Quảng Ninh tung nhiều sản phẩm du lịch mới, kết nối vịnh Hạ Long - Bái Tử Long

Mở rộng không gian du lịch, kết nối 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long được nhận định sẽ giúp giảm tải cho vùng lõi vịnh Hạ Long đồng thời đánh thức tiềm năng, phát huy xứng tầm giá trị của vịnh Bái Tử Long.

Quảng Ninh có 2 vịnh biển liền kề nhau là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.

Vịnh Bái Tử Long trải dài qua Cẩm Phả, Vân Đồn... với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, tuyến điểm du lịch hấp dẫn. Hệ sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long, được ASEAN công nhận là Vườn di sản ASEAN thứ 38 ở Đông Nam Á.

Không chỉ là nơi lưu giữ được cảnh quan, giá trị hệ sinh thái động, thực vật, Vườn quốc gia Bái Tử Long còn có giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng, giá trị khảo cổ có ý nghĩa, như: Đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu, đình Quan Lạn, thương cảng cổ Vân Đồn; các di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Soi Nhụ…

Tỉnh Quảng Ninh xác định, với nguồn tài nguyên đa dạng, độc đáo này, Bái Tử Long cần được khai thác, phục vụ du lịch.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến 2020 và tầm nhìn tới 2030, vịnh Bái Tử Long đã được quan tâm khai thác du lịch. Tháng 12/2020, đề án phát triển sản phẩm du lịch vùng biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long gắn với Vân Đồn, Cô Tô… đã được tỉnh ban hành.

Các sản phẩm được hoạch định theo hướng độc đáo, khác biệt, xác định không gian chính là Bái Tử Long với khu vực Vân Đồn và tuyến đảo. Sản phẩm cụ thể là tham quan thắng cảnh, sinh thái, tham quan bằng tàu du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu đa dạng sinh học…

Ngày 7/2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về phát triển sản phẩm du lịch địa phương năm 2024.

Trong đó, yêu cầu tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo, sức cạnh tranh cao, nhất là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên con người, văn hóa Quảng Ninh, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh.

Trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô và một số đảo trên địa bàn tỉnh.

Quan điểm của tỉnh trong xây dựng sản phẩm du lịch mới là tập trung phát triển sản phẩm độc đáo, nhất là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để tăng khả năng tiếp cận đa dạng các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến "Kỳ quan 4 mùa”.

Tỉnh Quảng Ninh muốn xây dựng sản phẩm đa dạng, độc đáo, nhất là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để tăng khả năng tiếp cận các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến "Kỳ quan 4 mùa".

Tỉnh Quảng Ninh muốn xây dựng sản phẩm đa dạng, độc đáo, nhất là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để tăng khả năng tiếp cận các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến "Kỳ quan 4 mùa".

Theo kế hoạch, năm 2024, Quảng Ninh đưa vào khai thác 62 sản phẩm mới phục vụ khách du lịch, trong đó có 11 sản phẩm khai thác lợi thế khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Điển hình như: Một ngày làm ngư dân tại làng chài Vung Viêng, chèo đua thuyền rồng truyền thống trên vịnh Hạ Long, thư giãn tắm biển...

Cuối tháng 5, tỉnh đã đưa hải trình “Hành trình di sản” và du thuyền Grand Pioneers 2 ra mắt nhằm kết nối 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đây là sản phẩm du lịch đầu tiên kết nối 2 vịnh, góp phần mở rộng không gian du lịch biển đảo, giảm tải cho vùng lõi di sản vịnh Hạ Long, đồng thời đánh thức tiềm năng của vịnh Bái Tử Long.

Xuất phát từ cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long), du thuyền sẽ đưa khách du lịch qua các điểm đến biểu tượng của di sản, kỳ quan vịnh Hạ Long như hòn Trống Mái, hòn Đình Hương, công viên đá xếp, nối dài đến Vườn quốc gia Bái Tử Long, các đảo Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu của huyện Vân Đồn.

Tại cuộc họp ngày 6/6, Ban quản lý vịnh Hạ Long đề xuất 10 sản phẩm dịch vụ, du lịch, Sở Du lịch Quảng Ninh đề xuất 2 hành trình mới trên vịnh Hạ Long, 6 hành trình kết nối vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long và riêng vịnh Bái Tử Long. Sở cũng đề xuất 6 hành trình tham quan, du lịch có tính định hướng trên địa bàn huyện Vân Đồn, Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, để các sản phẩm này sớm đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu công bố hành trình tham quan, du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các hành trình kết nối hai vịnh, để phát triển các sản phẩm du lịch, mở rộng không gian du lịch…

Cùng với đó, đối với các tuyến điểm mới cần khảo sát đầu tư tuyến luồng, cơ sở hạ tầng giao thông, bến cảng, hạ tầng, dịch vụ cơ bản. Đặc biệt việc khai thác tiềm năng độc đáo của Vườn quốc gia Bái Tử Long cần quan tâm khảo sát kỹ lưỡng, đầu tư về hạ tầng, luồng tuyến, tuân thủ quy định pháp luật.

Với việc phát triển sản phẩm du lịch vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo sức hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước, hoàn thành mục tiêu đón 17 triệu lượt du khách với doanh thu 39.100 tỷ đồng trong năm 2024.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quang-ninh-tung-nhieu-san-pham-du-lich-moi-ket-noi-vinh-ha-long-bai-tu-long-2293431.html