Quảng Nam 'hồi sinh' sông Trường Giang
Sau nhiều năm bị bồi lấp và lấn chiếm, sông Trường Giang gần như không còn được khai thác. Tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến để hồi sinh sông Trường Giang một cách bài bản, biến nó thành động lực phát triển kinh tế vùng phía Đông.
Con sông huyết mạch đang bị chặn dòng
Quảng Nam có tổng số 443,5km đường thủy, trong đó trục chính dài 112km nối từ cửa Kỳ Hà qua sông Trường Giang đến Cửa Đại và đoạn hạ lưu sông Thu Bồn, sông Cổ Cò đến Cửa Hàn. Đây không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu dân cư, khu kinh tế lớn của tỉnh Quảng Nam mà còn là tuyến giao thông trọng điểm, ngắn nhất kết nối các đầu mối quan trọng như bến Hội An, cảng Kỳ Hà.
Sông Trường Giang có đầu phía Bắc đổ ra biển tại cửa Đại, phía Nam đổ ra biển tại cửa Lở (vịnh An Hòa). Sông có chiều dài khoảng 67km. Sông nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía Nam. Sông không phân chia thượng lưu, hạ lưu.
Nguồn nước của Trường Giang được thu nhận từ hai hệ thống sông này. Ngoài ra, sông Trường Giang còn có các lưu vực sông Duy Vinh, sông Bà Rén, sông Tam Kỳ và sông An Tân và Hồ thủy lợi Phú Ninh là hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung và đứng thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh thoát lũ qua sông Trường Giang.
Vào mùa nước lũ, nhất là lúc lụt lớn thì dòng chảy chủ yếu phụ thuộc vào mức nước dâng của hai hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ - An Tân. Vào mùa cạn, dòng chảy sông Trường Giang phụ thuộc thủy triều lên xuống. Khi thủy triều lên, nước đổ vào các cửa và chảy theo hai chiều đối nghịch, khi thủy triều xuống thì nước lại rút ra biển theo hướng ngược lại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc phát triển ồ ạt các đầm nuôi trồng thủy sản và đập Cổ Linh (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) đã làm cho lòng sông bị cạn kiệt, lạch bị thu hẹp nghiêm trọng, tàu thuyền không đi lại được, khu vực ven sông bị ngập dài khi nước lũ về.
Sông Trường Giang hiện nay một phần bị bồi tích nên dòng khá cạn, một phần đang bị xâm hại rất nghiêm trọng để làm các ao nuôi tôm, nhiều đoạn sông chỉ còn là con lạch nhỏ. Bề rộng sông bé nhất nhiều đoạn chỉ còn 15-30m, các đoạn khác sông rộng hơn từ 60-160m. Chiều sâu luồng tàu chạy các đoạn tốt nhất khoảng 1-1,2m; Tuy nhiên có nhiều đoạn đã bị bồi lắng, hầu như không giao thông thủy được như: đoạn từ cầu Bình Đào đến đập Cổ Linh (Km16-km31) do lòng sông bị bồi cạn và thu hẹp nên đoạn này gần như không có dòng chảy; và đoạn từ cầu Hạ Thanh đến cầu Tam Tiến (km43-km50) dòng sông bồi cạn sâu khoảng 0,4-0,7m và hoạt động nuôi trồng thủy sản lấn chiếm lòng sông.
Để “giải cứu” sông Trường Giang, góp phần tăng khả năng thoát lũ cho khu vực phía Đông của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án “Nạo vét, thoát nước khẩn cấp sông Trường Giang”, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2010. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa triển khai do không thu xếp được vốn.
Giờ đây, sau nhiều năm bị bồi lấp và lấn chiếm, sông Trường Giang gần như không còn được khai thác. Với tiềm năng kinh tế đáng kể, trong đó có phát triển du lịch, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch luồng sông theo tiêu chuẩn cấp IV để khôi phục tuyến đường thủy quan trọng này.
Làm bài bản từ A đến Z để “thông mạch”
Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ thống nhất phê duyệt dự án Nạo vét sông Trường Giang. Đây là một hợp phần của Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, sử dụng vốn vay WB (Ngân hàng Thế giới) và vốn trong nước.
Đây là những cơ sở để tỉnh Quảng Nam xúc tiến phát triển trở lại sông Trường Giang một cách bài bản để trở thành động lực phát triển kinh tế vùng phía Đông của tỉnh (với nhiều sông và biển).
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – từ đầu năm nay đã có nhiều buổi làm việc cũng như khảo sát thực tế để thực hiện đề án này. Ông muốn phát triển bài bản không chỉ sông Trường Giang mà còn những con sông khác như Thu Bồn, Tam Kỳ, Vĩnh Điện, Bến Vàng và Cổ Cò. Và năm 2021 là thời điểm thích hợp để Quảng Nam bắt đầu xúc tiến quy hoạch và phát triển hoàn chỉnh những con sông này để có được một chỉnh thể thống nhất.
Điều mà ông Thanh luôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những buổi làm việc này là thực hiện phát triển có bài bản, có quy hoạch và chuẩn bị tốt rồi mới kêu gọi đầu tư, chứ không được “đi theo vết xe đổ” của một vài dự án là phân lô bán nền và kêu gọi đầu tư khi chưa có quy hoạch bài bản.
Những quy hoạch này không chỉ là quy hoạch chung vùng Đông cũng như tại các địa phương. Đơn cử, tại huyện Thăng Bình, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 theo định hướng lấy khu vực dọc theo sông Trường Giang đến ven biển ưu tiên phát triển các ngành du lịch – dịch vụ; khu vực dọc sông Trường Giang đến dọc đường cao tốc ưu tiên phát triển công nghiệp – dịch vụ, là vùng động lực của huyện, làm nhiệm vụ kết nối, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng lân cận. Hay trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng ven biển và dọc theo sông Trường Giang, từ phía đông sân bay Chu Lai đến thành phố Tam Kỳ và kéo dài đến Hội An sẽ là các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp.
Và theo ông Thanh, để bắt đầu nạo vét để phát triển lại giao thông thủy, du lịch và đời sống, cảnh quan 2 bên sông Trường Giang, đoàn công tác của Ngân hàng thế giới và tư vấn từ Hà Lan đến vùng sông Trường Giang khảo sát và đánh giá trong nhiều tháng. Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đã lấy ý kiến người dân và nhận được sự đồng thuận về giải phóng mặt bằng và chấp nhận chuyển đổi nghề sau này (người dân sẽ được tham gia các hoạt động kinh tế, du lịch trên sông).
Sau khi hoàn thành nạo vét cũng như quy hoạch lại việc mưu sinh 2 bên bờ sông vào năm 2026-2027, tỉnh Quảng Nam mới bắt đầu kêu gọi đầu tư ven sông Trường Giang, thu hút những dự án đầu tư lớn trên 100ha. “Chỉ có những dự án lớn mới đảm bảo sự phát triển đồng bộ nơi đây và hình thành khu đô thị, dịch vụ đạt đẳng cấp quốc tế,” ông Thanh giải thích và chia sẻ thêm sẽ hạn chế giao đất ra đến mép biển, đảm bảo yếu tố quyền tiếp cận không gian biển của người dân và an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ làm việc với các nhà đầu tư hiện hữu ở vùng lân cận phát triển các điểm du lịch cộng đồng để kéo dài thời gian khách lưu trú cũng như tổ chức các điểm bán hàng OCOP (mỗi địa phường một sản phẩm) cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật.
“Quảng Nam sẽ lấy cốt lõi phát triển bền vững, xanh, văn hóa bản địa trong phát triển của mình. Mỗi dòng sông sẽ có một khẩu hiệu riêng để phát triển. Với sông Trường Giang, đó là “con sông mang tính đa dạng sinh học”.
Được biết, trong tháng 3, tỉnh Quảng Nam sẽ họp bàn về điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng Đông, bên cạnh đó là trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án sông Trường Giang. Trong thánh 5, sau khi báo cáo được duyệt thì Quảng Nam sẽ đàm phán với WB để được cấp vồn và tháng 6 có thể bắt tay vào thực hiện dự án.
Nhân Tâm