Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Những kinh nghiệm Hải Dương và các địa phương trong cả nước đã trải qua trong đại dịch Covid-19 cho thấy phòng bệnh là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn hiệu quả dịch lây lan.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và cán bộ y tế truyền thông tư vấn cho người dân về biện pháp loại trừ lăng quăng, ngăn chặn nguồn lây dịch sốt xuất huyết. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và cán bộ y tế truyền thông tư vấn cho người dân về biện pháp loại trừ lăng quăng, ngăn chặn nguồn lây dịch sốt xuất huyết. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Trải qua đại dịch Covid-19, nhiều người thường có tâm lý chủ quan cho rằng không có dịch bệnh nào ghê gớm và sợ hãi như dịch bệnh này. Hiện nay, dịch sốt xuất huyết, bạch hầu, sởi và căn bệnh Whitmore (còn gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người) đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm không kém nếu ý thức phòng dịch không tốt.

Ngày 13/8, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận, điều trị 4 trường hợp mắc bệnh Whitmore với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến bán cấp tính, tổn thương nghiêm trọng. Trước đó, ngày 8/8, tỉnh Thanh Hóa xác định có thêm 2 ca mắc bạch hầu ở thị trấn Mường Lát. Cả nước đã ghi nhận 8 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó 1 ca đã tử vong. Dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Ngày 8/8 một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hải Phòng đã tử vong. Tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện những ca mắc sốt xuất huyết với những biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Tại Hải Dương, ổ dịch sốt xuất huyết ngày càng nhiều và phát triển nhanh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch sốt xuất huyết ở Hải Dương năm nay đến sớm và tăng nhanh. Hai tháng gần đây, mỗi tuần có trên 30 ca mắc, chủ yếu mang yếu tố mầm bệnh nội địa. Một số ổ dịch cũ từ năm 2023 cũng bắt đầu ghi nhận những ca mắc mới.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khả năng dịch chồng dịch tại một số địa phương rất dễ xảy ra nếu ý thức phòng bệnh không tốt. Theo các chuyên gia y tế, mặc dù nguy cơ lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn so với Covid-19 nhưng đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh từ 10 - 20%, cao hơn Covid-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng. Còn sốt xuất huyết gây nguy cơ tử vong rất cao ở trẻ em, người cao tuổi và người mắc bệnh nền. Vì vậy cũng không thể chủ quan.

Tục ngữ có câu "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", điều này được minh chứng khi chúng ta thành công đối phó với dịch Covid-19. Những nơi nào thực hiện tốt công tác phòng dịch thì nơi ấy dịch bệnh được kiểm soát tốt. Với dịch sốt xuất huyết, vai trò của phòng bệnh lại càng quan trọng. Bởi cơ chế lây lan của dịch sốt xuất huyết thông qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút Dengue không triệu chứng, sau đó lại đốt người khỏe mạnh, truyền virus cho người lành qua vết đốt. Vì thế mà ngày nào cơ quan y tế cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân phải làm tốt công tác vệ sinh từ nhà ra ngõ, phải làm tốt việc vệ sinh phòng dịch ở mọi nơi. Những biện pháp phòng dịch hiệu quả thời Covid-19 cần được kích hoạt... Năm học mới đang đến gần, công tác vệ sinh phòng dịch trong các trường học cần được chú trọng.

Không chỉ người dân phòng dịch mà ngành y tế và chính quyền các địa phương cần sớm có những biện pháp quyết liệt ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đừng để đến khi dịch bùng phát mạnh mới huy động lực lượng kiểm soát, điều trị, sẽ vừa tốn kém vừa nguy hiểm hơn nhiều so với ngay từ đầu làm tốt khâu phòng dịch.

DƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phong-benh-hon-chua-benh-390212.html