Phương án tái cơ cấu VIMC có gì mới?

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) muốn thoái thêm vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc 'Tổng' này. Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý lại đang băn khoăn về phương án này.

VIMC đang nắm 75% vốn tại Cảng Đà Nẵng.

VIMC đang nắm 75% vốn tại Cảng Đà Nẵng.

Đề xuất thoái hết vốn ở khối vận tải, dịch vụ

Dự thảo đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025 của VIMC đang được lấy ý kiến tại nhiều cơ quan Trung ương. Theo đề xuất của VIMC, đơn vị này muốn giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại công ty mẹ từ 99,47% vốn hiện nay xuống còn 65%.

Với khối doanh nghiệp thành viên VIMC đang khai thác các cảng biển, đơn vị này đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu vốn của công ty mẹ tại các cảng này. Cụ thể, VIMC đề xuất giảm sở hữu vốn của công ty mẹ tại 5 cảng về mức 51% cổ phần, gồm: Cảng Cần Thơ (đang nắm 99% vốn), cảng Cam Ranh (đang nắm gần 81% vốn), cảng Quy Nhơn (hiện nắm 75% vốn), cảng Đà Nẵng (hiện nắm 75% vốn), cảng Cái Lân (hiện nắm 56% vốn). Riêng cảng Hải Phòng, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ vốn sở hữu từ 92,5% hiện nay xuống còn 65% vốn; thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao (hiện nắm 56% vốn).

Với khối doanh nghiệp thành viên của VIMC trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải và logistics, VIMC đề xuất thoái hết vốn tổng công ty đang nắm tại đa số các công ty này, gồm: Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (hiện nắm 49% vốn); Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (hiện VIMC nắm hơn 47% vốn); Công ty CP Hàng hải Đông Đô (hiện nắm gần 49% vốn); Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (hiện nắm hơn 26% vốn); Công ty CP Vinalines Nha Trang (hiện giữ gần 92% vốn); Công ty Liên danh khai thác container Việt Nam (hiện giữ 60% vốn); Công ty CP Hàng hải Sài Gòn (hiện giữ hơn 10% vốn).

Riêng Công ty CP Vận tải biển Vinaship (hiện VIMC nắm 51% cổ phần) và Công ty CP VIMC logistics Việt Nam ( hiện VIMC nắm hơn 56% cổ phần), VIMC đề xuất thoái một phần, chỉ giữ lại 36% cổ phần.

Như vậy có thể thấy, nội dung quan trọng nhất của VIMC trong việc tái cơ cấu chính là việc thoái vốn Nhà nước khỏi “Tổng” này và các đơn vị thành viên một cách mạnh mẽ.

Cơ quan quản lý nói gì?

Trong văn bản mới đây của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đề xuất trên của VIMC, Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực hoạt động của “Tổng” này có nhiều ý kiến băn khoăn. Cụ thể, Bộ GTVT cho rằng, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, phần lớn các doanh nghiệp cảng biển sản xuất, kinh doanh của VIMC đều hiệu quả, việc trích lợi nhuận tạo nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất trong giai đoạn 2021-2025 rất thuận lợi.

“VIMC là doanh nghiệp Nhà nước, hiện quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển có vị trí địa lý quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, do vậy, việc giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp cảng biển cần phải cân nhắc kỹ” - văn bản Bộ GTVT kiến nghị.

Còn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) thì cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC cần đảm bảo tối thiểu như hiện tại (99,47%). Lý do được Ủy ban này đưa ra là VIMC là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên 3 lĩnh vực: vận tải biển, cảng biển, logistics với mạng lưới rộng khắp cả nước, đồng thời định hướng, xây dựng mạng lưới khu vực và toàn cầu; quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển có vị trí địa lý quan trọng, liên quan đến quốc phòng - an ninh quốc gia.

CMSC cũng đánh giá, hiện tại hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ - VIMC ổn định và tăng trưởng, lợi nhuận trước thuế những năm gần đây đều ở mức cao. Việc duy trì tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC là để phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị; tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử tại doanh nghiệp.

Liên quan đến lĩnh vực khai thác cảng của VIMC, CMSC muốn VIMC duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ của Công ty mẹ - VIMC tại các doanh nghiệp thành viên trong khối cảng biển tối thiểu là 65% vốn điều lệ, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, chủ động trong thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và một số nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng - an ninh quốc gia.

“Đề án cần rà soát, hiệu chỉnh tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ của Công ty mẹ - VIMC tại một số đơn vị khai thác cảng, thay vì kéo giảm như đề xuất của Tổng Công ty” - đại diện CMSC lưu ý.

Ủy ban này chỉ thống nhất chủ trương việc giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp thành viên của VIMC trong 2 lĩnh vực, đó là vận tải biển và dịch vụ hàng hải - logistics.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phuong-an-tai-co-cau-vimc-co-gi-moi-post467558.html