Nguy cơ bùng phát cúm mùa dịp Tết
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa dịp cuối năm tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm..., kèm theo chất lượng không khí kém, thường xuyên ô nhiễm là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, lây lan, trong đó có cúm mùa.
Nguy cơ bệnh trở nặng đối với trẻ em
Thời gian gần đây, một số bệnh viện liên tục ghi nhận sự gia tăng số ca mắc cúm A, cúm B phải nhập viện, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em. Đáng chú ý, đã có nhiều trường hợp biến chứng nặng về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn.
Chị Nguyễn Thị Thủy (26 tuổi, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, trong tuần vừa qua, chị vừa phải đưa con nhỏ 3 tuổi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì mắc cúm A.
“2 ngày đầu tiên, cháu chỉ có biểu hiện sốt, sổ mũi và ho. Tuy nhiên sau khi sử dụng thuốc vẫn chưa cắt sốt, cháu có biểu hiện lơ mơ, không đi tiểu,… nên cả nhà đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Các bác sĩ cho biết cháu bị mắc cúm A và có dấu hiệu trở nặng. Rất may gia đình đưa đi kịp thời”, chị Thủy cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa dịp cuối năm tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm..., kèm theo chất lượng không khí kém, thường xuyên ô nhiễm là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, lây lan, trong đó có cúm mùa.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng phát đi cảnh báo, nhiều dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các tác nhân gây bệnh liên tục xuất hiện... Bệnh viêm phổi nặng do virus và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...) tiếp tục ghi nhận các ca mắc...
Trước đó, ngày 14/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2025.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch và sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm tăng cao; cộng với diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm; là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Các bệnh truyền nhiễm phổ biến khác trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, một số bệnh có vaccine dự phòng có thể ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo BS. Phan Nguyễn Trường Giang (Hệ thống tiêm chủng VNVC), các biến chứng nghiêm trọng do cúm mùa gây ra có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên nguy cơ này dễ dàng xảy ra hơn, gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn ở nhóm đối tượng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi.
Theo đó, các biến chứng thường gặp ở cúm mùa là nhiễm trùng xoang và tai, viêm phế quản,… Tuy nhiên, virus cúm còn có thể gây ra các nhiễm trùng thứ cấp như viêm phổi. Viêm phổi xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, khiến virus cúm nhanh chóng lây lan sâu hơn vào đường thở của người bệnh, gây ra tình trạng nhiễm trùng phổi, khiến phổi bị nhiễm trùng,…
BS Trường Giang cảnh báo, khi gặp phải các dấu hiệu cảnh báo dưới đây, phụ huynh cần được đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chăm sóc.
Cụ thể, đối với trẻ em, các biến chứng của bệnh cúm mùa thường khởi phát triệu chứng nhanh chóng với các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp như: Khó thở hoặc thở nhanh; Mặt hoặc môi hơi xanh;
Thở mạnh, sâu, khiến xương sườn kéo vào trong theo từng nhịp thở; Đau ngực. Trẻ không chịu đi do đau cơ nghiêm trọng.
Mất nước, không có nước tiểu trong 8 giờ đồng hồ, khô ráp miệng, không có nước mắt khi khóc. Không tỉnh táo, không có hành động tương tác với các yếu tố tác động bên ngoài khi đang thức.
Sốt cao trên 40 độ C, không thể hạ sốt dù đã sử dụng thuốc hạ sốt; Tình trạng sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó đột ngột trở lại và trở nên trầm trọng hơn,…
BS. Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo, người lớn khi bị cúm cũng cần chú ý nhập viện ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau: Khó thở, thở nhanh; Tím tái, môi hoặc đầu ngón tay tím; Lơ mơ, không tỉnh táo, hoặc hạ nhiệt độ cơ thể bất thường (dưới 36°C); Đau ngực, huyết áp tụt.
Người bệnh không thể ăn uống, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng).
Những triệu chứng này có thể báo hiệu biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hoặc suy hô hấp.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp:
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Tiêm vaccine phòng cúm mùa phòng bệnh.
Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-bung-phat-cum-mua-dip-tet-10298795.html