Quán quân làng biển
Vừa kết thúc chuyến biển cuối cùng trong năm, ngư dân Đặng Ngọc Sơn (50 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) phấn khởi kể, tôi cùng anh em bạn thuyền vươn khơi 3 chuyến biển. Mỗi chuyến câu được 180 tấn mực xà tươi. Sau khi phơi khô còn lại 60 tấn, bán được hơn 10 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi bạn thuyền được khoảng 200 triệu đồng, còn chủ tàu gần 1,5 tỷ đồng.
Sinh ra ở làng chài có truyền thống hành nghề câu mực xà ở ngư trường Trường Sa, cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, chủ tàu Đặng Ngọc Sơn đi biển từ năm 17 tuổi. Hơn 30 năm lênh đênh đánh bắt ở vùng biển xa bờ đã giúp ông Sơn trui rèn bản lĩnh, kinh nghiệm dò tìm những vị trí nhiều mực xà trú ngụ. Nhờ vậy, sản lượng mực xà câu được của tàu ông luôn ở mức cao.
Bình quân mỗi năm ông Sơn cùng bạn thuyền vươn khơi 3 chuyến biển (từ 70 - 80 ngày/chuyến) và đều đặn câu được từ 180 - 230 tấn mực xà tươi/chuyến. Thu nhập mang lại từ nghề không chỉ giúp ông có được nhà cửa khang trang, lo cho vợ con cuộc sống ấm no, đủ đầy, mà 36 bạn thuyền gắn bó cùng ông cũng đều có thu nhập ổn định ở mức 180 - 230 triệu đồng/năm. Nhờ thu nhập khá từ nghề mà ông Sơn tiếp tục đầu tư hiện đại hóa tàu cá. Trên tàu cá của ông có máy định vị phục vụ đánh bắt, máy lọc nước biển thành nước ngọt trị giá hơn 100 triệu đồng để chủ động nguồn nước sinh hoạt giữa biển khơi. “Có máy lọc nước, anh em ngư dân chúng tôi đỡ vất vả, không phải dùng nước dè sẻn như trước đây. Không chỉ phục vụ nấu ăn, chúng tôi còn dùng tắm, giặt để đảm bảo sức khỏe”, ngư dân Mai Văn Sinh, thuyền viên trên tàu ông Sơn kể.
Bám biển dài ngày, ông Sơn không để tàu mình vươn khơi đơn độc. Từ 5 năm nay, ông Sơn cùng 3 chủ tàu khác là Nguyễn Văn Hạnh (52 tuổi), Nguyễn Tấn Cải (50 tuổi), Bùi Minh Long (31 tuổi) đã lập thành tổ đoàn kết trên biển và cùng nhau vươn khơi. Đoàn kết, dẫn dắt, hỗ trợ nhau trên biển đã giúp 4 chủ tàu cá này có nhiều mùa đánh bắt bội thu.
“Nghề câu mực xà thời gian bám biển dài hơn so với các tàu khác, nên việc đối mặt với dông gió, rủi ro cũng tăng lên. Vì vậy, chúng tôi liên kết đi biển cùng nhau để kịp thời hỗ trợ khi tàu bị sự cố. Hoặc cùng sẻ chia nước uống, lương thực hoặc chỉ vị trí câu mực, khi một trong 4 tàu phát hiện được luồng mực số lượng lớn. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt của 4 tàu năm nào cũng gần bằng nhau. Tình anh em trên biển và ở bờ cũng khăng khít, bền chặt lắm”, ngư dân Nguyễn Tấn Cải sẻ chia.
Năm 2023, giá ốc hương trên địa bàn tỉnh ở mức 390 nghìn đồng/kg tại hồ, cao gần gấp đôi so với mọi năm. vì vậy mà nhiều người nuôi ốc hương thắng lớn, khi sản lượng và giá cả đều tăng.
Tại huyện Mộ Đức, nơi có diện tích nuôi ốc hương trên cát nhiều nhất tỉnh, người nuôi ốc tại đây vẫn trầm trồ kể với nhau về ông chủ trại ốc hương Lê Châu, ở xã Đức Phong vừa thu về lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng.
Có mặt tại hồ nuôi ốc từ 7 giờ sáng để đo độ mặn của nước, ông Lê Châu (49 tuổi), ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong bộc bạch, mọi năm, mỗi ký ốc hương (100 con/kg), thường dao động từ 180 - 190 nghìn đồng. Với mức giá này, nếu kết quả nuôi thuận lợi, không gặp dịch bệnh, thì sau khi trừ chi phí, người nuôi ốc hương lãi từ 30 - 40 nghìn đồng/kg. Riêng năm 2023, giá ốc hương 390 nghìn đồng/kg, sản lượng ốc thu về tại 14 hồ nuôi của tôi cũng đạt mức cao. Vậy nên, sau khi trừ chi phí, tôi lãi ròng hơn 8 tỷ đồng. Đây là mức thu nhập cao nhất của tôi trong suốt 7 năm theo đuổi nghề nuôi ốc hương.
Từng có thâm niên 14 năm làm thợ mộc, năm 2003, ông Châu rẽ ngang sang nghề nuôi trồng thủy sản. Thời điểm ấy, con tôm thẻ chân trắng vừa “bén duyên” ở các xã ven biển Mộ Đức và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nhiều người. Nghĩ rằng có thể sống khỏe nhờ con tôm, nhiều cư dân ven biển lúc đó đã đồng loạt “chạy” theo nghề nuôi tôm trên cát. “Chỉ khi dấn thân vào nghề tôi mới biết nghề nuôi tôm không thực sự dễ như tôi và nhiều người nghĩ. Năm 2003, tôi thu về gần 700 triệu đồng chỉ sau 2 vụ nuôi kéo dài chừng 6 tháng. Đây là số tiền rất lớn với người dân quê tôi ở thời điểm đó. Nhưng từ năm 2007 trở về sau, thời hoàng kim của con tôm chấm dứt. Môi trường dần suy thoái, dịch bệnh liên tục bủa vây con tôm. Người nuôi tôm thấm đòn, phải chấp nhận bỏ hoang hồ”, ông Châu trầm ngâm.
Năm 2016, ông Châu quyết định trở lại với nghề nuôi trồng thủy sản. Nhưng thay vì chọn con tôm, ông Châu chuyển sang nuôi ốc hương, một loại thủy sản còn khá xa lạ với người nuôi trồng thủy sản Quảng Ngãi lúc ấy. “Ngày đó, hầu hết các hồ tôm tại Đức Phong đều bỏ hoang. Tôi cùng một số anh em tất bật sửa lại hồ, mang những con ốc hương giống đầu tiên thả xuống hồ nuôi. Những tuabin sục khí ô xy đầu tiên bắt đầu quay đều trên các hồ nuôi đầy ăm ắp nước biển”, ông Châu cười bảo.
Bảy năm gắn bó với nghề, “tỷ phú ốc hương” Lê Châu không ngừng cải tiến trang thiết bị phục vụ nuôi trồng. Bên cạnh vận hành liên tục hệ thống sục ôxy, ông Châu còn trực tiếp đo độ mặn của nước theo từng ngày và tập trung khử khuẩn, đảm bảo môi trường xung quanh hồ nuôi để hạn chế dịch bệnh. Nghề nuôi ốc hương không chỉ giúp ông Châu có được thu nhập cao, mà còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương. Ngoài mức lương 8 triệu đồng/người/tháng, ông Châu còn chia cho các lao động khoảng 10% lợi nhuận hằng năm. Ông Châu bảo, đây là cách để ông vừa giữ chân lao động, vừa khuyến khích họ nỗ lực cống hiến và không ngừng trau dồi, nâng cao tay nghề để cùng ông hướng đến nghề nuôi trồng thủy sản hiện đại, bền vững.
Bài, ảnh: Ý THU
Trình bày: Q.DUYÊN
Xuất bản lúc: 09:27, 08/01/2024