Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần khuôn khổ pháp lý phù hợp
Tại các buổi hội thảo chuyên đề liên quan đến việc ứng xử cho các sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN), các đại biểu đều nhất quán đồng thuận TLLN đã là sản phẩm thuốc lá vì có chứa nguyên liệu thuốc lá. Mới đây nhất, trong một dự thảo báo cáo gửi Chính phủ, kể cả Bộ Y tế cũng xác nhận: TLLN có nguyên liệu thuốc lá.
Đưa thuốc lá làm nóng vào luật hiện hành
Đến nay, cơ sở pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thuốc lá là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL). Điều 2.1 của luật này nêu rõ: "Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác". Điều 2.3 bổ sung định nghĩa: "nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.
Theo đó, luật quy định chỉ xét đến thành phần nguyên liệu của sản phẩm để xác định là "thuốc lá”, không xét đến quy trình sản xuất hay cách sử dụng của từng loại sản phẩm khác nhau như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào... và các dạng khác, chẳng hạn như TLLN hiện nay. Hay nói cách khác, khi một sản phẩm được gọi là "thuốc lá” nếu sản phẩm có thành phần từ cây thuốc lá dù được chế biến dưới bất kỳ dạng nào và không có quy định về các phụ kiện đi kèm.
Từ cơ sở đó, khi căn cứ trên cơ chế hoạt động của TLLN, các chuyên gia đều đồng thuận đây là thuốc lá. Cụ thể, thay vì sử dụng bật lửa để đốt cháy trực tiếp nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu, TLLN sử dụng thiết bị làm nóng để chỉ làm nóng nguyên liệu thuốc lá ở một mức nhiệt độ giới hạn, nhằm không tạo ra phản ứng đốt cháy, từ đó tạo ra hàm lượng thấp hơn các thành phần gây hại.
Phát biểu trong một hội thảo về thuốc lá mới năm 2023, đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết: "Đối với TLLN thì chúng tôi khẳng định đó là sản phẩm thuốc lá, vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị để hút. Thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá”.
Mới đây, tại Hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới (TLTMH) tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" ngày 19/3 do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Cường , Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra quan điểm cá nhân cho rằng, định nghĩa về thuốc lá trong Luật PCTHTL là "hoàn toàn thích ứng, phù hợp với TLLN". "Không ai nói rằng TLLN không phải là thuốc lá!" - ông Cường nói.
Trước đó, tại tọa đàm "Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng" ngày 19/10/2023, ông Lê Đại Hải cũng khẳng định: "Luật PCTHTL của Việt Nam đã định nghĩa rõ các tiêu chí để xác định thế nào là thuốc lá. Theo đó, vì TLLN có cùng nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu; do đó, nếu áp dụng định nghĩa về thuốc lá được nêu trong Luật PCTHTL, đã có thể khẳng định TLLN là một loại thuốc lá”.
Quan điểm của WHO về thuốc lá làm nóng trong công ước quốc tế
Tại kỳ họp Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 10 (COP10) vào tháng 02/2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhắc lại định nghĩa "TLLN là thuốc lá”, đồng thời khuyến nghị các quốc gia cần thực hiện việc quản lý sản phẩm này theo luật quốc gia như kết luận từ kỳ họp COP8 năm 2018. Trong khuyến nghị hiện hành của tổ chức này đối với TLLN, không có bất kỳ khuyến nghị nào đề cập việc cần phải cấm TLLN. Thay vào đó, WHO đưa ra những hướng dẫn quản lý để giúp chính phủ nâng cao vai trò kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Tại hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" nêu trên, ông Nguyễn Chí Nhân - Trưởng ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam một lần nữa khẳng định: "Kể từ hội nghị COP8 năm 2018 của WHO, FCTC đã xác định TLLN là một loại thuốc lá. Bản thân WHO cũng không cấm và khuyến nghị các chính phủ quản lý theo luật quốc gia cũng như theo các quy định của FCTC", ông Nhân cho hay.
Đến nay, các bộ ngành vẫn chưa thống nhất điểm chung đối với hướng quản lý các sản phẩm TLLN, TLĐT. Về phía Bộ Y tế, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ trình lên Chính phủ, cũng như là gửi tất cả các bộ ngành, các đối tượng chịu sự tác động, trong đó có Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp thuốc lá để cùng đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tâm về các sản phẩm này, cũng như có các chính sách đề xuất trong tương lai. Theo đó, nếu như chúng ta cho phép kinh doanh có điều kiện thì có quản lý được hay không, còn nếu chúng ta cấm thì vấn đề gì sẽ xảy ra.
Chưa đồng tình với hướng tiếp cận cấm chung các sản phẩm thuốc lá mới, ông Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến: "Không nên lựa chọn theo hướng "không quản được thì cấm" mà cần đánh giá toàn diện các giải pháp. Nếu có đủ căn cứ khoa học cho rằng thuốc lá thế hệ mới gây tác hại ít hơn so với thuốc lá truyền thống thì tại sao lại cấm, bởi như vậy sẽ phải cấm cả thuốc lá truyền thống". Ông Cường cho biết thêm, đây cũng không phải là sản phẩm nằm trong danh mục cấm theo Luật Đầu tư.
Đến nay, số lượng các quốc gia hợp pháp hóa các sản phẩm này tăng cao hơn gấp nhiều lần so với số lượng các quốc gia ban hành lệnh cấm. Theo báo cáo toàn cảnh thuốc lá toàn cầu của WHO, tính đến tháng 7/2021, đã có 184/195 quốc gia thành viên quy định quản lý TLLN dưới luật hiện hành, phân loại là sản phẩm thuốc lá hoặc danh mục các sản phẩm khác.
Trong kỳ họp Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, ý kiến của Bộ Tư pháp là cần đánh giá sự tương thích của TLLN, TLĐT với định nghĩa của hệ thống luật hiện hành hiện nay. Theo đó, nếu có sản phẩm nào trong các sản phẩm thuốc lá mới trên thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP.
Cần có khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới
Ngày 19/3, tại Hà Nội, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách".
Hội thảo diễn ra với sự chứng kiến của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tổng cục Quản lý thị trường. Đặc biệt có sự tham gia của đại diện Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các chuyên gia kinh tế, xã hội. Nhằm cung cấp góc nhìn toàn cảnh về thị trường, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế - Thông tin - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, hiện nay thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách hiểu chưa đồng nhất về các dòng sản phẩm. Việt Nam hiện đang thiếu một khung pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm này, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Do đó, cần có sự đánh giá nghiêm túc từ các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này.
Hội thảo một lần nữa khẳng định tính cấp thiết cần phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Ban Tổ chức bày tỏ mong muốn những thông tin trình bày và thảo luận tại hội thảo sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật về thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/can-khuon-kho-phap-ly-phu-hop_161053.html