Cần có các giải pháp bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước do giảm thuế giá trị gia tăng

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng chiều 28/11, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao chính sách này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lo ngại ảnh hưởng của chính sách đến ngân sách nhà nước và cho rằng cần có các giải pháp để bù đắp số hụt thu từ giảm thuế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị phát biểu tại phiên họp.

Kích thích sản xuất, tái đầu tư của doanh nghiệp

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Dù trong bối cảnh lạm phát của thế giới tăng rất cao vào năm 2022 và năm 2023, Việt Nam vẫn triển khai gói hỗ trợ với quy mô lên tới 700.000 tỷ đồng và đồng thời chúng ta đảm bảo được nguồn vốn để hỗ trợ cho đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, 2025 là năm có nhiều sự kiện lớn, trọng đại của Đất nước và cũng là năm có tính chất quyết định cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do đó, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 đến 7% cũng như phấn đấu trên 7% thì cần có những chính sách hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều hơn.

Đại biểu này cũng cho rằng, với xu hướng bảo hộ thương mại từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng xuất khẩu của nước ta. Do đó, tiêu dùng trong nước sẽ là một động lực rất quan trọng trong năm 2025 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ, đề nghị thời gian thực hiện giảm thuế giá trị tăng 2% áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến ngày đến hết ngày 31/12/2025.

Cũng ủng hộ cao với chính sách này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết, việc từ năm 2022 đến nay liên tục áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng giảm 2% là một trong những giải pháp Chính phủ tác động rất tích cực. Mỗi năm giảm thuế giá trị gia tăng 2% tương đương khoảng 49-50 nghìn tỷ đồng đã kích thích quá trình sản xuất, tái đầu tư của doanh nghiệp. Đặc biệt, đã kích thích vào tiêu dùng, là 1 trong 3 trụ cột truyền thống để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá cao đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ lại tăng năng lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mạnh lên thì sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước cao hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp nên sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách này.

Lo ngại ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước

Ở góc nhìn khác, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đánh giá, đây không chỉ là một chính sách tài chính đơn thuần mà còn là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững cho nền kinh tế. Đây cũng là một chủ trương đúng đắn và kịp thời kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.

Tuy nhiên, chính sách này sẽ tác động đến ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.

Đại biểu cho rằng, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhưng cần có các biện pháp đồng bộ dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời với việc giảm thuế, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cần tối ưu hóa các nguồn thu ngân sách, Chính phủ cũng cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác để bù đắp phần hụt thu này.

Một trong những vấn đề lớn hiện nay gây thất thu ngân sách do các hành vi trốn thuế. Do đó, Đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát thuế, phối hợp liên ngành, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan chức năng khác để kiểm soát các hành vi chuyển giá, đặc biệt từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các cấp ngân sách trung ương và địa phương cũng cần phối hợp để đảm bảo nguồn lực dự phòng được phân bổ hợp lý.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/can-co-cac-giai-phap-bu-dap-hut-thu-ngan-sach-nha-nuoc-do-giam-thue-gia-tri-gia-tang.html