Quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ học nghề, tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, góp phần thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội và bảo đảm an sinh xã hội.
Huyện Khoái Châu tổ chức lễ đón thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương
Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng từ 1.600 đến 1.700 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Lực lượng này được rèn luyện trong môi trường quân đội, có tính tự giác, kỷ luật, đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đây được xem là lực lượng lao động có chất lượng nếu được qua trường, lớp đào tạo sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-UBND ngày 13/6/2019 về việc ban hành danh mục nghề, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện (Quyết định số 1313). Theo đó, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, có nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh sẽ được miễn học phí học nghề ở trình độ sơ cấp với mức hỗ trợ kinh phí cao nhất bằng 10 tháng lương tối thiểu gồm chi phí đào tạo, tiền đi lại, tiền ăn. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản gửi các cơ quan liên quan, các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, trong đó có đối tượng bộ đội, công an xuất ngũ hoàn thành nghĩa vụ; tham mưu xây dựng định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp áp dụng cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trên 70 nhóm ngành nghề đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên đáp ứng tốt nhu cầu học nghề của người lao động nói chung và quân nhân xuất ngũ nói riêng. Từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho từ 450 đến 600 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Cùng với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) các huyện, thị xã, thành phố cũng làm tốt việc hướng dẫn quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ, xuất ngũ về địa phương làm thủ tục như đăng ký học nghề. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, căn cứ theo nguyện vọng, các quân nhân xuất ngũ sẽ được cấp thẻ học nghề. Thẻ học nghề có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp bao gồm hỗ trợ của Nhà nước về chi phí trong quá trình học nghề. Anh Phạm Văn Luật, sinh năm 1995 ở xã Đức Thắng (Tiên Lữ) cho biết: Trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự, tôi cũng như nhiều người khác trong đơn vị chưa có bằng cấp, tay nghề, kinh nghiệm nghề nghiệp. Đầu năm 2018, sau khi xuất ngũ và được cấp thẻ học nghề, tôi tham gia lớp học nghề sửa chữa điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề số 3 – Bộ Quốc phòng (đóng tại thành phố Hải Phòng). Lớp học nghề của tôi có nhiều bộ đội xuất ngũ là người của tỉnh Hưng Yên. Quá trình học, tôi cùng các học viên được hỗ trợ chi phí đào tạo. Sau khóa học, đến nay, tôi đã tự mở được cửa hàng sửa chữa điện lạnh tại gia đình với mức thu nhập bảo đảm cuộc sống.Cùng với dạy nghề, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ cũng có nhiều chuyển biến. Ngoài Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình tư vấn việc làm cho bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Thượng tá Chu Đức Thuần, Chính trị viên Ban CHQS huyện Yên Mỹ cho biết: Hằng năm, huyện đều tổ chức lễ đón thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về xây dựng quê hương. Tại buổi lễ, Ban CHQS huyện phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín trực tiếp đến tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho bộ đội xuất ngũ; thông tin cụ thể các chế độ, chính sách và quyền lợi bộ đội xuất ngũ được hưởng sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Cùng với đó, Ban CHQS huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức hiệu quả các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho bộ đội xuất ngũ, trong đó có Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đại An (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ). Mỗi năm, công ty tuyển dụng khoảng 120 quân nhân xuất ngũ vào làm việc, trong đó có 40 quân nhân xuất ngũ thuộc huyện Yên Mỹ. Anh Nguyễn Trí Tuệ, sinh năm 2000 ở xã Giai Phạm (Yên Mỹ) cho biết: Năm 2021, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi được giới thiệu và tiếp nhận vào làm việc tại Cơ sở nội thất ô tô Sáng Vịnh (xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ). Vốn được học nghề từ trước khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi tiếp nhận vào làm việc, tôi đã đáp ứng được yêu cầu công việc, với mức lương hằng tháng đạt 10 triệu đồng. Với mức thu nhập này, tôi đã bảo đảm được cuộc sống của gia đình.
Bộ đội xuất ngũ được tiếp nhận vào làm việc tại Cơ sở nội thất ô tô Sáng Vịnh (xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ)
Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những chính sách ưu việt, mang lại nhiều hiệu quả, ý nghĩa thiết thực thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bội đội xuất ngũ, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho quân nhân, bộ đội xuất ngũ; phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tìm “đầu ra”, giúp bộ đội xuất ngũ được tuyển dụng, có việc làm ổn định.