'Quả ngọt' xây dựng nông thôn mới ở Tân Quang

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, xã Tân Quang (TP. Sông Công) tiếp tục 'nâng chất' các tiêu chí. Dù đứng trước không ít khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn đoàn kết, đồng lòng thực hiện chương trình này và đã thu về 'quả ngọt'.

Trung tâm xã Tân Quang.

Trung tâm xã Tân Quang.

Đến xã Tân Quang hôm nay, chúng tôi ngỡ vùng quê nông thôn này như phố thị. Những con đường đổ bê tông rộng rãi, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, diện mạo khu dân cư khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Ông Dương Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, tự hào: Đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao là thành quả phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Khi bắt tay thực hiện mục tiêu, địa phương gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm chính trị rõ ràng, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã Tân Quang Ngô Tiến Minh chia sẻ thêm: Khi bắt tay vào thực hiện NTM nâng cao, chúng tôi xác định rõ lộ trình, giải pháp, nguồn lực cụ thể. Đồng thời phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng cá nhân, bộ phận liên quan để tổ chức triển khai. Thống nhất phương châm thực hiện các tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”, nhưng phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Theo đó, địa phương xác định nâng cao thu nhập là mục tiêu chính yếu trong xây dựng NTM nâng cao, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác.

Thời gia qua, địa phương tập trung phát triển mô hình liên kết, cung cấp nguyên liệu sản xuất gạo OCOP (gạo Thơm Đoàn viên), mô hình cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa J02, Đài Thơm 8; mở rộng mô hình trồng ổi và phát triển thương hiệu ổi Tân Quang (sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao năm 2023).

Ngoài phát huy thế mạnh trong trồng trọt, địa phương còn phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại; ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Hiện nay, Tân Quang có gần 100 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cùng với nông nghiệp, địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trên địa bàn xã hiện có 15 công ty, trên 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Nhờ tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 68,2 triệu đồng/người/năm.

Hầu hết tuyến đường trên địa bàn xã Tân quang đã được đổ bê tông.

Hầu hết tuyến đường trên địa bàn xã Tân quang đã được đổ bê tông.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, cùng với tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên, xã Tân Quang đã huy động sức dân để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa… Theo đó, nguồn lực huy động xây dựng xã NTM nâng cao của địa phương trong giai đoạn 2016-2024 là trên 127 tỷ đồng. Trong đó nhân dân đóng góp trên 47 tỷ đồng (bao gồm hiến 0,95ha đất, tiền mặt và 2.050 ngày công lao động).

Riêng việc xây dựng hạ tần giao thông, từ năm 2015 đến nay xã đã đổ bê tông trên 10km đường trục xóm, liên xóm; trên 22km đường ngõ, xóm; nhà văn hóa xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của bà con nhân dân.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng được địa phương quan tâm. Năm 2024, Tân Quang có 98,5% số hộ đạt gia đình văn hóa, 10/10 xóm đạt xóm văn hóa...

Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM nâng cao, Tân Quang đã thu về “quả ngọt”. Không dừng lại ở đó, cùng với giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao, xã cũng đang thực hiện mục tiêu trở thành phường vào cuối năm 2025.

Sơn Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202501/qua-ngot-xay-dung-nong-thon-moio-tan-quang-1740814/