Phương án nào phát triển cảng biển Vĩnh Long?
Bộ Xây dựng vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, cảng biển Vĩnh Long bao gồm: khu bến Vĩnh Thái, khu bến Bình Minh, bến cảng tại huyện Bình Tân, cùng các khu chức năng hỗ trợ như bến phao, khu chuyển tải, khu neo chờ, khu tránh trú bão.

Cảng biển Vĩnh Long được quy hoạch 4 bến cảng, đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 1,6-1,7 triệu tấn (Ảnh minh họa).
Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Vĩnh Long sẽ có 4 bến cảng, gồm 5 cầu cảng với tổng chiều dài 817m, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua từ 1,6–1,7 triệu tấn/năm (trong đó hàng container khoảng 0,02 triệu TEU).
Việc xác định phạm vi vùng đất và vùng nước được thực hiện phù hợp với quy mô cảng, đáp ứng nhu cầu khai thác thực tế.
Trong đó, khu bến Vĩnh Thái gồm cảng Vĩnh Long với 2 cầu cảng tổng hợp, rời và container; tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn, sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 0,3 triệu tấn/năm. Bến cảng hiện hữu trên sông Cổ Chiên sẽ được di dời về vị trí mới tại khu vực bến phà Mỹ Thuận.
Khu bến Bình Minh gồm 2 bến cảng với 2 cầu cảng tổng hợp, tổng công suất từ 1,0–1,05 triệu tấn/năm.
cảng Bình Minh gồm 1 cầu cảng tổng hợp, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn (giảm tải).
Bến cảng 620 Châu Thới gồm 1 cầu cảng tổng hợp, tiếp nhận tàu trọng tải đến 1.000 tấn.
Bến cảng tại huyện Bình Tân gồm cảng kho xăng dầu Vĩnh Long Petro với 1 cầu cảng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn (giảm tải).
Quy hoạch định hướng thiết lập hệ thống bến phao, khu chuyển tải, khu neo chờ, tránh trú bão tại khu vực Bình Minh, Mỹ Thuận và các khu vực khác đủ điều kiện.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Vĩnh Long được định hướng đáp ứng sản lượng hàng hóa với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 5,5–6,1%/năm. Giai đoạn này sẽ tiếp tục phát triển các bến cảng mới, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa tăng cao.
Cũng theo quy hoạch, định hướng duy trì chuẩn tắc luồng hiện hữu. Lộ trình đầu tư sẽ phụ thuộc vào khả năng bố trí, huy động nguồn lực. Trường hợp xã hội hóa đầu tư, cho phép triển khai các dự án phù hợp với quy hoạch.
Đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 41,8ha (chưa bao gồm diện tích phát triển khu công nghiệp, logistics gắn với cảng).
Nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 2.143ha (bao gồm cả vùng nước trong phạm vi quản lý nhưng không bố trí công trình hàng hải).
Dự kiến tổng nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển Vĩnh Long đến năm 2030 khoảng 759,7 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng tại khu vực được sử dụng chung cho các cảng biển trên luồng sông Tiền và sông Hậu.