng là nhìn thế giới, tư duy khám phá và tư duy linh hoạt.
“Mục tiêu của giáo dục là “phát triển toàn diện con người Việt Nam…”, nhằm đánh thức tiềm năng, năng lực của mỗi học sinh khác nhau. Tư duy giáo dục hiện đại là tự học, mỗi cá nhân được có quyền lựa chọn tương lai của mình theo năng lực. Quá trình giáo dục con người cần bền bỉ, lâu dài và có nhiều khó khăn. Phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được biểu thị trên cơ sở dữ liệu đã khẳng định điều trên ở mức độ đạt yêu cầu, đảm bảo mục tiêu xác nhận trình độ phổ thông, cơ bản, nền tảng, được phân loại, và được sử dụng xét tuyển vào đại học có độ tin cậy”, GS.TS Phạm Hồng Quang đánh giá.
Xem phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Giáo dục cần đánh giá tổng thể cả quá trình học tập, rèn luyện
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Đến giờ phút này, có thể khẳng định Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thành công tốt đẹp, bảo đảm mục tiêu đề ra.
Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Để đạt được mục đích này, áp lực với Bộ GD&ĐT, với các Sở GD&ĐT trong tổ chức Kỳ thi là rất lớn; nhưng quyết tâm cao phải vượt qua áp lực, khó khăn để làm tốt, vì người học.
Chia sẻ khó khăn trong tổ chức Kỳ thi năm nay, Thứ trưởng nhắc đến việc chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực; nên độ khó, dễ của đề cũng phải có một chuẩn riêng. Thêm nữa, học sinh được lựa chọn môn thi để bảo đảm định hướng nghề nghiệp, giúp các em phát huy hết phẩm chất, năng lực; nên dù có môn rất ít học sinh lựa chọn (thậm chí có địa phương, có môn chỉ 1 thí sinh dự thi), các em vẫn được tạo điều kiện tối đa. Buổi thi môn lựa chọn, tổ chức đồng loạt cho nhiều môn thi cũng là thử thách lớn… Đổi lại, học sinh rất phấn khởi vì được phát huy sở trường của mình. Đó là điều rất thành công.
Về chất lượng và phổ điểm, Thứ trưởng khẳng định, phổ điểm năm nay không có sự "sốc" như nhiều người lo ngại. Phổ điểm, trung bình, trung vị, chuẩn lệch đều tương thích, thể hiện sự ổn định.
Qua Kỳ thi, có thể thấy học sinh phổ thông chuyển trạng thái nhanh, thích ứng tốt với hình thức thi mới; giáo viên đã thay đổi phương pháp dạy, tập trung hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thay vì chỉ dạy kiến thức theo khuôn mẫu. Chia sẻ điều này, theo Thứ trưởng, cần bỏ dần tư duy chỉ đánh giá dựa trên điểm số. Dù điểm là thông số định lượng quan trọng, nhưng không phải là thước đo duy nhất. Giáo dục cần đánh giá tổng thể cả quá trình học tập, rèn luyện.
“Ban đầu có những lo lắng; nhưng giờ đây, định hướng đổi mới là đúng đắn, phát huy hết sở trường, năng lực, nguyện vọng của các em học sinh. Ngành Giáo dục và các thầy cô nỗ lực, tổ chức công tác coi thi thật, chấm thi thật, ra đề thật, nhưng giảm áp lực và giảm tốn kém cho gia đình học sinh, tăng cơ hội cho học sinh”, Thứ trưởng nói.
Kết quả Kỳ thi năm nay, theo Thứ trưởng, cũng đủ độ tin cậy để các trường đại học yên tâm sử dụng tuyển sinh. Lần đầu tiên, quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học có sự kết nối chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi học sinh, hướng tới đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của học sinh, giáo viên, các cơ sở giáo dục và toàn ngành Giáo dục trong Kỳ thi lần này; đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh, chuyên gia, nhà quản lý, để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
Gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, giáo viên, các địa phương, cơ quan truyền thông đã đồng hành cùng ngành Giáo dục, Thứ trưởng nhấn mạnh: Để đổi mới thành công, ngành Giáo dục phải tiếp tục kiên trì, nhất quán, càng ngày phải đi vào thực chất, từ công tác quản lý đến giảng dạy, đánh giá. Việc đổi mới phải nhìn cả quá trình; không chỉ dừng lại ở điểm số hay kết quả tức thì mà phải là thành quả của một nền giáo dục phát triển bền vững, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội và đất nước.