Phòng nhiễm cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trong dịp Tết
Tết là dịp người dân đi lại, vui chơi, tham gia lễ hội, về quê nhiều, trong khi đó, bệnh về đường hô hấp như cúm, sởi vẫn không ngừng gia tăng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh cúm mùa đang gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu, Trung Mỹ, Tây Phi, Trung Phi và nhiều quốc gia châu Á. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Âu đang đối mặt với các đợt dịch cúm nghiêm trọng.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cúm là bệnh lưu hành khắp thế giới, đặc biệt ở châu Âu cúm vẫn xảy ra hàng năm, người mắc thường có triệu chứng nhẹ; người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch thường có triệu chứng nặng, dễ nhập viện và có nguy cơ tử vong. Hằng năm ở Mỹ, châu Âu vẫn có người mắc cúm và tử vong.
Tại Việt Nam, mùa đông xuân được nhận định là thời gian cao điểm của virus HPMV gây nên hội chứng cảm cúm thông thường gia tăng tại Trung Quốc và các loại virus dễ lây lan gây bệnh khác như: Cúm mùa, sởi, ho gà, virus hợp bào hô hấp…, những bệnh có thể gặp ở trẻ em, người già khiến số lượng ca bệnh gia tăng. Các bệnh cảm cúm và bệnh thông thường xuất hiện nhưng không quá nặng. Trẻ em, người già, người có bệnh nền cần lưu ý phòng bệnh trong mùa đông xuân.
Đặc biệt, tại Việt Nam trong năm 2024 đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do cúm A/H1N1pdm tại tỉnh Bình Định. Thêm vào đó, cúm gia cầm H5N1 cũng đã xuất hiện tại tỉnh Khánh Hòa, một nam sinh viên 21 tuổi tử vong do nhiễm trùng. Việc phòng bệnh trong dịp Tết cũng rất quan trọng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đang hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam và các đối tác khác để xây dựng hệ thống y tế công cộng hiệu quả, bao gồm giám sát và phòng ngừa cúm.
Sự hợp tác quốc tế này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực y tế công cộng của Việt Nam và ứng phó với các dịch bệnh. Để giám sát cúm ở cả người và động vật, Việt Nam đã áp dụng phương pháp giám sát cúm tại các chợ gia cầm sống và trang trại chăn nuôi lợn ở miền Bắc.
Phương pháp này bao gồm việc thu thập mẫu dịch tiết miệng từ gia cầm và lợn, mẫu khí dung sinh học và phân từ cơ sở chăn nuôi, cùng dịch rửa mũi của người lao động tại các địa điểm này để xét nghiệm và phân tích.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm vaccine cúm hàng năm và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân tốt để phòng ngừa cúm. Người dân cũng nên ở nhà khi bị bệnh và đến cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng như sốt cao, ho dai dẳng, khó thở, đau ngực, mệt mỏi và đau nhức cơ thể.
Trước thắc mắc của người dân về việc đã tiêm vaccine phòng cúm nhưng vẫn mắc bệnh, BS Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec cho biết, cúm có nhiều chủng và mỗi năm có một chủng virus cúm khác nhau, nên người dân phải tiêm vaccine cúm nhắc lại hằng năm.
Các loại cúm phổ biến dịp Tết 2025 gồm cúm mùa do virus cúm type A và B gây ra, cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông-xuân với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau họng và mệt mỏi.
Đặc biệt là trẻ sơ sinh, người già có bệnh nền, khi mắc cúm dễ bội nhiễm vi khuẩn, chính các vi khuẩn này làm nặng lên các triệu chứng hô hấp. Vì vậy, phải tiêm cúm nhắc lại hàng năm để phòng bệnh.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Tết là dịp người dân phải đi lại nhiều, hiện chưa có khuyến cáo của WHO về hạn chế đi lại, nên người dân vẫn đi lại du xuân, về quê bình thường. Tuy nhiên, để phòng bệnh lây qua đường hô hấp trong mùa đông xuân cũng như virus HMPV, cúm mùa, người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.