Phòng Covid-19 cho người mắc bệnh thận mạn tính

Diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19 hiện đang là mối quan tâm của nhiều người, nhất là những người đã và đang mắc một số bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ

Bệnh nhân suy thận phải lọc máu chu kỳ có sức đề kháng kém, khả năng miễn dịch yếu. Hơn nữa bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường lớn tuổi (khoảng trên 60 tuổi) với nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, viêm gan, xơ gan... nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và khi nhiễm bệnh rất dễ xảy biến chứng nặng. Theo giới chuyên môn, không giống những mặt bệnh khác, có thể trì hoãn việc khám chữa bệnh trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh nhưng với bệnh nhân suy thận, họ vẫn cần đến bệnh viện lọc máu từ 2 đến 3 lần mỗi tuần. Đây là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nếu không chủ động bảo vệ cho bản thân và người xung quanh.

Hạn chế tiếp xúc, duy trì chế độ điều trị

BS Trần Hồng Xinh, Khoa Nội thận và lọc máu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đã có nhiều khuyến cáo, báo cáo của Hội Thận học quốc tế, Hội Thận học Mỹ, các trung tâm lọc máu lớn tại Vũ Hán, Ý, Bồ Đào Nha về tình hình mắc và diễn biến dịch Covid-19 trên các đối tượng này. Đặc điểm chung được nêu ra là bệnh nhân lọc máu chu kỳ được xếp nhóm có sức đề kháng kém, nguy cơ mắc bệnh cao bởi đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh đồng mắc như: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, thậm chí một số đã từng dùng các thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài để điều trị bệnh thận trước đó.

Mới đây, Bộ Y tế đã có khuyến nghị đối với những người bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong mùa dịch Covid-19. Điều quan trọng nhất là người bệnh thận mạn nên hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng... để tăng cường miễn dịch. Đặc biệt, người bệnh, người nhà bệnh nhân phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương.

Điều trị cho bệnh nhân thận nhân tạo tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Điều trị cho bệnh nhân thận nhân tạo tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Bộ Y tế cũng khuyến nghị nếu người bệnh có bất thường trong quá trình tự theo dõi bệnh tại nhà thì nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế ngay. Nếu đến lịch khám định kỳ nhưng bị trì hoãn do dịch, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn và phải bảo đảm duy trì phác đồ điều trị hiện tại cho tới lần khám dự kiến tiếp theo. Khi tư vấn từ xa, người bệnh nên cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân viên y tế về diễn biến bệnh và điều trị để có được những điều chỉnh tương đối phù hợp với thực tế bệnh.

Tuân thủ chặt chẽ các biện pháp

Để tham vấn cán bộ y tế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, người bệnh có thể sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc như: điện thoại, Viber, Zalo, Facebook... Khi bắt buộc phải đi khám chữa bệnh hoặc đến lịch tái khám, trước khi đến cơ sở y tế, người bệnh phải đặt lịch hẹn, không nên đến sớm trước lịch hẹn nhằm bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người bệnh cần thông báo trước cho đơn vị lọc máu bao gồm trung tâm/khoa/đơn vị thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng, nếu có diễn biến bệnh bất thường. Người bệnh có sốt, các triệu chứng liên quan đến Covid-19 phải thông báo trước cho đơn vị lọc máu trước khi đến. Người bệnh sẽ được đơn vị lọc máu hướng dẫn phòng chống Covid-19 trước khi đến, khi đến người bệnh sẽ được tầm soát Covid-19 và đánh giá tại khu vực riêng biệt. Khuyến khích người bệnh nếu có thể sử dụng phương tiện di chuyển riêng và đi một mình hoặc cùng người chăm sóc, nếu cần thiết khi đến đơn vị lọc máu.

Theo các chuyên gia y tế, đơn vị lọc máu cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp trong đó có việc nhận biết sớm và cách ly các bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp, các bệnh nhân cần được khai báo y tế trước khi vào đơn vị lọc máu; khi có các triệu chứng ho, sốt, cần được lọc ở khu riêng và yêu cầu sử dụng khẩu trang trong suốt thời gian lọc; cung cấp cho bệnh nhân các kiến thức về vệ sinh tay, giữ vệ sinh đường hô hấp và đeo khẩu trang đúng cách; vệ sinh bổ sung bề mặt ghế lọc máu và bàn làm việc của nhân viên y tế trong phạm vi gần khu vực lọc máu. Bảo đảm các bệnh nhân giữ đúng khoảng cách tối thiểu 2m ở cả khu vực chờ và khu vực lọc máu.

Bài và ảnh: Hải Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/phong-covid-19-cho-nguoi-mac-benh-than-man-tinh-20210317171350998.htm