Quan niệm 'ăn gì bổ nấy' có thực sự chính xác?
'Ăn gì bổ nấy' là quan niệm đã có từ lâu đời, được Đông y tán thành. Tuy nhiên, trước khi bồi bổ cho cơ thể, chúng ta cần lưu ý tới thể trạng của bản thân, tránh những thứ kị nhau.

Gan lợn chứa nhiều chất sắt, tốt cho quá trình tạo máu. Ảnh minh họa: F.S.
Từ “thiếu máu” chắc hẳn không còn xa lạ với đa số phái nữ. Một số người đang ngồi, sau đó đứng dậy đột ngột liền cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Khi gặp phải tình trạng này, họ sẽ hoài nghi: “Có phải mình đang bị thiếu máu hay không?”
Tây y định nghĩa thiếu máu là tình trạng số lượng tế bào hồng cầu trong máu giảm xuống dưới mức bình thường. Đông y giải thích thiếu máu là hiện tượng lượng huyết dịch không đủ, hoặc chức năng dưỡng ẩm và cung cấp dinh dưỡng của máu suy giảm dẫn đến các biến đổi bệnh lý như tay chân yếu ớt, chóng mặt, tinh thần bất an, dễ mệt mỏi, da vàng vọt xanh xao, sức đề kháng suy giảm…
Máu là vật chất cơ bản cho các hoạt động sống, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần, có thể nuôi dưỡng mọi cơ quan và mô của cơ thể. Nếu tình trạng thiếu máu không được khắc phục kịp thời, cơ thể sẽ rất khó phục hồi lại trạng thái khỏe mạnh ban đầu.
Khi các triệu chứng thiếu máu còn nhẹ, chỉ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tạng phủ tạo máu, dự trữ máu và lưu thông máu là có thể khôi phục. Trường hợp máu trong gan bị tiêu hao quá nhiều mà không được bổ sung kịp thời, các triệu chứng thiếu máu sẽ càng thêm trầm trọng, sức khỏe suy yếu, rất khó cải thiện.
Vì vậy, ngay khi phát hiện cơ thể không đủ khí huyết, cần có biện pháp xử lý nhanh chóng, tránh để tình trạng thiếu máu ngày càng tồi tệ hơn, ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
Có thể phân biệt mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu bằng cách theo dõi xem các biểu hiện có thường xuyên lặp lại hay không. Nếu các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, mất ngủ, tê bì tay chân… được cải thiện rõ rệt sau khi bổ sung thực phẩm bổ máu để cân bằng cơ thể, chứng tỏ người bệnh chỉ bị thiếu máu bình thường.
Nếu các triệu chứng này kéo dài và không thấy tiến triển tốt sau khi điều chỉnh, tức là đã phát triển thành thể chất thiếu máu, cần sử dụng các loại thuốc bổ huyết, sinh huyết để điều hòa cơ thể, kết hợp bổ sung dinh dưỡng thông qua thực phẩm. Liệu pháp ăn uống không chỉ đơn giản, hiệu quả mà còn tránh được các tác dụng phụ độc hại cho cơ thể, nhưng cần kiên trì thực hiện lâu dài.
Mọi người có thể tham khảo món canh gan heo kết hợp kỷ tử và củ mài. Nguyên liệu bao gồm: nửa gan heo, 30g kỷ tử, nửa củ mài và một ít muối.
Cách làm: Củ mài gọt vỏ, rửa sạch rồi thái lát, ngâm với nước muối loãng để tránh bị thâm đen. Rửa sạch gan heo, thái miếng mỏng, rửa qua nước sạch nhiều lần đến khi hết máu ứ bên trong.
Kỷ tử cũng rửa sạch để loại bỏ tạp chất. Sau đó, cho các nguyên liệu trên vào nồi, đổ một lượng nước vừa đủ, bật lửa lớn đến khi sôi chuyển sang lửa nhỏ rồi tiếp tục nấu trong khoảng 20 phút đến khi gan heo và củ mài chín. Nêm nếm bằng muối tinh để món ăn thêm đậm đà.
Ăn củ mài thường xuyên có thể bổ thận sinh tinh, thúc đẩy quá trình sinh hóa khí huyết, giúp cải thiện các triệu chứng suy nhược của tỳ vị. Tỳ vị khỏe mạnh, khí huyết sẽ không ngừng sinh hóa.
Trong Đông y có câu “ăn gì bổ nấy”, các nghiên cứu y học hiện đại cũng đã chứng minh gan heo rất giàu sắt và phốt pho, là nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu.
Vì vậy, ăn gan heo đúng cách có thể điều trị bệnh thiếu máu. Ngoài ra kỷ tử cũng giúp bồi bổ gan thận, không chỉ bổ âm dưỡng huyết mà còn tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Kết hợp ba loại trên với nhau sẽ tạo thành món canh bổ dưỡng, hỗ trợ sản sinh máu cho cơ thể.
Nguồn Znews: https://znews.vn/quan-niem-an-gi-bo-nay-co-thuc-su-chinh-xac-post1564652.html