Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Quảng Ninh mới giải ngân được 3.271 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm, thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Việc hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn sẽ là một thách thức lớn đối với tỉnh Quảng Ninh.

Khó khăn do đặc thù của đầu tư công

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải ngân được 3.271 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm, thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp so với bình quân chung toàn tỉnh, như: Hạ Long đạt 12,5%; Cẩm Phả đạt 2,9%; Móng Cái đạt 16,7%; Hải Hà đạt 16%.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, qua rà soát có 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đó là: Do tính đặc thù của đầu tư công; khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương đảm bảo cho chi đầu tư phát triển; vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư; vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, cùng mặt bằng pháp lý, có chủ đầu tư, địa phương giải ngân tốt; có chủ đầu tư, địa phương giải ngân thấp, cho thấy sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.

Tuyến đường từ QL18A đi vào thác Pạc Sủi (xã Yên Than, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đang được cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

Tuyến đường từ QL18A đi vào thác Pạc Sủi (xã Yên Than, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đang được cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

Theo thực tế diễn ra hàng năm dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu năm thấp, là do những tháng đầu năm, gần như các chủ đầu tư thường tập trung vào việc thực hiện công tác thanh, quyết toán kế hoạch vốn năm trước và giải ngân nốt số vốn còn lại của năm trước kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau, đồng thời tập trung hoàn trả số dư tạm ứng chuyển sang.

Do vậy, với số vốn được giao trong năm 2024 này, các cấp, các ngành phải mất nhiều tháng để triển khai thực hiện các dự án khởi công mới, nếu kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng để giải ngân vốn. Còn đối với các dự án chuyển tiếp, những tháng đầu năm 2024 thời tiết mưa nhiều, kéo dài ngày nên khó có thể triển khai thi công đồng bộ.

Để đảm bảo nguồn vật liệu san lấp cho các dự án đầu tư công, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện lập Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong ngắn hạn, các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục để sớm cung cấp đất, đá san lấp tại các mỏ Bắc Sơn (tại thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều), mỏ Trưng Vương (phường Nam Khê, TP Uông Bí); sớm hoàn thiện các thủ tục tại mỏ Đức Sơn (phường Yên Đức, TX Đông Triều) và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các mỏ đất còn lại: mỏ đất Thủy An (TX Đông Triều), mỏ trúng đấu giá của Công ty TNHH Nhân Đạt Tiến (phường Nam Khê, TP Uông Bí) và mỏ cát Hải Tiến (TP Móng Cái).

Xác định đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Một trong 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2024 của Quảng Ninh là tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách".

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội những tháng cuối năm, đây được coi là thời điểm “vàng” cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khi mà các dự án khởi công mới đã hoàn tất các thủ tục, đủ điều kiện triển khai đầu tư xây dựng và thời tiết bắt đầu thuận lợi hơn khi chuẩn bị bước vào mùa hanh khô.

Dự án kè chống sạt lở và bảo vệ khu dân cư bờ sông xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh sắp hoàn thành.

Dự án kè chống sạt lở và bảo vệ khu dân cư bờ sông xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh sắp hoàn thành.

Cùng với đó, để công tác giải ngân đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm được xác định phải hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ngoài ra, các ban, ngành phải bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt.

Đặc biệt, đối với nhiều dự án vẫn còn đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi có dự án tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chủ động đề xuất phương án giải quyết trên tinh thần làm việc vì lợi ích chung.

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương phải có cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án và chịu trách toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy cùng cấp nếu không hoàn thành cam kết, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, nhất là đối với các dự án được xác định là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Thế An - Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-dau-tu-cong-nhung-thang-cuoi-nam-156304.html