Phỏng vấn bảng đen
Đời bảng đen gắn bó với đời học sinh. Mà đời học sinh quan trọng nhất là Lễ Khai giảng hàng năm khi chuẩn bị vào lớp phổ thông...
Phỏng vấn bảng đen
Phóng viên (PV): Thưa anh, có một câu hỏi tế nhị, nhưng đã đến lúc anh cần trả lời, đó là bảng đen có mắt hay không?
Bảng: Tất nhiên là có, thậm chí mắt rất to, và mắt "không có lòng trắng".
PV: A, như vậy chắc anh nhìn thấy hết các vấn đề của giáo dục?
Bảng: À, không ai có khả năng đó, ít ra vào lúc này. Nhưng thỉnh thoảng tôi có liếc mắt sang bên cạnh, ví dụ như nhìn các chuyện của Y tế.
PV: À, Y tế và Giáo dục luôn luôn là hai tiêu chuẩn lớn của một quốc gia. Vậy anh thấy gì?
Bảng: Tôi ngạc nhiên khi mấy hôm nay bên y tế tranh cãi quyết liệt về việc đổi tên một vài trường đại học và tôi thấy điều đó hoàn toàn không cần thiết.
PV: Lý do?
Bảng: Lý do là tên của một con người cũng như một cơ quan không cần thay đổi nếu như những phẩm chất của họ đã được xã hội hiểu rõ và định hình dứt khoát.
PV: Vâng.
Bảng: Đại học sức khỏe hay đại học y thì cũng đào tạo bác sĩ, và quy trình đào tạo này chắc chắn không hề liên quan tới biển hiệu, chẳng hề tác động tới công tác khám và chữa bệnh.
PV: Nhất trí.
Bảng: Việc đổi tên như thế, nói thẳng ra là vô thưởng vô phạt về khoa học nhưng lại gây phiền hà cho cảm nghĩ. Khác hẳn với...
PV: Khác hẳn với cái gì?
Bảng: Với bên giáo dục. Hiện nay ở nhiều thành phố lớn nước ta, rất nhiều trường treo bảng "quốc tế" khiến phụ huynh chả biết đâu mà lần, đấy mới chính là điều đáng nói, đáng đưa khẩn cấp vào quy chuẩn.
PV: Ừ nhỉ.
Bảng: Bây giờ mà tóm lấy một phụ huynh, hỏi xem hiểu chữ "quốc tế" ở lớp con mình thì tôi tin đa số ú ớ. Quốc tế ở chương trình, ở giáo viên hay ở cơ sở vật chất? Quốc tế thành phố hay quốc tế quốc gia? Quốc tế liên doanh hay quốc tế độc quyền, quốc tế Châu Âu hay quốc tế Châu Mỹ chả ai nắm rõ.
PV: Nhưng phụ huynh cứ lao vào.
Bảng: Lao vào vì bố mẹ nào chẳng muốn tìm sự giáo dục tốt nhất cho con. Lao vào vì con còn nhỏ chả lẽ gửi ra nước ngoài. Cho nên cách duy nhất là tin vào quảng cáo.
PV: Quảng cáo cả bằng Tiếng Việt lẫn Tiếng Anh!
Bảng: Ừ, mặc dù quốc tế có hàng trăm quốc gia, nhưng chả trường nào dùng tiếng Ma-rốc hay tiếng Mã Lai cả.
PV: Nói cho ngay, những trường ấy có bề ngoài rất bắt mắt, khiến người ta đưa con tới đó có cảm giác rất "sang".
Bảng: À, vẻ sang thì đúng, nhưng với mức học phí gấp hàng chục, thậm chí gấp hàng trăm lần bình thường, sự sang về bàn ghế, nhà cửa thì chẳng sang lắm đâu. Cái sang cao quý nhất là chất lượng giáo viên thì chả có ai kiểm định, mặc dù từ lâu tôi nghe...
PV: Anh nghe gì ạ?
Bảng: Tôi nghe nhiều tiếng thì thầm là cha mẹ ở các trường này đều rất thích và rất tin khi thấy giáo viên... Tây. Mặc dù ai cũng hiểu Tây thực sự giỏi không có mấy người muốn xa nhà đi làm việc ở một vương quốc xa xôi.
PV: Ờ.
Bảng: Nói một cách thẳng thắn, kiến thức phổ thông của các trường quốc tế nằm trong quốc nội ấy không hề ghê gớm, vì thực ra họ đâu có muốn trẻ con trở thành người ghê gớm. Về bản chất, học sinh ở đó chỉ là chơi và học đều nhau, ăn ở sạch sẽ và nói tiếng Anh từ bé. Không một thống kê nào chỉ ra tỉ lệ thiên tài các nơi ấy là cao đột biến.
PV: Thôi kệ, ai có tiền muốn cho con vào đó cũng là tự do của họ mà.
Bảng: Cá nhân có thể tự do trong đóng tiền, chứ quốc gia đâu thể tự do trong bảng hiệu. Tôi nghĩ Bộ Giáo dục nên sớm công bố các tiêu chuẩn quốc tế một cách rõ ràng, đấy là chuyện khẩn cấp hơn việc đổi tên của ngành y.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-bang-den-564895/