Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tại phiên chất vấn sáng 6/6, đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến cơ hội của Việt Nam đối với ngành công nghiệp bán dẫn.

Sáng 6/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ làm rõ một số vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn.

Toàn cảnh Quốc hội họp sáng 6/6 (Ảnh:quochoi.vn)

Toàn cảnh Quốc hội họp sáng 6/6 (Ảnh:quochoi.vn)

Trong đó liên quan đến lĩnh vực ngành Công Thương quản lý như: Năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn… một số đại biểu đã đặt câu hỏi và được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thẳng thắn trả lời, làm rõ.

Luyện kim, cơ khí chế tạo sẽ là nền tảng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tại phiên chất vấn, một số đại biểu quan tâm đến giải pháp của Chính phủ nhằm nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng như cơ hội cho Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên (Ảnh: quochoi.vn)

Về vấn đề này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai- đoàn Hưng Yên cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI- chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay: Xem lại các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua phải khẳng định việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ và việc tạo ra các hệ sinh thái của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng này còn hạn chế.

Điều này chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm, rút ra những tồn tại. Trong đó phải quy định khi mà cấp các giấp phép đầu tư, chúng ta phải đặt ra vấn đề các doanh nghiệp phải cam kết về công nghệ những ngành mới nổi, phải cam kết nghiên cứu triển khai đặt ở Việt Nam, phải có lộ trình để nội địa hóa hướng tới Việt Nam có thể làm chủ một số lĩnh vực’- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội để phát triển hệ sinh thái như: Công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, các ngành công nghiệp trong chuyển đổi số như chip bán dẫn…Đảm bảo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có cách tiếp cận tài chính, đặc biệt hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nắm bắt được nhu cầu của thị trường…

Ở góc độ Nhà nước sẽ nắm bắt toàn diện hơn liên quan đến luyện kim, cơ khí chế tạo… đấy là những ngành nền tảng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam’- Phó Thủ tướng khẳng định.

Phát triển công nghệ cho ngành bán dẫn

Quan tâm đến lĩnh vực phát triển công nghiệp bán dẫn đặc biệt là giải pháp phát triển công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- đoàn Hải Dương đã đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cơ hội của Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn cũng như các giải pháp để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, kinh tế số phát triển nhanh. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam rất quan tâm giảng dạy, đào tạo toàn diện ngay trong trường đại học, từ công nghệ thông tin đến vật lý, vật liệu…

Điều đó khẳng định Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực đối với công nghệ thông tin.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời tại phiên chất vấn sáng 6/6 (Ảnh:quochoi.vn)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời tại phiên chất vấn sáng 6/6 (Ảnh:quochoi.vn)

Theo Phó Thủ tướng, ở trong nước, nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao đã đầu tư ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển mạnh về kinh doanh số. Trong thời gian qua, tăng trưởng và đóng góp của ngành kinh tế số từ 12-15%. Như vậy, tăng trưởng rất nhanh nên cơ hội này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam cần quan tâm đào tạo ngay, người được đào tạo có thể tiếp cận ngay để tham gia vào chuỗi này, đặc biệt là tham gia vào thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn.…

Bên cạnh nguồn nhân lực trong nước, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động ở nước ngoài đông đảo và có năng lực tham gia vào lĩnh vực này và bằng những cơ chế, chính sách để huy động sự tham gia của lực lượng nhà khoa học ở nước ngoài để đầu tư.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ có chủ trương giúp các doanh nghiệp đặc biệt là các trường đại học để xây dựng các trung tâm về công nghệ chip bán dẫn Việt Nam thông qua việc tập trung đầu tư lớn xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại để có thể tự thiết kế, cho đến kiểm chuẩn, sản xuất, qua đó để Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng đối với ngành công nghiệp này.

Hiện nay các khâu như thiết bị chế tạo chip hoặc các công cụ để thiết kế thì các nước đều đang nắm quyền, không chuyển giao cho nước khác, nên chúng ta cần phải nghiên cứu sâu về khoa học cơ bản để có thể tự mình làm chủ vấn đề này và phải đặt ra ở một giai đoạn dài hơi hơn, còn trước mắt là tập trung vào những chuỗi giá trị mà Việt Nam chúng ta đã tham gia’- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay.

Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, phải thu hút được các doanh nghiệp liên quan đến điện tử, liên quan đến sử dụng các chip điện tử bán dẫn, trong đó đào tạo phải làm một cách bài bản hơn các lĩnh vực cơ bản khác (vật liệu, vật lý, hóa học, công nghệ thông tin...), trên cơ sở đó Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt và có cơ hội để làm chủ.

Thu Hường- Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-neu-giai-phap-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-cong-nghiep-ban-dan-324641.html