Phủ Tây Hồ hướng tới sự văn minh, an toàn trong mùa lễ hội đầu năm
Trong ngày Rằm tháng Giêng, người dân tấp nập về phủ Tây Hồ dâng lễ, cầu tài lộc và may mắn. UBND phường Quảng An, Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ đã xây dựng các phương án phân luồng giao thông; quy hoạch gian hàng; trang trí cảnh quan từ trước, trong và sau Tết.
Du khách tấp nập về dâng lễ
Đã là thông lệ, phủ Tây Hồ luôn là điểm đến của người dân Thủ đô cũng như du khách thập phương trong ngày đầu năm mới. Không chỉ là nơi cầu may mắn, tài lộc, bình an, phủ Tây Hồ còn là một trong những địa chỉ tâm linh nổi tiếng nhất Thủ đô, mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị sáng 12/2, (tức ngày Rằm tháng Giêng Xuân Ất Tỵ), người dân và du khách tấp nập về dâng lễ, cầu tài lộc, may mắn. Ngay từ phía ngoài lối vào phủ Tây Hồ, các cửa hàng bán đồ lễ tấp nập người mua, nhiều quầy hàng với những mâm lễ được chuẩn bị sẵn, phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo khảo sát của phóng viên, trung bình một mâm lễ có giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng, gồm trái cây, hoa tươi, bánh kẹo, sớ và vàng mã. Ngoài ra, các quầy viết sớ bên ngoài phủ Tây Hồ cũng khá đông khách.
![Người dân và du khách tấp nập về dâng lễ, cầu tài lộc, may mắn tại phủ Tây Hồ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/1d3f6554521abb44e20b.jpg)
Người dân và du khách tấp nập về dâng lễ, cầu tài lộc, may mắn tại phủ Tây Hồ.
Phía trong phủ Tây Hồ, người dân tuân thủ quy định về dâng hương, dâng lễ. Những mâm lễ cúng “nói không” với đồ mặn, chỉ có hoa quả, bánh kẹo. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Trung Dũng (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết, đầu Xuân năm mới, ông đến phủ Tây Hồ đi lễ để cầu mong một năm mới bình an cho cả gia đình.
Vừa soạn lễ từ phía ngoài cổng, chị Nguyễn Thị Tuyến (Sài Đồng, Long Biên) chia sẻ: "Đi lễ phủ Tây Hồ đã là một thói quen của gia đình tôi. Dịp đầu năm mới và Rằm tháng Giêng, gia đình tôi đến phủ cầu bình an, may mắn và tận hưởng không khí du Xuân, hòa mình vào phong tục truyền thống của dân tộc".
![Đi lễ phủ Tây Hồ đã là một thói quen của gia đình.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/4fa9c9c3fe8d17d34e9c.jpg)
Đi lễ phủ Tây Hồ đã là một thói quen của gia đình.
Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, tọa lạc tại bán đảo lớn của làng Tây Hồ, nhô ra giữa Hồ Tây, ở số 52 đường Đặng Thai Mai, (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Phủ Tây Hồ được xem là một điểm du Xuân lý tưởng khi kết hợp giữa không gian văn hóa, tâm linh và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Bao quanh phủ là mặt nước Hồ Tây rộng lớn, tạo nên một bức tranh hữu tình, vừa thanh bình vừa cổ kính.
Chuyển biến tích cực khi “không dùng tiền mặt”
Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa ngày 13/2/1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là "cây di sản Việt Nam" và ở kế bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết. Ngày nay, phủ Tây Hồ mở hội vào 2 ngày lễ chính là mùng 3/3 Âm lịch và ngày 13/8 Âm lịch.
![Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/4e85cdeffaa113ff4ab0.jpg)
Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh.
Ghi nhận trong ngày Rằm tháng Giêng tại phủ Tây Hồ, ở phía ngoài, các hàng quán được quy hoạch gọn gàng, có niêm yết giá dịch vụ. Các gian hàng viết sớ được sắp xếp ở khu vực riêng, người viết sớ mặc đồng phục áo dài đỏ, khá đẹp mắt. Các hoạt động lễ bái tại phủ diễn ra trật tự, bình yên, ngăn nắp. Việc phân luồng giao thông khiến cho người đến phủ Tây Hồ dễ dàng gửi xe với mức giá niêm yết, đặc biệt không xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An Dương Thanh Hải cho biết, để Lễ hội phủ Tây Hồ diễn ra an toàn, văn minh, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu UBND phường Quảng An, Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ xây dựng các phương án phân luồng giao thông; quy hoạch gian hàng; trang trí cảnh từ trước, trong và sau Tết.
Phủ Tây Hồ là điểm tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng, thu hút rất đông người dân và du khách đến chiêm bái, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết, Rằm, mùng 1 và vào Lễ hội phủ Tây Hồ. Vì thế, quận Tây Hồ đặc biệt lưu ý công tác tổ chức, quản lý hoạt động tín ngưỡng tại phủ trước, trong, sau Tết và vào dịp lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương
“Phường Quảng An đã xây dựng 25 điểm chốt phân luồng giao thông từ xa để tránh ách tắc; tiếp tục thực hiện 4 điểm trông giữ phương tiện thanh toán bằng hình thức quét mã QR-code (hè đường Đặng Thai Mai, phía sau đền Kim Ngưu, hè ngõ 50 đường Đặng Thai Mai và ngõ 88 phố Quảng An). Đặc biệt, điểm mới trong công tác tổ chức, quản lý tại phủ Tây Hồ những năm gần đây là các dịch vụ tại phủ đều hướng đến không dùng tiền mặt. Ban Quản lý di tích yêu cầu tất cả hàng quán, dịch vụ niêm yết giá” - ông Dương Thanh Hải cho biết.
![Phủ Tây Hồ hướng tới sự thân thiện cho người dân và du khách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/227fa315945b7d05244a.jpg)
Phủ Tây Hồ hướng tới sự thân thiện cho người dân và du khách.
Cũng theo thông tin của phường Quảng An, từ Tết Nguyên đán đến nay, phường đã tổ chức 6 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường tại các tuyến phố xung quanh phủ Tây Hồ. Cùng với đó, thường xuyên duy trì công tác vệ sinh môi trường, bố trí nơi thu gom và vận chuyển rác thải đúng nơi quy định, bảo đảm cảnh quan di tích xanh - sạch - đẹp, hướng tới sự thân thiện cho người dân và du khách khi đến với phủ Tây Hồ.
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác tổ chức lễ hội và hoạt động tín ngưỡng do Sở VH&TT Hà Nội chủ trì đã có buổi làm việc tại phủ Tây Hồ. Theo đánh giá của đoàn, phủ Tây Hồ là một trong những điểm di tích, tín ngưỡng thực hiện tốt công tác tổ chức an ninh, an toàn và văn minh lễ hội. Những chuyển biến trong việc phân luồng giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, quy hoạch hàng quán ngăn nắp đã tạo nét văn hóa, là điểm sáng của công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn Hà Nội.
![Phường Quảng An đã xây dựng 25 điểm chốt phân luồng giao thông từ xa để tránh ách tắc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/6d43e229d5673c396576.jpg)
Phường Quảng An đã xây dựng 25 điểm chốt phân luồng giao thông từ xa để tránh ách tắc.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài đề nghị, quận Tây Hồ cần tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhớ các hàng quán giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyên truyền quy tắc ứng xử của TP và bộ quy tắc ứng xử lễ hội của Bộ VHTT&DL. Cùng với đó kiểm soát các bãi đỗ xe, không để phát sinh những bãi gửi xe tự phát; tăng cường kiểm tra bảo đảm an ninh, trật tự, văn minh, an toàn.
Một số hình ảnh phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi lại tại phủ Tây Hồ ngày rằm tháng Giêng:
![Đông đảo người dân và du khách thập phương có mặt tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) để dâng hương làm lễ. Ảnh Duy Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/7223ff49c80721597816.jpg)
Đông đảo người dân và du khách thập phương có mặt tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) để dâng hương làm lễ. Ảnh Duy Khánh
![Càng về thời điểm buổi trưa, dòng người đổ về phủ Tây Hồ càng tấp nập, nhộn nhịp. Ảnh Duy Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/5b98d1f2e6bc0fe256ad.jpg)
Càng về thời điểm buổi trưa, dòng người đổ về phủ Tây Hồ càng tấp nập, nhộn nhịp. Ảnh Duy Khánh
![Khu vực sắp xếp mâm lễ luôn tấp nập người ra vào. Ảnh Duy Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/e7f76f9d58d3b18de8c2.jpg)
Khu vực sắp xếp mâm lễ luôn tấp nập người ra vào. Ảnh Duy Khánh
![Từ ngoài đường dẫn vào cổng đến bên trong phủ, rất nhiều quầy hàng với những mâm lễ được chuẩn bị sẵn, bày bán phục vụ nhu cầu người dân. Ảnh Duy Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/20c6b6ac81e268bc31f3.jpg)
Từ ngoài đường dẫn vào cổng đến bên trong phủ, rất nhiều quầy hàng với những mâm lễ được chuẩn bị sẵn, bày bán phục vụ nhu cầu người dân. Ảnh Duy Khánh
![Phủ Tây Hồ, thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là di tích quốc gia linh thiêng, thu hút đông đảo người dân đến lễ đầu năm, mùng 1 và ngày rằm. Ảnh Duy Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/62b7f7ddc09329cd7082.jpg)
Phủ Tây Hồ, thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là di tích quốc gia linh thiêng, thu hút đông đảo người dân đến lễ đầu năm, mùng 1 và ngày rằm. Ảnh Duy Khánh
![Người dân đi lễ chùa dịp đầu năm để cầu mong gia đình hạnh phúc, bình an, nhiều sức khỏe, công danh thành đạt. Ảnh Duy Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/945e0034377ade24876b.jpg)
Người dân đi lễ chùa dịp đầu năm để cầu mong gia đình hạnh phúc, bình an, nhiều sức khỏe, công danh thành đạt. Ảnh Duy Khánh
![Phía bên trong đền chính tấp nập du khách thập phương tới lễ phủ Tây Hồ đầu năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/f32b6041570fbe51e71e.jpg)
Phía bên trong đền chính tấp nập du khách thập phương tới lễ phủ Tây Hồ đầu năm.
![Người dân phóng sinh sau khi làm lễ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/4e02dc68eb2602785b37.jpg)
Người dân phóng sinh sau khi làm lễ.
![Các quầy viết sớ bên ngoài Phủ Tây Hồ tấp nập đón khách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/6ddefdb4cafa23a47aeb.jpg)
Các quầy viết sớ bên ngoài Phủ Tây Hồ tấp nập đón khách.
![Đi lễ chùa ngày rằm tháng Giêng là một nét văn hóa truyền thống đầu Xuân của người Việt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51458122/85531a392d77c4299d66.jpg)
Đi lễ chùa ngày rằm tháng Giêng là một nét văn hóa truyền thống đầu Xuân của người Việt.