Phụ phẩm nông nghiệp: Làm sao khai thác hiệu quả?
Để giảm rác thải phụ phẩm nông nghiệp, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong các lĩnh vực thế mạnh sản xuất như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi lên 70% vào năm 2030. Theo đánh giá, việc đẩy mạnh gia tăng tái chế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ tăng giá trị sản phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp sạch, xanh.
Tăng thu nhập nhờ tái chế phụ phẩm
Đề cập đến hiệu quả từ việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp đem lại ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cho biết, tại nhiều địa phương, rơm rạ và chất thải chăn nuôi đã được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ thông qua chế phẩm vi sinh, hỗ trợ canh tác lúa và rau màu theo hướng hữu cơ. Các mô hình này giúp tiết giảm chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao giá trị đầu ra thông qua việc tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Điển hình như tại một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ một số mô hình sử dụng dịch vụ cơ giới để thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ đã cho thấy hiệu quả tích cực tại vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ. Việc tái sử dụng phụ phẩm đã giúp tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo lên khoảng 15% so với phương thức sản xuất tuyến tính truyền thống.
Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn cũng đang được triển khai tại Phú Thọ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nội…, trong đó phụ phẩm như thân cây ngô, sắn, đậu, lạc được ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Phân thải từ chăn nuôi sau đó được xử lý bằng sinh học để tái sử dụng cho trồng trọt. Nhờ vậy, giá thành thức ăn giảm, hiệu quả kinh tế tăng từ 10% đến 15% so với chăn nuôi truyền thống.
Không chỉ dừng lại ở hộ nông dân, một số DN Việt đã bắt đầu định hình hệ sinh thái tuần hoàn cho riêng mình. Tại Công ty CP công nông nghiệp Tiến Nông, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc công ty cho biết, hiện nay công ty đưa 15% phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất với phân bón vô cơ và khoảng 80% phụ phẩm vào sản xuất với phân bón hữu cơ. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2030 tận dụng được 45% phế phụ phẩm trong phân bón vô cơ và 95% trong phân bón hữu cơ.
Điểm nghẽn cần tháo gỡ
Mặc dù giá trị đem lại về kinh tế cũng như môi trường rất lớn nhưng việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn. Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tỷ lệ tái chế, tái sử dụng thấp, mới đạt dưới 35% và ở chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán gây ra phát thải, ô nhiễm. Nguyên nhân, theo ông Thịnh hiện nay vẫn thiếu hệ thống quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia như nhãn mác, nhãn chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn và chứng nhận còn hạn chế, làm tăng rủi ro, giảm hiệu quả đầu tư của DN, hợp tác xã.
Ngoài ra, còn thiếu chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm; Thiếu dữ liệu, bản đồ phụ phẩm - chuỗi - phát thải, cũng như chưa có nền tảng số hỗ trợ cho các DN.
Nói về những điểm nghẽn khiến việc tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn ông Hà Văn Thắng cũng chỉ ra rằng, các DN nhỏ và vừa vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn đầu tư vào công nghệ tái chế, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, liên kết vùng và chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, nhiều DN hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác với nông dân và các bên liên quan.
Theo các chuyên gia, phụ phẩm nông nghiệp có giá trị sử dụng. Việc đẩy mạnh gia tăng tái chế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ tăng giá trị sản phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp sạch, xanh. Để việc tái chế các phụ phẩm đi vào đời sống PGS.TS Đào Thế Anh - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp cho rằng, trong kinh tế tuần hoàn, không nên gọi là phụ phẩm nông nghiệp mà gọi là tài nguyên để được khai thác hiệu quả hơn, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.