Quản lý dạy thêm chặt chẽ, hướng đến nền giáo dục tiên tiến

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DT,HT) với thông điệp rõ ràng, linh hoạt và cơ chế kiểm soát chặt chẽ hướng đến nền giáo dục tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các hoạt động DT,HT ngoài giờ chính khóa là nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, giúp các em ôn luyện thêm kiến thức đã được học chính khóa, đồng thời chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Nhằm nâng cao chất lượng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vừa đảm bảo được quy định về DT,HT của Bộ GD&ĐT, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý dạy thêm.

Đoàn công tác của Sở GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 tại Trường THCS Văn Lang, TP Việt Trì.

Đoàn công tác của Sở GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 tại Trường THCS Văn Lang, TP Việt Trì.

Tăng cường công tác quản lý

Theo quy định của Thông tư 29, DT,HT trong nhà trường với 3 nhóm đối tượng: Học sinh xếp loại chưa đạt ở học kỳ liền kề, học sinh giỏi các môn học cần bồi dưỡng và học sinh cuối cấp ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp và hoàn toàn miễn phí. Cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai về môn học, thời lượng, danh sách người dạy thêm và mức thu học phí. Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Ngay khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025, các trường học trên địa bàn tỉnh đồng loạt thông báo dừng DT,HT và chỉ tổ chức dạy thêm cho học sinh thuộc đối tượng quy định viết đơn đăng ký học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Đài, huyện Tân Sơn chia sẻ: Hiện nay, nhà trường chỉ tổ chức dạy ôn tập cho 84 học sinh khối 9 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thời gian ôn tập là 2 tiết/môn/tuần và không thu tiền. Tại huyện Tân Sơn, để đảm bảo chất lượng học sinh đại trà và chất lượng học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt và bồi dưỡng học sinh lớp 9 thi vào 10 THPT không thu tiền ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh với những học sinh có nhu cầu. Đồng thời các trường thông báo rộng rãi, đầy đủ để cha mẹ học sinh được biết và thực hiện nghiêm túc. Chỉ đạo, khuyến khích các nhà trường có phương án hướng dẫn học sinh các khối lớp tự ôn tập, tự học trên lớp không thu tiền vào các buổi chiều trên tinh thần tự nguyện của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để dần hình thành kỹ năng tự học, tự bồi dưỡng kiến thức. Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, hiện nay trên địa bàn huyện có 2 trung tâm dạy thêm, học thêm được cấp phép; có 7 giáo viên thuộc các trường tiểu học, THCS đăng ký tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và báo cáo đầy đủ với Hiệu trưởng theo quy định.

Theo tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, cơ bản giáo viên, cơ sở giáo dục đã nghiêm túc thực hiện các quy định về dạy thêm, từ việc đăng ký, xin cấp phép đến tổ chức lớp học đúng đối tượng. Đồng chí Nguyễn Văn Biết - Trưởng Phòng GD&ĐT Việt Trì thông tin: TP Việt Trì hiện có 25 cơ sở giáo dục THCS tổ chức dạy thêm trong nhà trường với 248 lớp dạy thêm cho 4.573 lượt học sinh. Có 293 giáo viên tham gia dạy thêm trong nhà trường, trong đó 199 giáo viên thuộc các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường tại 52 cơ sở dạy thêm trên địa bàn. Phòng đã tổ chức hội nghị quán triệt trực tiếp đến 100% Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS về việc thực hiện các quy định DT,HT; tham mưu UBND thành phố chỉ đạo đến 100% các trường tiểu học, THCS nghiêm túc thực hiện Thông tư 29. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, quán triệt lồng ghép trong các văn bản hướng dẫn về chuyên môn; chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh của nhà trường.

Trường THCS Trưng Vương, TP Việt Trì tổ chức ôn tập không thu tiền cho học sinh lớp 9.

Trường THCS Trưng Vương, TP Việt Trì tổ chức ôn tập không thu tiền cho học sinh lớp 9.

Giải pháp thực hiện Thông tư 29

Thông tư 29 là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DT,HT. Nội dung Thông tư có nhiều quy định mới, cụ thể hơn so với trước đây, trong đó một số điểm mới quan trọng như: DT,HT trong nhà trường không được thu tiền và chỉ phục vụ các nhóm học sinh yếu (chưa đạt yêu cầu của chương trình), bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc ôn thi cuối cấp; giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh của mình được nhà trường phân công dạy chính khóa; quy định chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ dạy học thêm ngoài nhà trường...

Để đảm bảo hoạt động DT,HT được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, Sở GD&ĐT đã tăng cường kiểm tra tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện Thông tư 29. Đồng chí Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Qua kiểm tra bước đầu cho thấy, các cơ sở giáo dục phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã thực hiện nghiêm túc các quy định về DT,HT trong nhà trường, công khai kế hoạch tổ chức dạy thêm cho học sinh thuộc đối tượng quy định tự nguyện đăng ký học thêm. Không thu tiền của học sinh đăng ký học thêm trong nhà trường. Một số cơ sở giáo dục trích một phần kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp để hỗ trợ cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường; còn lại giáo viên tự nguyện tham gia giảng dạy không có kinh phí hỗ trợ; không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học.

Nhằm đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thành lập các trung tâm dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động của các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường cũng gặp không ít khó khăn do việc cấp phép cho các hộ kinh doanh cá thể mở cơ sở DT,HT hiện nay khá đơn giản và không có hành lang pháp lý cho các cơ sở này hoạt động. Ngoài ra, việc kiểm soát các điều kiện về bằng cấp, trình độ chuyên môn, không gian tổ chức dạy học, cơ sở vật chất cũng cần được các cấp, các ngành chức năng quan tâm kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người học.

Để quản lý hiệu quả dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Thông tư 29 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện hoạt động DT,HT đúng quy định. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, giám sát hoạt động DT,HT trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là chất lượng giờ học chính khóa; tiến hành các giải pháp đa dạng, linh hoạt và phù hợp với đơn vị để nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với đó, các nhà trường cần rà soát lại phân công chuyên môn, tận dụng số giờ của giáo viên chưa bố trí đủ định mức lao động để phân công dạy thêm cho học sinh; bố trí kinh phí chi cho DT,HT trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho các đơn vị hằng năm.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quan-ly-day-them-chat-che-huong-den-nen-giao-duc-tien-tien-231612.htm