Phòng hạ đường huyết cho người đái tháo đường trong ngày Tết
Trong những ngày Tết, người bệnh đái tháo đường thường không kiểm soát tốt đường huyết do thay đổi chế độ ăn, luyện tập và dùng thuốc... Do đó không ít trường hợp bị hạ đường huyết, nếu không được xử trí kịp thời có thể rất nguy hiểm.
Vì sao cần thận trọng hạ đường huyết trong dịp Tết?
Có nhiều lý do khiến người bệnh đái tháo đường bị hạ đường huyết trong ngày Tết. trong đó có các nguyên nhân thường gặp:
- Thay đổi sinh hoạt: Trong những ngày Tết, hầu hết các thói quen sinh hoạt hằng ngày bị thay đổi. Trong đó, việc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh đái tháo đường. Chẳng hạn, lo sợ thực phẩm ngày Tết ảnh hưởng đến bệnh nên cố gắng ăn ít, nhưng khi ăn quá ít lượng carbs so với nhu cầu cơ thể sẽ dẫn đến hạ đường huyết.
- Dùng thuốc: Việc dùng thuốc hạ đường huyết, đặc biệt là với người có tiêm insulin cần phải tính toán phù hợp với chế độ ăn, cân nặng, tình trạng đường huyết... Nếu chế độ ăn ít đi, ăn sai thời điểm sẽ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết. Ngược lại với việc quên dùng thuốc hoặc dùng không đủ liều sẽ khiến đường huyết tăng.
- Uống rượu bia: Rượu bia cũng là yếu tố ảnh hưởng đến mức đường huyết của người đái tháo đường. Nếu uống rượu bia mà chế độ ăn ít, chế độ dùng thuốc giữ nguyên thì nguy cơ hạ đường huyết cũng dễ xảy ra...
Cách phòng tránh hạ đường huyết trong dịp Tết
Để phòng tránh hạ đường huyết, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý:
- Giữ nếp sinh hoạt lành mạnh: Mặc dù trong những ngày Tết, mọi nếp sống có thể bị đảo lộn nhưng người bệnh cần cố gắng duy trì nếp sống giống như ngày thường:
+ Đi ngủ và thức đúng giờ: Giấc ngủ có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng đề kháng insulin ở người bệnh đái tháo đường. Nếu thời gian ngủ - thức bị thay đổi có nguy cơ ảnh hưởng đến mức đường huyết
+ Duy trì tập thể dục: Giữ chế độ tập luyện để giúp tiêu hao năng lượng dư thừa đến từ các bữa ăn trong ngày Tết, chú ý không luyện tập quá mức vì xảy ra nguy cơ hạ đường huyết. Luôn mang theo kẹo, bánh, viên glucose... để kịp thời bổ sung đường khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết.
+ Kiểm tra đường huyết: Trong những ngày Tết, cần thường xuyên kiểm tra đường huyết hơn ngày thường. Chẳng hạn ngày thường có thể kiểm tra 1-2 lần, nhưng ngày Tết cần kiểm tra trước và sau bữa ăn, tập luyện... để kịp thời điều chỉnh.
- Kiểm soát chế độ dinh dưỡng:Người đái tháo đường hoàn toàn có thể tham gia các bữa tiệc gia đình nhưng cần được tư vấn để điều chỉnh việc dùng thuốc phù hợp. Trong mâm cơm gia đình cần có các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để sau khi ăn, đường huyết của người bệnh không bị tăng đột ngột.
Có thể uống một chút bia/rượu để vui chung cùng gia đình, nhưng không uống quá nhiều vì nguy cơ hạ đường huyết, đặc biệt là không uống rượu, bia khi đói. Nên kiểm tra lượng đường huyết trước và sau khi uống rượu bia.
Người bệnh đái tháo đường không được bỏ bữa trong ngày. Trước khi tập thể dục nên ăn nhẹ thực phẩm chứa carbohydrate giúp giảm nguy cơ hạ đường huyết.
Dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ:
Mệt mỏi thể lực lẫn tinh thần, buồn ngủ, chóng mặt.
Vã mồ hôi (dấu hiệu rất quan trong trong giai đoạn này).
Cảm giác đói bụng và co thắt vùng thượng vị, có thể nôn hoặc tiêu chảy.
Hồi hộp, nhịp tim nhanh.
Đau vùng trước tim kèm rối loạn nhịp hoặc dạng đau thắt ngực.
Xuất hiện cơn khó thở dạng hen.
Chuột rút, dị cảm đầu chi và quanh môi, nhức đầu
Rối loạn điều tiết, nhìn đôi, run lạnh...
Ở giai đoạn này cần bổ sung ngay nước ngọt hoặc 4-6 viên glucose hoặc 2 ống gel glucose để cấp cứu tránh cho bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Việc bổ sung đường lúc này cực kỳ quan trọng, kể cả có gây tăng đường huyết cũng không nguy hiểm bằng hạ đường huyết ở mức độ nặng hơn.
Thông thường sau khi được xử trí đúng đắn, bệnh nhân sẽ tỉnh táo và bình thường. Tuy nhiên, sau 15 phút bổ sung đường cần kiểm tra mức đường huyết, nếu mức đường huyết của bệnh nhân chưa đạt trên 80mg/dL (4,4 mmol/L), cần uống thêm 15g glucose. Sau khi mức đường huyết tăng lên trên 80mg/dL, có thể cho bệnh nhân ăn thêm bữa nhẹ chứa carbohydrate phức hợp và protein để ngăn tình trạng tái phát hạ glucose máu.