Quản lý trật tự đô thị: Lấp dần những khoảng trống
Không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), thời gian hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các cơ sở đã và đang góp phần quan trọng trong việc quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP. Từ công tác này, hàng loạt công trình vi phạm đã được các lực lượng chức năng xử lý kịp thời.
Nhiều điểm sáng
Từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa. Song sự phát triển “nóng” cũng khiến công tác quản lý trật tự đô thị, TTXD đối mặt với nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang quyết liệt trong việc tinh giản bộ máy hành chính, phần nào tạo ra những áp lực trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác này. Nhận thức được vấn đề đó, tại các cấp cơ sở đã đẩy mạnh việc thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… nên những khoảng trống đã dần được khỏa lấp.
Ông Lã Quang Thức – Chủ tịch UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông) cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực quản lý TTXD, Đảng ủy, HĐND, UBND phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ phường đến các tổ dân phố thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong công tác quản lý TTXD.
Đồng thời, UBND phường tăng cường phổ biến các quy định về pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đến các tổ chức chính trị xã hội, khu dân cư để người dân hiểu, giám sát các công trình xây dựng. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn có 910 công trình xây dựng được cấp phép, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt, yêu cầu 7 chủ đầu tư khắc phục theo đúng giấy phép.
Tại quận Hoàn Kiếm, nhờ việc thực hiện tốt quy chế dân chủ trong công tác quản lý TTXD, số lượng công trình xây dựng có phép trên địa bàn đã tăng lên theo từng năm. Cụ thể, nếu như năm 2015 con số này là 95%, thì đến 6 tháng đầu năm 2019, số công trình có phép đạt 99%.
Ông Vũ Tuấn Trung – Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm chia sẻ, để đạt được kết quả trên, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành công khai các văn bản của pháp luật, quy hoạch chi tiết 1/2000 và vùng phụ cận liên quan đến việc cấp phép xây dựng. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư công khai về giấy phép xây dựng, phối cảnh công trình, ghi rõ số tầng, diện tích… để người dân biết và giám sát.
Xử lý nghiêm để tạo niềm tin
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều quận, huyện, công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự đô thị, TTXD của TP Hà Nội. Tuy nhiên, để công tác này đem lại hiệu quả lâu dài, rất cần có những sự thay đổi đến từ chính sách cũng như lực lượng chức năng và người đứng đầu các đơn vị.
Dẫn chứng về việc này, ông Vũ Tuấn Trung – Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý TTXD trên địa bàn vẫn còn phát sinh một số vi phạm mà nguyên nhân chính đến từ chính các lực lượng chức năng khi chậm phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.
Để tạo sức răn đe, ngăn chặn các hành vi tái vi phạm, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành khiển trách 2 Chủ tịch UBND phường, cảnh cáo 2 Phó Chủ tịch UBND phường và kiển trách, cảnh cáo 5 Tổ trưởng Tổ Quản lý TTXD phường do thiếu trách nhiệm khiến vi phạm phát sinh.
Ông Nguyễn Hồng Thái - Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Thanh Xuân cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là việc xem xét trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, việc sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế là điều không thể thiếu, để từ đó nâng cao hiệu quả của công tác dân vận trong quản lý TTXD.
Theo ông Thái, hiện các văn bản pháp luật trong quản lý TTXD có sự thay đổi liên tục nhưng một số quy định chưa sát với thực tế khiến việc quản lý, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm còn gặp bất cập. Bên cạnh đó, chế tài xử lý, xử phạt chưa mạnh, thiếu sức răn đe nên nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm.
Ngoài ra, việc không áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm dẫn đến nhiều chủ đầu tư chây ì, không tự giác tháo dỡ phần công trình vi phạm…
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý TTXD, đô thị vào nền nếp, ngoài việc nâng cao công tác dân vận, cũng cần chú trọng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân trong xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai, giải tỏa đền bù GPMB... Qua đó, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, nổi cộm, mới hạn chế và tiến tới xóa bỏ "điểm nóng" về trật tự đô thị.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quan-ly-trat-tu-do-thi-lap-dan-nhung-khoang-trong-352282.html