Quảng Ngãi hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm hỗ trợ hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi về tình trạng thiếu đất ở, nhà ở trong năm 2022-2023, tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Mô hình nhà sàn của người đồng bào Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi. (Ảnh: Thành cổ Quảng Ngãi)

Mô hình nhà sàn của người đồng bào Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi. (Ảnh: Thành cổ Quảng Ngãi)

Thời gian qua, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719), tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, hỗ trợ tạo việc làm, cải thiện cuộc sống người dân.

Cụ thể, sau 2 năm thực hiện (2022-2023), tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ 1.081 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu cho 5 huyện miền núi với ngân sách Trung ương hơn 974 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 106 tỷ đồng.

Cùng với đầu tư hạ tầng miền núi, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã triển khai thực hiện 12 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đến nay, các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang thi công 7 dự án; 5 dự án đang được hoàn thiện thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc.

Tỉnh cũng tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con vùng cao; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 213 hộ đồng bào Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ; bố trí nguồn vốn vay 2,4 tỷ đồng cho gần 40 hộ tại 2 huyện Sơn Hà, huyện Ba Tơ vay sản xuất, phát triển kinh tế.

Các huyện, xã trên địa bàn tỉnh cũng đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 236 công trình.

Trong đó, xây dựng, nâng cấp 169 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 8 công trình điện cùng nhiều công trình phục vụ dân sinh khác. Bên cạnh đó, xây mới, sửa chữa nâng cấp 20 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, nhiều công trình cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Năm 2023, huyện Sơn Hà bố trí hơn 8,8 tỷ đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, số hộ dân có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở lớn, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Hà tranh thủ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xóa nhà tạm cho gần 1.180 hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình 1719, huyện đã phê duyệt, xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gần 1.180 hộ nghèo.

Tính riêng năm 2023, huyện Sơn Hà có gần 200 nhà ở được hỗ trợ theo dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tổng nguồn vốn hỗ trợ cho nội dung này là hơn 8,8 tỷ đồng.

Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng, nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng. Để hỗ trợ xây dựng nhà ở đạt chuẩn theo quy định, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tích cực hỗ trợ người nghèo được vay vốn theo Nghị định 28 của Chính phủ với số tiền giải ngân là 11 tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ người dân trên địa bàn giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu của Chương trình 1791, huyện Sơn Hà đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng; phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo.

Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh thực hiện vai trò cầu nối, vận động, kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch của các hộ nghèo. Mỗi cán bộ, đảng viên đồng hành cùng hộ nghèo để vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp giảm nghèo.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quang-ngai-ho-tro-nha-o-cho-ho-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post30099.html