Quảng bá đưa hương sen Tây Hồ vươn xa

Mỗi năm vào tháng 6, khi những búp sen bắt đầu nở rộ, cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen (phường Quảng An, Tây Hồ) tất bật vào vụ làm trà. Với người dân nơi đây nghệ thuật ướp trà sen là niềm say mê, niềm tự hào. Để giữ gìn nghề, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ phối hợp với các ban, ngành triển khai các đề án khôi phục, phát triển nghề truyền thống.

Gìn giữ hương trà sen

Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, quanh năm dập dềnh, lượn sóng, mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen. Giống như một vùng đất dành riêng cho loài hoa này, sen Hồ Tây có màu sắc và hương thơm đặc biệt hơn các vùng đất khác.

Tháng 6, khi những búp sen bắt đầu nở rộ, cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen.

Tháng 6, khi những búp sen bắt đầu nở rộ, cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen.

Mùa sen ở Hồ Tây bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến tháng 8 hằng năm. Đây cũng là mùa duy nhất để các nghệ nhân ở Quảng An hái sen về ướp trà. Từ tờ mờ sáng, khi trời đất còn nồng vị sương, người làm trà sen đã chèo con thuyền nhỏ ra giữa hồ thu lượm những đóa sen hàm tiếu, chúm chím ủ hương suốt đêm. Nắng lên, con thuyền đầy ắp hương thơm và sắc hồng rực rỡ trở về, hứa hẹn một mẻ trà ngậm hương sen nồng đượm…

Nhắc đến trà sen Hồ Tây là nhắc đến niềm tự hào, nét đặc trưng trong văn hóa thưởng thức trà của người Hà Nội. Với người dân nơi đây, làm trà không hẳn vì lợi nhuận kinh tế mà họ muốn lưu giữ nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa tinh tế của người Hà Nội.

Trò chuyện với nghệ nhân Ngô Văn Xiêm - người từng mang chè sen phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, được tặng thưởng nhiều Bằng khen cho thương hiệu trà sen Quảng An, mới biết nghề hái sen ướp trà cũng lắm công phu, phải lựa các bông hoa sen to, đóa hoa phải vừa mới nở miệng, hái sen phải trước lúc mặt trời lên thì hương sen mới tròn...

Nhấp chèn trà nóng, ông Xiêm kể, đến đời con ông, gia đình ông đã có 5 đời làm trà sen. Trước đây, các cụ chỉ ướp trà để uống, đãi bạn và làm quà biếu mỗi dịp lễ, Tết. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều người tìm đến trà sen như một món quà quý của Hà Nội để làm quà biếu, khiến nhu cầu tăng cao, khi đó ông mới phát triển nghề của gia đình phục vụ nhu cầu của thị trường.

“Ngay từ nhỏ, tôi đã biết tách cánh, phơi nhụy, xem bố mẹ ướp trà. Cứ thế, nghề ướp trà “ngấm” vào tôi lúc nào không biết. Đến giờ, tôi làm trà sen vì đam mê chứ không đặt nặng chuyện kinh doanh lỗ, lãi. Nghề này vốn nhiều vất vả, thức khuya, dậy sớm, phải nâng giấc cho từng mẻ trà sấy bằng phương pháp thủ công, những ngày nắng nóng, ít người chịu được sức nóng trong lò sấy than củi để sấy trà, bởi vậy, nhiều hộ đã bỏ nghề. Nếu không tâm huyết thì không thể theo đuổi được nghề này. Biết nghề nhiều vất vả, nhưng tôi vẫn muốn giữ nghề của gia đình, hiện tại tôi truyền bí quyết làm trà cho hai con trai và con dâu để các con tiếp tục gìn giữ”, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm bộc bạch.

Người dân phường Quảng An (quận Tây Hồ) vẫn miệt mài gìn giữ nghề làm trà sen truyền thống.

Người dân phường Quảng An (quận Tây Hồ) vẫn miệt mài gìn giữ nghề làm trà sen truyền thống.

Nghệ thuật ướp trà sen là niềm say mê, niềm tự hào của người dân phường Quảng An, bởi thế mà từ đời này sang đời khác, nghề truyền thống ấy vẫn được tiếp nối như giữ lại một giá trị tinh túy cho mảnh đất và con người nơi đây. Vẫn là cách làm hoàn toàn thủ công, vẫn những nguyên liệu thơm ngon nhất, cùng bí quyết gia truyền đã tạo nên món quà độc đáo mang hương vị sen Hồ Tây.

Chia sẻ về bí quyết tạo nên thương hiệu trà sen Quảng An, bà Lưu Thị Hiền (người gắn bó với nghề ướp trà sen) bộc bạch: “Nghề ướp trà sen khô rất kì công, vất vả, không phải ai cũng làm được. Đòi hỏi người làm phải có tâm, yêu nghề chứ không thể chạy theo lợi nhuận kinh tế. Người làm phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy. Chúng tôi làm trà sen hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu”.

Đưa hương sen lan tỏa

Mặc dù nghề ướp trà sen của phường Quảng An ngày càng có chỗ đứng vững trên thị trường, tuy nhiên, khi nhắc đến việc gìn giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân trong làng vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi lẽ, những năm gần đây, vùng nguyên liệu làm trà sen trở nên khan hiếm, giá hoa bị đẩy lên cao khiến người làm trà gặp nhiều khó khăn, không ít gia đình đã phải chuyển nghề khác. Môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, số lượng hoa sen quanh hồ ngày càng ít, cùng đó, với phương pháp làm thủ công, tạo nhiều áp lực, nên thế hệ trẻ theo nghề cha ông không nhiều. Do đó, dù đã trở thành nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Hà thành, nhưng nghệ nhân nơi đây lo lắng trà sen Tây Hồ sẽ dần bị mai một.

Nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và xây dựng thương hiệu trà sen đặc trưng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp cùng Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ triển khai đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen Tây Hồ, trước mắt là tại một số hồ nhỏ trên địa bàn quận.

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, nhiều đời gắn bó với nghề làm trà sen.

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, nhiều đời gắn bó với nghề làm trà sen.

Sau quá trình khảo sát, UBND quận Tây Hồ đã lựa chọn 2 hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ thuộc phường Quảng An để triển khai đề án “Khôi phục, phát triển trồng cây sen trên một số hồ nhỏ xung quanh khu vực Hồ Tây”, với tổng diện tích trồng sen khoảng 7ha. Trong tháng 4, tháng 5/2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tiến hành 3 đợt hỗ trợ quận Tây Hồ tổng số 7.000 cây giống sen Bách diệp. Trung tâm cũng cung cấp vật tư để hai hộ dân tham gia Đề án tiến hành trồng sen tại hai hồ; mỗi hồ 3.500 cây giống. Các hộ dân được tập huấn, phổ biến kiến thức trồng và chăm sóc sen.

Đặc biệt, nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của sen, loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt, từ ngày 12 - 16/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội.

Sự kiện gồm gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; khu tiểu cảnh trang trí sự kiện; khu ẩm thực vùng miền; khu trải nghiệm về sản phẩm sen (tranh, ảnh, sơn mài, vải, thơ ca từ xưa đến nay). Cùng với đó là không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm: Hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen, sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội...

“Lễ hội Sen Hà Nội 2024 là sự kiện văn hóa ý nghĩa, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội đến với du khách trong và ngoài nước. Lễ hội cũng là dịp để người dân Hà Nội và du khách được đắm chìm trong vẻ đẹp thanh tao của hoa sen, trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống và thưởng thức những món ăn ngon từ sen”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương chia sẻ.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quang-ba-dua-huong-sen-tay-ho-vuon-xa-172648.html