Phức tạp vi phạm pháp luật về đê điều: Phải quyết liệt xử lý

Theo rà soát của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hệ thống đê điều tại nhiều địa phương còn nhiều điểm xung yếu. Thế nhưng, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn tiếp tục diễn ra, điển hình là các hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, không gian thoát lũ ở bãi sông.

Các vi phạm vẫn diễn ra rất phức tạp và ảnh hưởng đến sự an toàn đê điều mỗi mùa mưa bão. Các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe hay các cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết là những câu hỏi cần sớm có lời giải để quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều.

Ảnh hưởng đến sự an toàn đê điều

Sai phạm ở bãi sông Hồng thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhiều năm vẫn chưa được xử lý vì phải chờ… quy hoạch.

Sai phạm ở bãi sông Hồng thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhiều năm vẫn chưa được xử lý vì phải chờ… quy hoạch.

Theo số liệu của Phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trạng vi phạm đê điều ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở TP Hà Nội. Theo số liệu thống kê, những năm gần đây, tổng số vụ vi phạm có xu hướng giảm. Nhưng do kết quả xử lý hạn chế nên tồn đọng theo ngày tháng lại cộng dồn lên, tăng lũy kế. Đặc biệt, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn. Cụ thể, từ năm 2018 - 2022, tổng số vụ vi phạm ở Hà Nội là 458, đã xử lý 76 vụ, tồn đọng 382 vụ (83,4%). Năm 2023, Hà Nội xảy ra 59 vụ nhưng còn tồn đọng đến 51 vụ.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý đê điều, trước đây các công trình xây dựng vi phạm ở bờ bãi sông ít, quy mô nhỏ lẻ. Nhưng hiện nay tình trạng vi phạm phức tạp, với nhiều công trình vi phạm có quy mô lớn. Có những nhà to, rộng đến cả nghìn mét vuông. Các bến bãi vật liệu, và đặc biệt là tình trạng đổ phế thải, trạc thải lấn chiếm bờ bãi sông diễn ra ở nhiều nơi.

“Qua kiểm tra cho thấy, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 299 vị trí trọng điểm, xung yếu mà các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm, xây dựng phương án bảo vệ. Cùng với đó, còn có 273km đê thiếu cao trình chống lũ so với thực tế, chủ yếu ở các vùng hạ du của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, điều này sẽ khiến cho việc khi gặp lũ, hệ thống đê không đúng thiết kế sẽ gây nguy cơ nước tràn đê. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn tiếp tục diễn ra, những hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, không gian thoát lũ ở bãi sông, lòng sông”, ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều cho biết.

Đánh giá của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cũng cho rằng, tất cả các vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm đều ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống tập trung nhiều tại các quận, huyện, thị xã: Thường Tín, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Sơn Tây… tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông, công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận.

“Một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mét bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ… Cùng đó với, việc trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe có tải trọng lớn đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê”, ông Trần Thanh Mẫn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết.

Có thể xử lý hình sự nếu chống đối

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai còn gặp một số khó khăn mà một trong những nguyên nhân là tình hình vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều vẫn còn phổ biến. Thái độ chủ quan còn xuất hiện ở một số chính quyền địa phương và bộ phận người dân. Chính quyền một số nơi chưa coi trọng việc xử lý giải tỏa và còn hình thức thiếu kiên quyết, dứt điểm dẫn đến tình hình vi phạm vẫn phát sinh, số vụ vi phạm xử lý được còn hạn chế.

UBND phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đang vận động để Công ty Sông Đà – Việt Đức sớm trả lại mặt bằng khu đất vi phạm quy định về đê điều.

UBND phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đang vận động để Công ty Sông Đà – Việt Đức sớm trả lại mặt bằng khu đất vi phạm quy định về đê điều.

“Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời diễn biến công trình đê, kè, cống, bờ bãi sông trên địa bàn. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật phòng, chống thiên tai và tình trạng khai thác cát trái phép tại các sông trên địa bàn, ngăn chặn xe quá tải đi trên đê. Rà soát lại việc giao, cho thuê đất bãi ven sông và hành lang bảo vệ đê, kiên quyết thu hồi và kiến nghị thu hồi theo thẩm quyền quy định đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, tập kết vật liệu khối lượng lớn có nguy cơ gây mất an toàn đê, xây dựng công trình, vật kiến trúc vi phạm các quy định về quản lý đất đai, đê điều và phòng, chống thiên tai”, ông Trần Thanh Mẫn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho hay.

Để đảm bảo an toàn đê điều mùa mưa lũ 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có Chỉ thị số 2592/CT-BNN-TL yêu cầu kịp thời phát hiện và kiên quyết ngăn chặn các vi phạm pháp luật về đê điều. Các địa phương cần chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ. Cần phải quyết liệt xử lý đó cũng là quan điểm của ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ông Tuyên cho rằng, cần phải tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý có trọng tâm, trọng điểm. Đi kèm đó là tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và cảnh báo, răn đe tới các cá nhân, tổ chức. Đặc biệt là chính quyền các địa phương cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm, kiên quyết xử lý triệt để vi phạm ngay từ đầu và gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp khi để vi phạm xảy ra.

“Đối với các trường hợp kiên quyết chống đối, gây hậu quả nghiêm trọng cần được xử lý hình sự theo điều 238 về tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông”, ông Tuyên đề nghị.

Lý giải về việc cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay ông Tuyên cho rằng, những vi phạm xuất hiện từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm là do ý thức chấp hành pháp luật về đê điều của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Cùng với đó, một số doanh nghiệp vì lợi ích đã cố tình vi phạm pháp luật để xây dựng công trình, nhà ở, kinh doanh trái phép bãi sông. Đặc biệt, nhiều nơi chính quyền còn có biểu hiện ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm việc giải quyết các vi phạm.

Ngọc Yến – Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/phuc-tap-vi-pham-phap-luat-ve-de-dieu-phai-quyet-liet-xu-ly-i732872/