Quán xét bảy khía cạnh đối với năm uẩn
Năm uẩn có thể được hiểu là toàn bộ sự sống của mỗi chúng sanh. Trong đó sắc uẩn thuộc về thân, còn lại thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn thuộc về tâm. Năm uẩn là một trong những giáo lý quan trọng hàng đầu của Phật giáo.
Ngay từ những bài pháp đầu tiên, Đức Phật đã giảng dạy những vấn đề liên quan đến năm uẩn. Hiểu biết về năm uẩn, hành giả sẽ dễ dàng hơn trong lộ trình tu tập giải thoát.
Khái quát về năm uẩn
Từ “khandha” có nghĩa là nhóm, khối, tập hợp…, Hán dịch là “uẩn”. Năm uẩn có nghĩa là năm nhóm về các pháp hữu vi, bao trùm toàn thể thế giới vật chất và tinh thần. “Mỗi vật chi trên thế gian này, dầu có hình tướng, dầu không hình tướng đều thuộc về những chi tiết của ngũ uẩn cả”1.Tuy nhiên, năm uẩn có thể mang đến sự ngăn che khiến chúng sanh không thể nhận biết rõ sự thật về các đối tượng.
Năm uẩn bao gồm sắc (thân thể), thọ (cảm xúc), tưởng (tri giác), hành (tâm hành), thức (nhận thức). Năm yếu tố nêu trên có thể được chia thành hai phần là sắc pháp và danh pháp, trong đó sắc pháp tương ứng với sắc uẩn, danh pháp tương ứng với các uẩn còn lại.
Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn. Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì… phàm có tưởng gì… phàm có các hành gì, phàm có thức gì… Những cái này, này các Tỷ-kheo, được gọi là năm uẩn”2.
Chấp thủ năm uẩn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khổ đau. Khi nói về Khổ Thánh đế, Đức Thế Tôn giảng giải: “Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, sanh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ: sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; oán gặp nhau là khổ; ái biệt ly là khổ; cầu không được là khổ; tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”4.Bởi lẽ, con người chấp thủ năm uẩn là “tôi” rồi tham đắm và nuôi dưỡng nó. Thế nhưng, con người thực chất là sự giả hợp của năm uẩn, trong đó không có cái “tôi” thật sự và bất biến.
Sắc uẩn là cơ thể, được cấu tạo từ bốn yếu tố là đất (chất rắn), nước (chất lỏng), lửa (nhiệt độ), gió (chất khí). Sắc do thức ăn nuôi dưỡng, nó không phải một thực thể độc lập, mà là sự tập hợp từ nhiều yếu tố.
Thọ là cảm xúc của con người trước các đối tượng, hình thành từ sự tiếp xúc giữa sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Thọ uẩn có ba trạng thái chính là tích cực, tiêu cực và trung tính. Tất cả các cảm thọ hình thành đời sống tâm lý của mỗi cá nhân.
Tưởng là tri giác, nhận biết tổng quát đối tượng dựa trên những kiến thức đã tích lũy được. Chức năng của tưởng là phân tích, so sánh, sắp xếp, đặt tên… cho các đối tượng. Đời sống luôn vô thường, biến đổi không ngừng nghỉ, nhưng tri thức kinh nghiệm của con người thường mang tính khuôn khổ, do vậy dễ rơi vào sự nhìn nhận sai lầm.
Hành là sự vận hành của tâm, thể hiện qua những suy tư để đưa ra một hành động cụ thể, nhằm phản ứng lại các sự việc đang xảy ra. Đây là nhân tố quyết định nghiệp, vì nó thúc đẩy con người thực hiện các hành động thiện hoặc ác. Hành uẩn được xem như ý chí trong đời sống của chúng ta.
Thức là sự nhận thức các đối tượng thông qua các giác quan. Nói cách khác, thức là sự phản chiếu thế giới hiện thực trong tâm con người. Sự nhận thức phụ thuộc phần lớn vào những mặc định mà chúng ta đã quy ước sẵn từ trước. Thức (còn gọi là tâm) kết hợp với bốn uẩn còn để hình thành sự vận hành linh động.
Khi con người chấp thủ vào uẩn được gọi là thủ uẩn. Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại… hoặc xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là sắc thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì…, được chấp thủ; đây được gọi là năm thủ uẩn”3.
Chấp thủ năm uẩn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khổ đau. Khi nói về Khổ Thánh đế, Đức Thế Tôn giảng giải: “Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, sanh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ: sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; oán gặp nhau là khổ; ái biệt ly là khổ; cầu không được là khổ; tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”4.Bởi lẽ, con người chấp thủ năm uẩn là “tôi” rồi tham đắm và nuôi dưỡng nó. Thế nhưng, con người thực chất là sự giả hợp của năm uẩn, trong đó không có cái “tôi” thật sự và bất biến.
Tuy nhiên, nguồn gốc của chấp thủ năm uẩn có từ đâu? “Bạch Thế Tôn, chấp thủ ấy là năm thủ uẩn ấy hay chấp thủ ngoài năm thủ uẩn?”. Đức Như Lai trả lời: “Này Tỷ-kheo, chấp thủ ấy không tức là năm thủ uẩn ấy và chấp thủ cũng không phải ngoài năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ”5.
Tu tập đối với năm uẩn
Bản chất của năm uẩn là vô thường, khổ đau, vô ngã. Do đó trong tu tập, Đức Thế Tôn hướng dẫn chúng ta cần biết rõ bảy khía cạnh đối với năm uẩn bao gồm: uẩn, tập khởi, đoạn diệt, con đường đưa đến đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. Nói cách khác, thấu hiểu năm uẩn có nghĩa là thấu hiểu bảy khía cạnh này.
Đức Thế Tôn dạy rằng: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo biết rõ sắc, biết rõ sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt, biết rõ vị ngọt của sắc, biết rõ sự nguy hiểm của sắc, biết rõ sự xuất ly của sắc… biết rõ thọ… biết rõ tưởng… biết rõ các hành… biết rõ thức, biết rõ thức tập khởi, biết rõ thức đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt, biết rõ vị ngọt của thức, biết rõ sự nguy hiểm của thức, biết rõ sự xuất ly của thức”6.
Trong đó:
- Thắng tri năm uẩn: Biết rõ năm uẩn đúng với bản chất vốn có của chúng.
- Thắng tri năm uẩn tập khởi: Biết rõ nguyên nhân khiến cho năm uẩn xuất hiện.
- Thắng tri năm uẩn đoạn diệt: Biết rõ nguyên nhân khiến cho năm uẩn đoạn diệt.
- Thắng tri con đường đưa đến năm uẩn đoạn diệt: Biết rõ con đường đi đến sự giải thoát khỏi khổ đau nơi năm uẩn.
- Vị ngọt của năm uẩn: Những yếu tố từ năm uẩn mà sanh khởi, khiến cho chúng sanh hân hoan.
- Sự nguy hiểm của năm uẩn: Những khổ đau mà chúng sanh phải gánh chịu do năm uẩn mang lại.
- Sự xuất ly khỏi năm uẩn: Sự nhiếp phục và đoạn tận tham dục đối với năm uẩn.
Trong bảy khía cạnh cần xem xét đối với năm uẩn, bốn khía cạnh đầu được gọi là bốn chuyển, có thể nói đó chính là quán xét Tứ Thánh đế trong năm uẩn. Tỳ-kheo Bodhi cho rằng, năm uẩn là lời giới thiệu cuối cùng về Khổ Thánh đế, mà cả Tứ Thánh đế đều xoay quanh khổ, cho nên thấu hiểu về uẩn là điều cần thiết để thấu hiểu Tứ Thánh đế7.
Ở đây, hành giả cần biết rõ năm uẩn là gì, bản chất của chúng và sự cấu thành con người từ năm uẩn. Sự tập khởi của năm uẩn là các yếu tố để tạo ra năm uẩn. Sự đoạn diệt của năm uẩn phản ánh tính vô thường. Con đường đưa đến năm uẩn đoạn diệt là Bát Thánh đạo gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Vị ngọt của năm uẩn là những gì khiến cho thân và tâm thoải mái, dễ chịu, sung sướng. Tuy nhiên, đi liền với vị ngọt là sự nguy hiểm, nói cách khác là mặt trái của năm uẩn. Bởi, con người không nhận ra năm uẩn là sự giả hợp, không có thật, không bền vững… rồi lầm tưởng năm uẩn là “tôi”. Đó chính là vị ngọt và sự nguy hiểm của năm uẩn. Cuối cùng, xuất ly là sự chấm dứt những ham thích đối với năm uẩn.
Như đã nói, tham dục là nguồn gốc của sự chấp thủ năm uẩn. Nói rộng hơn, theo quan niệm Phật giáo, tham dục là nguồn gốc của tất cả khổ đau trong cuộc đời, cả đối với chính mình lẫn người khác. Tôn giả Sá̄ntideva (Tịch Thiên) nhận định: “Bất cứ nơi nào xung đột xảy ra giữa các chúng sanh, ý thức chiếm hữu là nguyên nhân”8.Trong đó, rõ ràng lòng mong cầu những sự tốt đẹp về năm uẩn là điểm khởi đầu.
Chỉ khi nào tâm hết vô minh, không còn cho rằng năm uẩn là mình, không còn tham ái đối với năm uẩn, khi đó những phiền não, khổ đau, sanh tử, luân hồi… mới chấm dứt10.Để đạt được điều đó, con người cần nhận thức rõ về uẩn, tập khởi, đoạn diệt, con đường đưa đến đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. Nói cách khác, chúng ta cần liễu tri về năm uẩn, điều đó đưa đến sự giải thoát khổ đau.
Bản chất năm uẩn không làm cho ai đau khổ hay vui vẻ, mà chính là sự chấp thủ của con người, đưa đến chính họ phải vướng bận về sự tồn tại, vận hành, tăng trưởng của năm uẩn9.Vì vô minh, con người không nhìn rõ bản chất và sự vận hành của năm uẩn trong mỗi chúng ta, do đó dẫn đến đồng hóa năm uẩn là “tôi”. Như vậy, một mặt con người chịu sự chi phối của năm uẩn, mặt khác chúng ta xem sự vận hành của năm uẩn là bản thân mình.
Từ sự đồng hóa đó, con người say đắm vào năm uẩn và tìm cách thỏa mãn năm uẩn. Bằng mọi giá, chúng ta cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để năm uẩn phát triển tốt đẹp. Con người dành trọn cả đời sống để nuôi dưỡng năm uẩn, nói đúng hơn là nuôi dưỡng lòng tham muốn về năm uẩn. Không những vậy, chúng ta còn tìm kiếm năm uẩn mới ở một kiếp sống mới, khi năm uẩn của kiếp sống hiện tại kết thúc.
Chỉ khi nào tâm hết vô minh, không còn cho rằng năm uẩn là mình, không còn tham ái đối với năm uẩn, khi đó những phiền não, khổ đau, sanh tử, luân hồi… mới chấm dứt10.Để đạt được điều đó, con người cần nhận thức rõ về uẩn, tập khởi, đoạn diệt, con đường đưa đến đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. Nói cách khác, chúng ta cần liễu tri về năm uẩn, điều đó đưa đến sự giải thoát khổ đau.
Chúng ta có thể nương vào kinh điển để nắm rõ bảy khía cạnh cần xem xét đối với năm uẩn. Tuy nhiên, để thật sự liễu tri, mỗi người cần sử dụng trí tuệ của chính mình để quán xét, để từ đó đi đến đoạn tận tham, sân, si. Sự hiểu biết thông qua những kiến thức được học hỏi là nền tảng cần thiết, nhưng đó chưa phải là liễu tri. Liễu tri là nhận biết chính xác về năm uẩn và ứng dụng để chuyển hóa khổ đau thành an lạc. Điều này phải đạt được thông qua sự tu tập.
Hòa thượng Thích Chơn Thiện nhận định: “Chúng ta không làm chủ con người năm uẩn, nhưng với trí tuệ, chúng ta có thể làm chủ việc đón nhận khổ đau hay hạnh phúc. […] Nếu sự thật của khổ đau và hạnh phúc chính là khát ái hay loại trừ khát ái về con người, cuộc đời thì quả thực giáo lý năm uẩn đã mở ra cho con người một phương trời tự do, giải thoát trước mặt”11.
Kết luận
Năm uẩn là những yếu tố căn bản cấu thành sự sống của chúng sanh, trong đó có con người. Tuy nhiên, năm uẩn không phải là nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người, trái lại sự dính mắc của con người vào năm uẩn mới thật sự là nguồn gốc của khổ đau. Tính chất tham, sân, si của con người suy cho cùng là tham, sân, si đối với những trạng thái mà chúng ta mong muốn về năm uẩn. Bởi thế, nếu thấu hiểu về năm uẩn một cách rốt ráo, mỗi người không chỉ có thể nhận ra bản chất và sự vận hành của cuộc sống, mà còn nhờ đó nỗ lực tu tập để giải thoát khỏi sự chấp thủ vào năm uẩn.
---------------------------------
1 Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb.Tổng Hợp TP.HCM, tr.23.
2 Kinh Tương ưng bộ (2013), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, tr.677-678.
3 Kinh Tương ưng bộ (2013), Tập I, Sđd, tr.678.
4 Kinh Tương ưng bộ (2013), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, tr.783.
5 Kinh Tương ưng bộ (2013), Tập I, Sđd, tr.725.
6 Kinh Tương ưng bộ (2013), Tập I, Sđd, tr.690.
7 Bhikkhu Bodhi (2005), In the Buddha’ word: An anthology of discourses from the Pāli canon, Wisdom Publications, tr.305-306.
8 Peter Harvey (2000), An introduction to Buddhist ethics, Cambridge University Press, tr.239.
9 Thích Giác Minh (2019), Liễu tri năm uẩn, Nxb.Hồng Đức, tr.9.
10 Chơn Tín Toàn (2017), Tóm tắt năm uẩn, Nxb.Hồng Đức, tr.11.
11 Thích Chơn Thiện (2018), Phật học khái luận, Nxb. Hồng Đức, tr.244.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/quan-xet-bay-khia-canh-doi-voi-nam-uan-post70710.html