Quảng Bình là nhà tôi...
'Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà!'. Ngày 13-10-2013, dân quê Quảng Bình đã đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nhà như ông hằng mong muốn. Ngôi nhà nhỏ của gia đình Đại tướng bình dị và khiêm nhường nằm bên sông Kiến Giang, thôn An Xá, xã Lộc thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hàng chè tàu trước ngõ vẫn xanh. Và cây khế hơn 100 tuổi mỗi mùa sang vẫn đều đặn đơm hoa kết trái. Từ ngày Đại tướng về quê, con ngõ vào nhà không khi nào vắng tiếng những bước chân...
Ông Võ Đại Hàm là cháu của Đại tướng, được sống với gia đình Đại tướng từ nhỏ, năm 1978 lại được giao trông coi ngôi nhà cho đến nay nên trong ông luôn ăm ắp nhưng hồi ức yêu thương về Người. Ngôi nhà xưa không cũ, mộc mạc mà ngời sinh khí, bình dị mà ngăn nắp chu toàn. Chúng tôi ngồi bên hiên nhà. Khoảng sân nhỏ phía trước ngập nắng. Bầy gà con líu ríu theo mẹ kiếm ăn cho tôi cảm giác nơi này rất đỗi bình yên.
Ông Hàm nói rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn nhắc đến lời dạy của Bác Hồ "Dĩ công vi thượng". Dẫu sự nghiệp có nhiều thay đổi nhưng Đại tướng chưa bao giờ thay đổi. Một lần ông về quê, trong bữa cơm mời những người bạn đồng niên và bà con, có một vài người lên tiếng phản đối này nọ về công việc Đại tướng được giao thời kỳ đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một dịp về thăm quê nhà.
Đại tướng im lặng lắng nghe rồi điềm tĩnh nói rằng: "Các chú, các bác đã nói hết chưa? Hết rồi thì cho tôi nói. Mình làm cách mạng thì đừng chọn việc. Và đặc biệt tôi là một đảng viên, Đảng giao nhiệm vụ gì thì cố gắng làm cho tròn... Nên các chú, các bác đừng nặng nề lắm. Nhất là các chú các bác đảng viên, việc của thôn xóm thì phải lao vào mà làm cho tốt, không nên nghĩ là làm ông Chủ nhiệm, làm ông Bí thư thì mới làm, còn các ông dưới đội dưới làng thì không làm".
Có người cho rằng chắc Đại tướng nói theo tinh thần của Đảng. Rất từ tốn, Đại tướng lại nói: "Tất nhiên tôi là người của Đảng thì tôi theo chủ trương của Đảng. Nhưng tôi nói với bà con ở đây là nói thực lòng tôi, không phải là nói khách sáo cho qua chuyện. Mỗi người nên cố gắng làm nhiệm vụ của mình cho tốt chứ đừng chọn việc...".
Sau lần đó không thấy ai nhắc lại câu chuyện về công việc của Đại tướng nữa, mọi người càng tự hào và quý trọng ông gấp bội. Nhân bữa cơm hôm đó, ông cũng nhắc nhở con cháu trong dòng họ: "Nhà mình đây có công với cách mạng, toàn gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng cả nhưng đừng ỷ thế. Nhà nước đang khó khăn, mỗi người nên chịu một ít. Có những lúc Nhà nước không có gì để đãi ngộ cho người có công thì bây giờ dần dần đã có rồi nên đừng kiêu căng, coi ta đây là những người có công với nước thì Nhà nước phải đãi ngộ. Phải tự lực mà làm ăn, tìm cách mà làm ăn. Con cháu của dòng họ mình đừng để nghèo hơn người khác và phải gương mẫu hơn mọi người khác".
Nghe lời ông, con cháu gia đình Đại tướng và trong dòng họ ở An Xá tuyệt nhiên không ai có ý dựa thế, cậy quyền mà tất cả đều tự lực cánh sinh, đi lên bằng bàn tay và khối óc của chính mình.
Nghỉ hưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều thời gian về quê hơn. Ông không quan cách, ông đi phương tiện gì cũng được, miễn là về nhà. Trước không có máy bay thì ông đi ôtô, đi tàu hỏa. Mặc dù tỉnh Quảng Bình luôn luôn đón tiếp ông chu đáo nhưng Đại tướng ít khi nghỉ lại khách sạn do Ủy ban tỉnh bố trí mà thường ở nhà, sống với dân quê, ăn cơm quê. Đại tướng về là cả làng chộn rộn. Trong mỗi gia đình chộn rộn. Ai cũng mặc bộ áo quần đẹp nhất, trang trọng nhất ra đón chào ông. Còn Đại tướng thì chẳng bao giờ cho xe chạy vào ngõ, kể cả khi sức khỏe ông đã yếu. Ông bảo lái xe dừng ngoài bến để ông đi bộ vào nhà. Bước xuống xe là ông hòa vào giữa mọi người.
Xa quê rất lâu nhưng ông không lạ với người quê, bởi dù đi chân trời, góc biển, giọng nói ấm áp của người Lệ Thủy nơi ông vẫn không hề phai lạt. Đêm, hai ông bà ngủ trong căn buồng nhỏ, vạc tre, chiếu cói, gối mây; con cháu và anh em cần vụ cũng quây quần quanh đó. Ông ăn uống đạm bạc thanh tao, không thích lắm đọi nhiều bát, sơn hào hải vị mà chỉ thích những món ăn dân giã: Cá ruộng kho khô, cá rô thóc rán, canh khế, rau muống xào, rau khoai luộc chấm nhút tép đồng... Buổi sáng, ông chỉ ăn một quả trứng vịt lộn là đủ.
Người ta nói rằng, đất Lệ Thủy là đất sinh sôi nên tất cả những thức ấy lúc nào cũng có sẵn ngoài cánh đồng, trong vườn nhà. Ông Võ Đại Hàm nói: "Đại tướng giản dị và đạm bạc. Trong nhà có chi dùng nấy. Con cháu ăn chi ông ăn nấy. Chúng tôi chẳng bao giờ phải vất vả vì phục vụ ông". Có một việc mà Đại tướng không bao giờ quên mỗi lần về nhà là dù có bận rộn mấy đi nữa, ông cũng nhắc con cháu làm cơm mời các cụ cao tuổi và xóm giềng. Các cụ ngồi bàn trên. Con cháu ngồi chiếu dưới. Bữa cơm có hương vị tình thân luôn luôn là bữa cơm ngon nhất. Biết Lệ Thủy là vùng trũng, thiên nhiên khắc nghiệt nên không bao giờ Đại tướng quên hỏi mọi người tình hình lụt bão và đời sống bà con.
Ngõ vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình.
Ông Võ Đại Hàm kể với tôi những câu chuyện về Đại tướng trong dòng hồi ức chan chứa yêu thương, ông nói rằng: "Quê nghèo, Đại tướng thương dân nhưng ông biết ông không giúp được chi nhiều nên chỉ nhắc bà con phải tìm cách làm kinh tế, duy trì và phát triển các nghề truyền thống như chiếu cói An Xá, rượu gạo Tuy Lộc, mở rộng đất đai ra phá Hạc Hải để phát triển nông nghiệp".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự, nhà chính trị xuất sắc nhưng ông đời thường và hóm hỉnh. Anh em phóng viên báo chí tỉnh Quảng Bình vẫn còn kể mãi câu chuyện chụp ảnh Đại tướng. Dịp đó ông về quê, ông bắt tay từng người dân trong làng ra đón, thấy anh em chụp ảnh nhiều quá, ông nhắc: "Các chú chụp là phải có ảnh nhé. Người nào có mặt trong ảnh thì phải có ảnh. Chứ không phải chỉ chụp cho tôi còn bà con thì cứ chụp chụp cho có đâu". Đại tướng nói đùa nhưng cũng là một lời nhắc nhở. Nhờ vậy mà hiện nay, nhiều gia đình ở An Xá có ảnh chụp chung với Đại tướng treo trang trọng trong nhà, nhất là các cụ cao tuổi.
Đại tướng đặc biệt thích nghe hát hò khoan Lệ Thủy. Những đêm ông ở nhà, cả khoảng sân phía trước trở thành sân khấu. Thông thường, Phòng Văn hóa Thông tin huyện được giao chủ trì chương trình này và các nghệ nhân hò khoan sẽ đến hát ông nghe. Nhưng không hẹn mà gặp, nhân dân An Xá, Tuy Lộc và các làng lân cận cứ tự nhiên mà đến rất đông. Với bà con, Đại tướng là người thân của tất cả nên có ai ngại ngần gì đâu mà không đến, là để thăm ông một chút, gặp ông một chút hay chí ít được đứng từ xa nhìn ông một chút. Từ xa, vì bà con vòng trong vòng ngoài đông quá, len chân vào không đặng, chứ chẳng ai cấm đoán gì.
Người Lệ Thủy vốn tình cảm và lãng mạn, nghe hò khoan là tâm hồn bay bổng, trái tim rạo rực, huống gì đêm nay có Đại tướng ở nhà. Đó là những đêm hò khoan đặc biệt, ranh giới giữa diễn viên và khán giả không còn. "Khoan ơi khoan mời bạn khoan là hò khoan...". Đại tướng ngồi trên bậc thềm, vỗ tay hòa nhịp vào những điệu hò quê hương dặt dìu và sâu lắng. Điệu hò quê hương đưa ông về những kỷ niệm ấu thơ, ông như được hòa vào dòng nước Kiến Giang trong vắt, như được đi chân trần trên cánh đồng Lộc Thủy, như được chống thuyền trôi trên phá Hạc Hải mênh mông. Đại tướng xúc động. Rất nhiều người vừa hò vừa khóc.
Những đêm diễn sẽ không kết thúc nếu không vì sức khỏe của Đại tướng. Có hôm kéo dài đến một, hai giờ sáng bà con mới tần ngần ra về. Sợ Đại tướng mệt, huyện Lệ Thủy phải thông cảm với mọi người cho thời gian đến 10 giờ thôi để ông còn nghỉ. Ông về nhà không được lâu, chỉ tầm khoảng hai ba ngày. Chừng đó thời gian không bao giờ đủ cho người An Xá bày tỏ hết tình cảm, nên khi Đại tướng ra đi luôn luôn là một cuộc chia tay xúc động. Cả làng đứng hết ra đường, vây quanh Đại tướng, ai cũng muốn gần ông, cầm tay ông. Biết ông thích món ăn quê nhà, nên ai làm được gì là mang đi biếu ông nấy, người chục trứng vịt, người cân tép đồng khô hay gói cá khô, người chục bát gạo nếp, chai dầu tràm... những món quà sâu nặng ân tình, ấm áp làng quê.
"Quảng Bình là nhà tôi...!". Yêu thương đến vậy nên Đại tướng đã trở về!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/quang-binh-la-nha-toi--i623942/