Quảng Ngãi: Người nhà 'tố' bệnh viện tắc trách làm cháu bé tử vong
Người nhà cháu bé 3 tuổi (ngụ TP Quảng Ngãi) tố ekip trực bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi tắc trách khiến cháu tử vong.
Ngày 27/1, anh Trần Văn Chi (ngụ TP Quảng Ngãi) cho biết, con trai anh, cháu T.Đ.L. (3 tuổi) bị hóc hạt bí và đã tử vong.
Theo lời anh Chi, khoảng 20 giờ tối 26/1, con anh chơi đùa cùng với nhiều cháu bé khác. Một số cháu lớn lấy hạt bí ra ăn. Cháu L. bất ngờ bị ho sặc, khó thở. Các cháu trong nhóm nói con anh lấy hạt bí bỏ vào miệng. Lúc này cháu đã khó thở, nôn ọe nên vợ chồng anh chở cháu lên Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi. Lúc đó gần 21 giờ tối cùng ngày.
“Khi vào viện cấp cứu, gia đình đã chủ động báo với y bác sĩ là cháu bị hóc hạt bí. Sau đó, một bác sĩ trẻ đến dùng dụng cụ y tế kiểm tra cuống họng cháu và nói với gia đình là không có gì. Tôi đã nói đi nói lại là cháu bị hóc hạt bí, mãi một lúc sau họ mới đưa con tôi đi chụp phim. Sau đó bác sĩ coi phim lại nói "không có gì đâu" - anh thuật lại.
Anh Chi cho rằng, lúc đưa vào viện, có nhiều người thay nhau khám nhưng họ còn rất trẻ và không tìm ra vấn đề, còn cháu L. vẫn tiếp tục dọa nôn. Anh Chi đề nghị đưa con chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng nhưng bác sĩ tiếp tục nói với gia đình không có vấn đề gì. Sau đó có một bác sĩ chuyên về hô hấp đến khám, người này nói với gia đình là cháu L. hen suyễn chứ không phải hóc dị vật. Rồi tiến hành cho cháu L. thở khí dung, cháu ổn hơn và được đưa lên khoa điều trị ở tầng 5.
Cháu L. lúc nôn, lúc không, có biểu hiện đau ở cổ, khó thở. Người nhà lại yêu cầu nếu hen suyễn thì hút đờm cho cháu, và nội soi ở cổ xem có phải hóc hạt bí không nhưng y tá trả lời bây giờ không có ai làm việc cả, sáng mai mới làm và giục anh về lấy bảo hiểm để làm thủ tục nhập viện cho cháu.
“Cháu nôn ói khắp người, vợ chồng tôi ra phòng vệ sinh nhưng không có nước nóng, trong khi trời quá lạnh nên khoảng 23 giờ đêm, gia đình chở cháu về nhà để tìm sổ bảo hiểm và rửa cho cháu” - anh Chi kể tiếp.
Đến khoảng 3 giờ sáng 27/1, gia đình thuê taxi đưa con lên lại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi. Khi gần tới viện, cháu nấc nghẹn và được đưa thẳng vào phòng cấp cứu.
“Sau đó con tôi được chuyển gấp lên phòng hồi sức tích cực, lúc này y bác sĩ hút đờm, lấy oxy cho thở. Khoảng 20 phút sau bác sĩ báo con tôi mất rồi. Tại sao có người hút đờm mà trước đó tôi yêu cầu thì nói không có ai làm? Tại sao không kiểm tra cho cháu sớm hơn? Họ đã quá tắc trách" - anh Chi uất nghẹn.
Hiện một số clip về anh Chi bày tỏ bức xúc về việc cháu L. tử vong đang được lan truyền và chia sẻ nhanh trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận. Cơ quan chức năng vẫn chưa có thông tin phản hồi về vụ việc trên.
Chiều 27/1, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi có báo cáo về sự việc. Theo đó, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị này đã thành lập Hội đồng chuyên môn để họp phân tích, đánh giá quá trình tiếp đón, thăm khám, chẩn đoán, xử trí, theo dõi và chăm sóc đối với bệnh nhi T.Đ.L.
Khoảng 21 giờ 9 phút ngày 26/1, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi T.Đ.L. Khoảng 26 phút sau, cháu L. nhập khoa Nhi hô hấp với chẩn đoán viêm thanh khí phế quản, theo dõi dị vật đường thở.
Bệnh viện cho hay, bệnh nhi được bác sĩ thăm khám đầy đủ, hội chẩn giữa bác sĩ hô hấp Huỳnh Duy Thám, bác sĩ Bằng và bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng cho khám tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh; thực hiện cận lâm sàng đầy đủ, kịp thời và đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn.
Tuy nhiên, lúc 23 giờ 15 cùng ngày, điều dưỡng khoa Nhi hô hấp đến chăm sóc bệnh nhưng không có bệnh nhi tại buồng bệnh nên báo cáo bác sĩ ca trực. Khoảng 4 giờ ngày 27/1, người nhà đưa bệnh nhi đến khoa Cấp cứu đa khoa của bệnh viện, sau đó được nhân viên y tế tua trực chuyển thẳng đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc với tình trạng: Mạch cổ không bắt được, tím tái, lồng ngực không di động, đồng tử giãn, bụng chướng, ngưng thở ngưng tim ngoại viện.
Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cho rằng, các nhân viên y tế của tua trực phối hợp xử trí, hồi sức tích cực cho trẻ nhưng đáng tiếc bệnh nhi bỏ về, không ở bệnh viện nên không theo dõi, can thiệp, cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân tử vong ngoại viện. Để chẩn đoán xác định nguyên nhân cần phải mổ tử thi.
Nhân viên y tế và lãnh đạo bệnh viện đã gặp gỡ, giải thích tình trạng bệnh của trẻ và động viên người nhà của trẻ trong quá trình sự việc xảy ra. Người nhà đồng ý không mổ tử thi và xin đưa trẻ về nhà.