Quảng Hòa tập trung hỗ trợ sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản
Huyện Quảng Hòa quan tâm, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản, trong đó chú trọng về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Một số đề xuất và hoạt động triển khai bước đầu có những tác động tích cực trong phát triển sản xuất của địa phương.
Quảng Hòa là một trong những huyện có nhiều làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận gồm các sản phẩm đường phên Bó Tờ, rèn Phúc Sen, giấy bản Quốc Dân, hương Phja Thắp, nón lá Hoàng Diệu, ngói đất nung Lũng Rì... Những năm gần đây, một số làng nghề truyền thống đã cải tiến kỹ thuật, công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nên sản phẩm ngày càng được thị trường, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích, tiêu thụ với số lượng lớn. Các làng nghề huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn. Hiện nay, ước tính có 322 hộ tham gia hoạt động nghề, 757 lao động tham gia hoạt động các làng nghề. Từ nỗ lực vươn lên của các làng nghề truyền thống đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ước tính số doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 26,55 tỷ đồng/năm.
Thực hiện cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, trong đó, định hướng phát triển nghề truyền thống, làng nghề gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)”, một số nghề, làng nghề truyền thống đã được bảo tồn, phát triển ở dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ gia đình; một số sản phẩm trở thành hàng hóa bán ra thị trường, trong đó có sản phẩm đường phên Bó Tờ, dao Phúc Sen - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, các sản phẩm của huyện đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, voso.vn, nongnghiep.caobang.gov.vn, tham gia hội chợ OCOP... giúp hợp tác xã, hộ kinh doanh tìm kiếm đối tác trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm đường phên Bó Tờ (Quảng Hòa) được nhiều người tin dùng.
Từ năm 2023, huyện quan tâm, định hướng và xúc tiến các hoạt động hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực, đặc hữu, đặc trưng của địa phương thông qua việc hỗ trợ phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, như: Triển khai thực hiện thủ tục hồ sơ trình công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống và xây dựng, tạo lập, xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của làng nghề. Điển hình như Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Phúc Sen” cho các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen, huyện Quảng Hòa” đã và đang triển khai thực hiện từ 2023 - 2025. Để khẳng định thương hiệu và gìn giữ, phát huy kinh tế làng nghề, làng nghề ở Phúc Sen ngày càng mở rộng và phát triển. Nghề rèn thu hút và tạo việc làm cho gần 300 lao động nông thôn với 140 lò rèn, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, hằng năm mang lại thu nhập cho địa phương hơn 18 tỷ đồng; thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Các đề tài, dự án khoa học công nghệ được đặt hàng triển khai đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện, nâng cao giá trị các hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện như: Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây mác púp tại tỉnh Cao Bằng”; Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh cải tạo vùng chè Đoỏng Pán gắn với chế biến một số sản phẩm chè xanh chất lượng cao tạo sản phẩm OCOP tại xã Độc Lập”; Dự án “Hoàn thiện mô hình sản xuất, nâng cao giá trị chế biến cho sản phẩm đường phên của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng” mới được phê duyệt thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương còn nhiều lúng túng, chưa xác định được các giải pháp đồng bộ tổ chức theo hướng như: Quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu một cách bền vững để tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm vẫn chưa có thương hiệu, các cơ sở sản xuất thiếu sự quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã nhãn hiệu hàng hóa, nên sản phẩm chưa tiếp cận được với người tiêu dùng, làm hạn chế khả năng phát triển quy mô sản xuất cũng như tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Hòa Hoàng Trung Kiên cho biết: Để khắc phục những hạn chế trên, huyện cần được hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý thông qua việc đặt hàng triển khai các dự án thuộc “Đề án Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Cao Bằng đến năm 2030” cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trên địa bàn huyện như: sản phẩm đường phên, hương thắp, giấy bản, ngói máng âm dương, hay các sản phẩm thuộc ngành nghề thủ công mỹ nghệ, đan lát... Qua đó, góp phần hỗ trợ huyện trong việc định hình, định hướng trong xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, cũng như bảo tồn, khai thác, phát triển các loại đặc sản, vùng sản xuất nguyên liệu cho các đặc sản trên địa bàn giúp người sản xuất sản phẩm có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng; tăng doanh số và lợi nhuận; đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi.