Quân đồng minh đối xử với tù binh Đức như thế nào trong Thế chiến II?
Ở phía tây nước Đức, cách Bonn 35 km, gần thành phố Remagen, có một địa danh được gọi là Goldelen Meile ('vùng đất màu mỡ'), nằm ở tả ngạn sông Rhine. Hiện nay, đây là khu nghỉ dưỡng bình thường, nhưng vào mùa xuân năm 1945, nơi đây đã diễn ra các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến kết quả của chiến tranh. Một trại giam dành cho tù binh Đức cũng được đặt tại đây.
Tại sao trại tù binh Đức lại xuất hiện gần Remagen?
Ngày 17/4/1945, ba tuần trước khi Đức Quốc xã đầu hàng, quân đội Mỹ đã xây một trại tù binh Đức gần thành phố Remagen, mang tên A2. Đây là 1 trong 17 trại tù binh nằm ở tả ngạn sông Rhine. Theo nhà sử học quân sự Wolfgang Guckelhorn, tất cả các trại này đều nằm trên một vùng đất rộng lớn, được gọi là "đồng cỏ sông Rhine", và đều có kết nối giao thông thuận tiện.
Cuối tháng 4/1945, cách thành phố Remagen không xa, ở phía nam sông Ahr, gần thành phố Sinzig, quân đội Mỹ đã xây dựng thêm một trại tù binh Đức khác mang tên A5. Lãnh thổ của nó kéo dài đến các khu vực phía bắc của thành phố Bad Breisig. A2 và A5 là hai trại lớn nhất. Theo nhà sử học Wolfgang Guckelhorn, tổng cộng đã có hơn 300.000 tù binh Đức bị giam giữ ở đây.
![Nhà sử học Wolfgang Guckelhorn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_99_51401637/bedb0d12325cdb02824d.jpg)
Nhà sử học Wolfgang Guckelhorn.
Các sự kiện trên Mặt trận phía Tây và việc xây dựng trại giam
Theo nhà sử học Wolfgang Guckelhorn, chính các sự kiện diễn ra trên Mặt trận phía Tây trong hai năm cuối của Thế chiến thứ hai đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều tù binh Đức ở khu vực này vào cuối chiến tranh: "Trước sức ép của quân đội Liên Xô, ngày 6/6/1944, các đồng minh phương Tây bắt đầu chiến dịch Normandie tại Tây Âu. Đến đầu tháng 9, quân đội đồng minh đã áp sát các công trình phòng thủ của Hitler ở biên giới phía tây của Đức - cái gọi là “Những bức tường phía Tây”, hay “Phòng tuyến Ziegfried”. Mục đích của các nước đồng minh là giải phóng các quốc gia Tây Âu.
“Nhưng cuộc tấn công bị chậm trễ vì thiếu nguồn tiếp tế cho quân đội, vốn được thực hiện qua các hải cảng của Pháp. Vào mùa đông, cuộc tấn công của các đồng minh phương Tây đã dừng lại. Còn ngày 16/12/1944, Wehrmacht (Quân đội Đức) mở màn chiến dịch Ardennes, nhưng trận chiến này bị thất bại vào tháng 1/1945. Từ cuối tháng 2/1945, quân đồng minh đã chuyển sang một cuộc tấn công quyết định...", - nhà sử học Wolfgang Guckelhorn nhận xét.
Vào nửa đầu tháng 3/1945, quân đội Đức Quốc xã buộc phải rút lui về phía bên kia sông Rhine. Quân đội Mỹ đã vượt sông để truy đuổi. Kết quả của chiến dịch này, cũng như chiến dịch Ruhr, là hàng vạn binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh.
![Đồng cỏ sông Rhine.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_99_51401637/349f8656b91850460909.jpg)
Đồng cỏ sông Rhine.
"Thánh Mẫu đen" - lời nhắc nhở về các tù binh ở trại giam sông Rhine
Ngày nay, hầu như không còn dấu vết gì về các trại tù binh cũ, ngoài hai địa điểm. Một trong số đó là nhà nguyện nhỏ có hình dáng đặc biệt nổi lên giữa khu vực trại cũ, trên cánh đồng giữa thành phố Remagen và thị trấn Kripp. Sau hàng rào sắt là bức tượng "Thánh Mẫu đen". Tên gọi này xuất phát từ màu sắc của bức tượng, vì tượng đất sét thường được nhúng trong dầu hạt lanh để đất không bị vỡ.
"Thánh Mẫu đen" do một tù binh Đức nặn và được sử dụng như tượng thánh ở trại tù binh trong các buổi tế lễ ngẫu hứng. Sau khi trại bị đóng cửa, bức tượng này đã biến mất", - ông Wolfgang Guckelhorn nói.
Theo ông, năm 1984, "Thánh Mẫu đen" được phát hiện tại nhà của một mục sư ở gần Kripp. Thị trưởng thành phố Remagen lúc bấy giờ, Hans Peter Kurten, với sự hỗ trợ tài chính của các cựu tù nhân, đã đặt nền móng xây dựng Nhà nguyện Hòa bình, và ngày 22/6/1985, bức tượng Thánh Mẫu đen được đưa về đây. Công trình này được coi là sự nhắc nhở về những sai lầm của người Đức và kêu gọi hòa bình, bằng chứng là những dòng chữ viết trên sàn nhà nguyện: "Những sai lầm quá khứ không được phép tái diễn. Trừng phạt không phải là tình yêu. Lòng căm thù không phải là mảnh đất để hòa bình có thể nảy nở".
Tuy nhiên, Nhà nguyện Hòa bình cùng với "Thánh Mẫu đen" đã mang tiếng xấu. "Mỗi năm vào mùa thu, những kẻ theo chủ nghĩa tân quốc xã tổ chức các cuộc diễu hành ở đây: từ ga Remagen, chúng tiến về phía nhà nguyện", - ông Wolfgang Guckelhorn nói.
Một số nguồn tin khác nói rằng bức tượng được nhà điêu khắc Đức tên là Adolf Wamper nặn trong thời gian ông bị giam tại trại. Ông đã tặng nó cho mục sư của nhà thờ ở Kripp để tỏ lòng biết ơn người đã quyên góp thực phẩm và thuốc men của các tín đồ cho các tù binh. Những kẻ theo chủ nghĩa tân quốc xã đã biến "Thánh Mẫu đen" thành "thánh tích" của chúng. Nhà sử học quân sự Wolfgang Guckelhorn cho biết: "Những kẻ theo chủ nghĩa tân quốc xã đổ lỗi cho người Mỹ về những điều kiện khủng khiếp tại các trại tù binh ở vùng sông Rhine, dường như đã gây ra cái chết của hàng triệu người Đức".
![Nhà nguyện Hòa bình.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_99_51401637/930b22c21d8cf4d2ad9d.jpg)
Nhà nguyện Hòa bình.
Điều kiện sống của tù binh Đức trong các trại tù
Nhưng liệu điều đó có đúng không? Cho đến tháng 2/1945, các tù binh Đức được giam giữ trong các trại ở Vương quốc Anh, Pháp, Bỉ và Hoa Kỳ. Điều kiện ở những trại này hoàn toàn tuân thủ Công ước Geneva. Theo Wolfgang Guckelhorn, tù binh sống trong các lán gỗ, được chăm sóc y tế và thậm chí còn được tổ chức các hoạt động giải trí. Nhưng vì đến tháng 2/1945, tất cả các trại này đều bị quá tải, nên người ta đã quyết định xây dựng các trại tạm giam cho tù binh Đức trên lãnh thổ Đức, đặc biệt là ở tả ngạn sông Rhine - nhà sử học Đức nói.
Theo đánh giá của cả người Đức và người Mỹ, trước ngày 8/5/1945, điều kiện trong các trại tạm giam cho tù binh chiến tranh quả thật rất tệ. "Tù binh sống ngoài trời, đôi khi trong các hố đất. Mùa xuân năm 1945, thời tiết thất thường, mưa to, ban đêm trời lạnh, ban ngày trời nắng ấm. Tù binh bị đói, họ không có các điều kiện vệ sinh tối thiểu, thay vì nước sạch, họ phải sử dụng nước có clo từ sông Rhine. Tuy nhiên, trong trại có các bệnh xá, nơi bệnh nhân được các bác sĩ quân y Mỹ và Đức chăm sóc" - ông Wolfgang Guckelhorn nói.
Trong giai đoạn này, như nhà sử học Đức nói, Hoa Kỳ không chỉ phải cung cấp mọi thứ thiết yếu cho quân đội của mình trên khắp thế giới, cho các quốc gia châu Âu vừa được giải phóng, cho các binh sĩ của mình vừa ra tù và hơn 12 triệu người tị nạn, kể cả cả những lao động cưỡng bức. Do đó, từ tháng 4/1945, tù binh Đức được xếp vào lực lượng địch đã giải giáp, cái gọi là "Disarmed Enemy Forces", và họ bị tước bỏ phần lớn quyền lợi được quy định trong Công ước Geneva.
Những kẻ theo chủ nghĩa tân quốc xã và đồng bọn cố gắng hiểu sai tình hình xung quanh các tù binh Đức trong các trại ở tả ngạn sông Rhine và phóng đại số lượng tù binh đã chết. "Tại trại ở Remagen và Sinzig, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7/1945, trong số 300.000 tù binh, chỉ có 1.100 người chết” - nhà sử học nói.
![Nghĩa trang tù binh Đức ở Bad Bodendorf.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_99_51401637/cd917d584216ab48f207.jpg)
Nghĩa trang tù binh Đức ở Bad Bodendorf.
Thế hệ hiện nay ít biết về chiến tranh
Ở thành phố Bad Bodendorf, cạnh Sinzig, có một nghĩa trang, nơi tất cả các ngôi mộ đều là mộ tập thể. Những cây thập giá không ghi tên, không có hoa đặt trên các ngôi mộ. Hiếm thấy người qua đường dừng chân ở đây. Cách nghĩa trang không xa, một cư dân địa phương dắt chó đi dạo. Một đôi nam nữ bước tới và hỏi đây là mộ của ai. "Những kẻ nằm ở đây không phải là nạn nhân, mà là tội phạm" - ông ta trả lời.
Tấm biển treo trên cánh cổng trước nhà nguyện của nghĩa trang ghi rằng đây là nơi chôn cất các tù binh của trại tù binh ở Remagen. Cư dân địa phương biết rõ điều đó. "Nhưng trong số cư dân ở Kripp, Remagen, Sinzig, ngày càng ít người trải qua chiến tranh. Còn thế hệ hiện nay ít biết về chiến tranh và những hậu quả của nó" - Wolfgang Guckelhorn nói.
Điều gì đã xảy ra sau khi các trại tù binh bị đóng cửa?
Ngay từ tháng 9/1944, các đồng minh quyết định chỉ giam giữ tù binh Đức một thời gian ngắn. Vài tháng sau, họ sẽ được trở về nhà, và điều này đã xảy ra với đa số tù binh.
Từ tháng 6/1945, các trại tù binh do quân Pháp quản lý. Sau khi chiến tranh kết thúc, người Pháp yêu cầu quân đồng minh cho phép sử dụng hơn 100.000 tù binh Đức làm nhân công để tái thiết đất nước bị phá hủy trong chiến tranh, như một phần của khoản bồi thường. Những tù binh không bị thương hoặc ốm đau và có khả năng lao động đã được đưa từ các trại tạm giam ở sông Rhine đến Pháp. Số còn lại được trả tự do. Người Pháp đã sử dụng tù binh Đức như lực lượng lao động cho đến năm 1947, sau đó họ được ký kết các hợp đồng lao động thông thường. Tuy nhiên, nhiều tù binh Đức đã ở lại Pháp và không trở về Đức.
Vẫn còn những nhân chứng ở Kripp
Từ Nhà nguyện Hòa Bình nằm giữa trại tù binh Đức cũ ở tả ngạn sông Rhine, có một con đường thẳng dẫn đến Kripp. Có thể, ở thị trấn này hiện vẫn còn những người đã chứng kiến các sự kiện nói trên. Trong số họ có những người mang hoa đến đặt bên tượng "Thánh Mẫu đen".
Tuy nhiên, những người dân địa phương không thích nói về trại tù này. "Tù tội không chỉ là tổn thương nghiêm trọng đối với các tù binh. Một thời gian dài, đề tài này là vùng cấm đối với gia đình họ. Trong các trại tù binh, những người Đức hiểu rằng, dù muốn hay không, với tư cách là binh lính và sĩ quan quân đội Đức, họ trở thành công cụ của chế độ Hitler tàn ác, đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cho mọi người trên thế giới", - Wolfgang Guckelhorn nói.
Đáng tiếc là ngày nay nhiều người Đức quên rằng tháng 9/1939, Đức Quốc xã đã tấn công gần như tất cả các nước láng giềng và gây ra cho họ những thiệt hại không gì sánh được. Họ cũng hiếm khi nhắc đến việc Wehrmacht và ban lãnh đạo Đức Quốc xã phải chịu trách nhiệm về việc có gần 60% tù binh Liên Xô đã chết trong các trại tù binh Đức - nhà sử học Wolfgang Guckelhorn kết luận.