Quảng bá du lịch Tam Đường trên nền tảng mạng xã hội

Huyện Tam Đường đã và đang tận dụng tối đa công nghệ để quảng bá du lịch, lan tỏa nhanh những địa điểm du lịch, bản sắc văn hóa của 12 dân tộc trên nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, du lịch Tam Đường khởi sắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch, những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ huyện Tam Đường và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa gắn với phát triển du lịch chuyển biến mạnh mẽ. Văn hóa truyền thống các dân tộc được gìn giữ và phát huy. Các lễ hội truyền thống được duy trì, phát triển.
Nhiều di sản văn hóa của huyện đã trở thành các sản phẩm du lịch thu hút khách tham quan: Lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông), Lễ hội Xòe Chiêng (dân tộc Thái), Lễ hội Sú Khon Khoài (dân tộc Lự). Huyện cũng đã phát triển nhiều loại hình du lịch: cộng đồng, tâm linh, nghỉ dưỡng, tham quan và đặc biệt là loại hình du lịch treckking ngày càng được ưa chuộng.
Với nhiều ngọn núi cao kỳ vĩ, hang động đẹp như đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m với núi non hùng vĩ, rừng hoa đỗ quyên đẹp như bức tranh; đỉnh Tả Liên Sơn cao 2.996m với những cung đường, lối đi được trải thảm bởi hoa trà cổ thụ trắng muốt, lá phong đỏ rực xen lẫn rêu xanh… Chinh phục các đỉnh núi cao, khám phá các hang động đẹp là để trải nghiệm, để hiểu hơn về những giá trị mà thiên nhiên mang lại cho con người, để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, vượt qua chính mình là xu thế hiện nay.

Những địa điểm đẹp được du khách check-in đưa lên mạng xã hội giúp lan tỏa nhanh các điểm du lịch tới nhiều người, thu hút đông đảo khách du lịch đến với huyện Tam Đường.

Những địa điểm đẹp được du khách check-in đưa lên mạng xã hội giúp lan tỏa nhanh các điểm du lịch tới nhiều người, thu hút đông đảo khách du lịch đến với huyện Tam Đường.

Trước đây, muốn nhìn thấy những miền đất lạ thường phải đến tận nơi khám phá, trải nghiệm hoặc thông qua những hình ảnh người thân, bạn bè ghi lại nhưng hiện nay chỉ cần lướt web, tìm kiếm theo “từ khóa” một địa điểm là có hàng trăm thông tin, hình ảnh, video hiện ra chỉ sau vài cái nhấp chuột. Đặc biệt, các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, tại Việt Nam mạng xã hội được người dân sử dụng phổ biến nhất là: zalo và facebook. Tận dụng những ưu điểm của mạng xã hội, huyện Tam Đường đẩy mạnh quảng bá du lịch như: xây dựng các fanpage chính thống của huyện: Du lịch Tam Đường; Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Đường, Bản sắc Tam Đường, Trên đỉnh Hoàng Liên… để đăng tải các hình ảnh, bài viết, video về các địa điểm du lịch, nét đẹp văn hóa của 12 dân tộc trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Trọng Thi - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Đường cho biết: “Tam Đường được thiên nhiên ban tặng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều đỉnh núi cao hùng vĩ với rừng hoa đỗ quyên cổ thụ tập trung trên núi PuTaLeng có diện tích lớn nhất Việt Nam cùng bản sắc văn hóa độc đáo của 12 dân tộc. Cùng với việc quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, huyện đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo). Một số địa điểm du lịch phủ sóng trên mạng xã hội thời gian qua: hoa đỗ quyên trên đỉnh núi PuTaLeng, guồng nước Bản Bo; bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, đồi thông Tả Lèng… Những năm gần đây, nhờ tốc độ phát triển của mạng xã hội, du khách trong và ngoài tỉnh biết và tìm đến tham quan, trải nghiệm ngày một đông, đây là cách thức quảng bá thuận tiện, hiệu quả. Đặc biệt là nhờ tính năng được người dùng yêu thích trên các trang mạng là “check-in” - hình thức giới trẻ sử dụng hình ảnh để đánh dấu mình đã đến nơi này đã giúp cho việc quảng bá du lịch tạo hiệu ứng lớn. Những năm gần đây, Tam Đường khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Lai Châu”.
Fanpage Bản sắc Tam Đường do UBND huyện Tam Đường xây dựng hiện có 5,9 nghìn lượt thích và 8 nghìn người theo dõi, đây là nơi kết nối văn hóa - du lịch của 12 dân tộc trên địa bàn huyện. Anh Bạc Cầm Thanh - quản trị fanpage Bản sắc Tam Đường cho biết: “Để bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, fanpage được xây dựng cuối năm 2022. Hằng ngày, chúng tôi đăng tải các bài viết, hình ảnh, trailer… với những status ngắn gọn, xúc tích để thu hút sự chú ý của độc giả. Nhiều bài viết được độc giả quan tâm với các bình luận, lượt chia sẻ rất cao. Cách quảng bá du lịch trên nền tảng mạng xã hội rất hiệu quả, tạo sự tiếp cận tới người dân rất nhanh chóng, độ phủ sóng rộng rãi. Từ đó lượng khách tới du lịch Tam Đường những năm gần đây đông hơn, nhất là trong dịp Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ I năm 2024 với chủ đề “Về miền đỗ quyên” vừa qua”.
Ứng dụng nền tảng mạng xã hội trong quảng bá du lịch vừa thu hút du khách, mở rộng thị trường, tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Trong khi cách thức truyền thông cũ đã bắt đầu đi vào lối mòn thì việc quảng bá du lịch trên nền tảng mạng xã hội đang là xu thế hiện nay, cần tiếp tục phát triển và có những cách làm sáng tạo hơn nữa để du lịch Tam Đường “cất cánh”.

Phương Thanh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/qu%E1%BA%A3ng-b%C3%A1-du-l%E1%BB%8Bch-tam-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-tr%C3%AAn-n%E1%BB%81n-t%E1%BA%A3ng-m%E1%BA%A1ng-x%C3%A3-h%E1%BB%99i