Quan trọng vẫn là năng lực, uy tín của tổ chức Công đoàn

Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ quan trọng nhằm tập hợp người lao động (NLĐ) vào tổ chức Công đoàn để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới nhận định, thời gian qua, tổ chức Công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và CĐCS tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công đoàn phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp (DN). Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ tiếp tục được đổi mới, đa dạng hóa, hướng về cơ sở. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, NLĐ, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội…

Nghị quyết số 02-NQ/TW đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 13,5 triệu đoàn viên; năm 2030 có 16,5 triệu đoàn viên và đến năm 2045, hầu hết NLĐ tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, những hạn chế trong công tác phát triển đoàn viên, CĐCS cần phải được khắc phục. Cụ thể như: công tác phát triển đoàn viên, CĐCS chưa tương xứng với tốc độ phát triển của DN, NLĐ; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của CĐCS còn hạn chế. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, NLĐ có mặt chậm được đổi mới. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, NLĐ có mặt còn hạn chế...

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, cả nước có 15 triệu đoàn viên Công đoàn, thành lập tổ chức CĐCS ở 100% các DN có từ 25 lao động trở lên. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các DN ngoài khu vực nhà nước là một trong 3 khâu đột phá được đại hội xác định triển khai có hiệu quả.

Như vậy, để đạt được những mục tiêu này, việc đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ có ý nghĩa quyết định. Do đó, nếu muốn thu hút được đông đảo NLĐ tham gia vào tổ chức của mình, Công đoàn phải thực sự là tổ chức uy tín, quy tụ được đoàn viên và NLĐ. Tổ chức Công đoàn cần nghiên cứu, triển khai các phương thức, mô hình tập hợp đoàn viên, NLĐ; tăng cường vận động, thuyết phục để NLĐ nâng cao hiểu biết, tự nguyện tham gia; đổi mới quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, thiết thực…

Quan trọng nhất, Công đoàn phải cho thấy được năng lực thực sự của mình trong việc chăm lo, bảo vệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại nơi làm việc. Ở đâu có NLĐ, ở đó có tổ chức Công đoàn.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202405/quan-trong-van-la-nang-luc-uy-tin-cua-to-chuc-cong-doan-f1f3643/