Quảng bá tín ngưỡng thờ Mẫu: Hấp dẫn nhưng phải đảm bảo tính thiêng

Nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu bị chỉ trích khi chỉ mang tính nghệ thuật mà không đảm bảo tính thiêng của loại hình di sản phi vật thể này. Vì vậy, cần quan tâm, xây dựng các sản phẩm, chương trình này trên tinh thần hài hòa tính thiêng và tính nghệ thuật.

Trải nghiệm mới mẻ

Chương trình trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tâm - Đẹp - Vui do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện, dưới sự tư vấn của các chuyên gia văn hóa, tín ngưỡng nhằm tôn vinh nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu và quảng bá văn hóa truyền thống đến công chúng trong và ngoài nước.

Một số chương trình giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu không phù hợp nhận về nhiều chỉ trích từ cộng đồng thực hành tín ngưỡng.

Một số chương trình giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu không phù hợp nhận về nhiều chỉ trích từ cộng đồng thực hành tín ngưỡng.

Với 90 phút trải nghiệm, khán giả sẽ đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từng ngưỡng cửa dẫn lối đến thế giới tín ngưỡng thờ Mẫu. Không gian trải nghiệm được mô phỏng giống khung cảnh đền, điện. Điều đầu tiên du khách cảm nhận được là không khí trang nghiêm trước các vị thánh, thần. Trước khi thưởng thức diễn xướng, các giá hầu đồng, du khách sẽ được xem video khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu, sau đó tìm hiểu những trang phục hầu đồng. Phần trình diễn khăn chầu áo ngự mở màn cho các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Du khách được thưởng thức nghệ thuật hát văn, các loại nhạc cụ và âm nhạc trong nghi thức hầu đồng, xem diễn xướng chầu Bé, giá Ông Hoàng Mười, Cô đôi Thượng ngàn, thưởng thức ẩm thực tinh hoa Hà Nội... Tất cả sự sắp đặt này mang đến không gian trải nghiệm văn hóa, đánh thức mọi giác quan về nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Không gian tại khu trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xây dựng trong hơn 12 năm qua đảm bảo cho phần trải nghiệm chân thực hơn.

Lần đầu tiên tham gia trải nghiệm, Đinh Hương Thảo, sinh viên trường ĐH Ngoại thương cho biết, gia đình có truyền thống đi lễ vào các ngày rằm, mồng Một, nhưng Thảo vẫn chưa hiểu hết các vị thần, thánh được thờ, lai lịch của các vị ra sao, tại sao họ lại được thờ trong đền, điện, phủ. Sau khi trải nghiệm, Hương Thảo đã hiểu thêm về hệ thống các vị thần, thánh của Việt Nam, rộng hơn là tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. “Đặc biệt chương trình trải nghiệm được thiết kế, bố trí trong không gian Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi trưng bày hình ảnh những người phụ nữ, những người mẹ trên khắp cả nước - tôi nghĩ rằng sẽ càng tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu”, Đinh Hương Thảo chia sẻ.

Tiến sĩ, NNƯT Nguyễn Đức Hiển thực hiện nghi lễ hầu đồng trong chương trình trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tâm - Đẹp - Vui.

Tiến sĩ, NNƯT Nguyễn Đức Hiển thực hiện nghi lễ hầu đồng trong chương trình trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tâm - Đẹp - Vui.

Tổng đạo diễn Nguyễn Xuân Thanh Tùng nói rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam qua những nhân vật vừa mang màu sắc huyền thoại, truyền thuyết, vừa có bóng dáng lịch sử. Dù đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần của người dân Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng, hát văn… Chính điều này đã thôi thúc ông xây dựng chương trình trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tâm - Đẹp - Vui.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn. Hầu đồng không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, niềm hân hoan và vẻ đẹp trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu.

“Hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Những người lên đồng (thanh đồng) hóa thân thành các vị thánh thể hiện sắc diện và động tác đặc trưng trong không gian văn hóa thiêng của buổi lễ. Người tham dự trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của các vị thánh, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát văn về sự tích, công trạng của các vị anh hùng dân tộc trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể của nhân loại từ năm 2016. Thờ Mẫu có nguồn gốc từ sự kính ngưỡng, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ, có quyền năng sáng tạo và bảo trợ cho sự sống của con người, như trời, đất, sông nước, rừng núi...

Không thể bỏ quên tính thiêng

Thực tế, nhiều trường hợp quảng bá, giới thiệu nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chưa phù hợp, bị cộng đồng thực hành tín ngưỡng chỉ trích, do không đảm bảo tính thiêng.

GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, cần tìm đúng hướng quảng bá di sản, bởi mỗi di sản văn hóa phi vật thể có đặc thù riêng. Trong quá trình quảng bá di sản cần quan tâm đến nguyên tắc đạo đức dành cho bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt trong việc mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Không gian thiêng và không gian thế tục của nơi thờ tự cần được chú trọng khi xem xét, đánh giá hoạt động mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể.

Tiến sĩ, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Đức Hiển, giám đốc chuyên môn của chương trình trải nghiệm tín ngưỡng thờ Mẫu Tâm - Đẹp - Vui nói rằng, từng lo sợ khi nhiều chương trình diễn xướng nghi thức thờ Mẫu bị cộng đồng phản ứng do không đảm bảo được tính thiêng. Tính thiêng là điều vô cùng quan trọng trong diễn xướng nghi thức thờ Mẫu. Tính nghệ thuật xếp sau tính thiêng. “Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có sẵn không gian thiêng, có ban thờ như trong đền hoặc trong phủ. Khi ông đồng, bà đồng diễn xướng hay hầu ở trước ban thờ sẽ cảm nhận đầy đủ trách nhiệm của mình, hầu theo đúng lề lối", nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển nêu.

Những người làm chương trình luôn cố gắng kết hợp hài hòa hầu theo lối cổ, thể hiện tinh hoa nghệ thuật, biểu cảm gương mặt, động tác, âm nhạc đậm tính nghệ thuật. “Đặc biệt, trang phục dù vẫn được thiết kế theo lối cổ nhưng đã được kết hợp thêm một chút yếu tố đương đại để tạo sự gắn kết gần gũi với công chúng hiện đại, nhất là thế hệ trẻ”, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển chia sẻ.

Trong lần đầu ra mắt công chúng, Ban tổ chức tự thấy không tránh khỏi một vài thiếu sót. Đại diện Ban tổ chức mong nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp của du khách để chương trình ngày càng hoàn thiện hơn, đưa Bảo tàng Phụ nữ trở thành điểm đến cho những người muốn tìm hiểu về diễn xướng, nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Cần tham khảo ý kiến Cục Di sản văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, di sản rất quan trọng nhưng mong manh trước sự thay đổi của thời cuộc. Ông đề xuất các địa phương khi tổ chức các sự kiện liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, cần có sự tham vấn đối với Bộ VHTTDL thông qua Cục Di sản văn hóa. “Đây không phải di sản có thể tổ chức ở đâu, làm gì cũng được, vì vậy sự nhạy cảm của các địa phương phải thể hiện qua tham vấn các cơ quan của Bộ VHTTDL”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

GIA LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quang-ba-tin-nguong-tho-mau-hap-dan-nhung-phai-dam-bao-tinh-thieng-post1645476.tpo