Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 43)
Trân trọng giới thiệu tiếp 'Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử' của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.
Kỳ 43
Thời kỳ hiện đại cũng mở ra một trang mới trong thành tựu xuất bản. Xuất bản đước đẩy mạnh ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1945 đến năm 1954 ta đã xuất bản được 400 triệu đầu sách. Ngày nay tính đến năm 2007 ta có hơn 40 nhà xuất bản hàng năm cho ra đời 3,3 vạn đầu sách đủ các lĩnh vực bao gồm sách trong nước và sách dịch từ tiếng nước ngoài. Nay ta có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 800 ấn phẩm tạp chí và báo, kể cả các tạp chí và báo địa phương ra hàng ngày. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và đài truyền hình Việt Nam đã phủ sóng toàn quốc, chưa kể đài phát thành và truyền hình của 64 tỉnh, thành đã góp phần thông tin và nâng cao đời sống văn hóa thông tin cập nhất và nâng cao dân trí trong nhân dân .
Để bảo tồn di tích lịch sử và tư liệu lịch sử văn hóa trong toàn quốc từ trung ương đến địa phương, đã củng cố thành lập các Viện bảo tàng, các Viện lưu trữ, các Thư viện phục vụ cho nhân dân tham quan, nghiên cứu. Nhà nước đã căn cứ vào cứ liệu công nhận hàng trăm di tích là di sản văn hóa quốc gia hay di sản văn hóa địa phương. Cung đình Huế, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là những di sản văn hóa thế giới .
Nghệ thuật hội họa và điêu khăc, nhiếp ảnh phát triển. Ở các quảng trường các đô thị nhiều tượng đài các anh hùng dân tộc đã được dựng lên, tạo nên ấn tượng nghệ thuật văn hóa và tri thức lịch sử cho người xem. Tượng đài Chiến sĩ Điện Biên của nhà điêu khắc Nguyễn Hải (Giải thưởng Hồ Chí Minh). Tượng cao 12,6 m, bệ cao 3,6m đúc bằng 220 tấn đồng do công ty Mỹ thuật Trung ương đúc xong tháng 3 -2004 là một tượng đài đồ sộ nhất ở Việt Nam hiện nay. Còn phải kể đến tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Nam Định, tượng đài Lê Lợi ở thành phố Thanh Hóa, tượng đài Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh, tượng đài Quang Trung ở thành phố Hồ Chí Minh. Hội họa, thể thao cũng phát triển. Các môn bóng đá nữ, cầu mây, thể hình, cờ vua đã nhiều lần đạt đẳng cấp khu vực. Âm nhạc phát triển với điểm hẹn sao mai. Những cuộc thi hoa hậu toàn quốc đã tôn vinh sắc đẹp, tri thức và tư tưởng của phụ nữ Việt Nam thời đổi mới: Hoa hậu Kiều Anh, hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, hoa hậu Diệu Hoa, hoa hậu Thu Thủy. hoa hậu Mai Phương Thúy...
Nhà nước đã ra sức phát triển giáo dục đào tạo nhân lực và nhân tài phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho đến những năm cuối thế kỷ XX đã phổ cập được phổ thông cơ sở. Hai bậc học này hàng năm tiêu hết 50,9% tổng ngân sách nhà nước dùng cho giáo dục. Tính đến năm 2007 trung học cơ sở khoảng 6,2 triệu học sinh, trung học phổ thông có khoảng 3,1 triệu học sinh. Giáo viên các cấp học này đến 2007 khoảng 1 triệu. Cơ cấu ngành nghề ở bậc đại học tính đến năm 2000 thì ngành kinh tế-luật chiếm 20 %, khoa học cơ bản 9%, sư phạm 12 %, y tế 6 %, công nghệ kỹ thuật 35 %, các ngành nghề khác 9 %. Tổng số sinh viên tính đến năm 2007 khoảng 1, 4 triệu và 255 Trường đại học, cao đẳng. Nhà nước hàng năm chi cho ngân sách giáo dục đều tăng. Năm 2001 chi 15,609 nghìn tỉ, 2002 chi 20, 624 nghìn tỉ, 2003 chi 22,624 nghìn tỉ, 2004 chi 32,730 nghìn tỉ , 2005 chi 41, 630 ngghìn tỉ, năm 2006 chi 54,798 nghìn tỉ , 2007 chi 66, 770 nghìn tỉ. Dự tính năm 2008 ngân sách giáo dục là 76.200 tỉ, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước. (Thời báo kinh tế Việt Nam số tháng 2 -2008). Ngành giáo dục Việt Nam đang ra sức chấn chỉnh nền giáo dục đang xuống cấp và nhiều tiêu cực với phong trào “ hai không” đề ra vào năm 2007: “Nói không với tiêu cực” và “Không ngồi nhầm lớp”. Ngành cũng đề ra sử dụng ngân sách giáo dục có hiệu quả tăng cường kiểm toán giáo dục, tập trung ngân sách giáo dục cho ngành giáo dục quản lý vì hiện nay một phần lớn ngân sách giáo dục lại đang nằm ở những cơ quan ngoài ngành giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là một nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra cho ngành giáo dục-đào tạo .
Nổi bật trong khoa học xã hội là thành tựu nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Hồ Chí Minh là người đặt nền tảng cho nền sử học Việt Nam hiện đại. Sau cách mạng tháng Tám ngành sử học Việt Nam phát triển rực rỡ với tên tuổi cúa các nhà sử học tài năng, xuất sắc như Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu (1901-1969), Giáo sư Trần Văn Giàu, Minh Tranh, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Văn Tân, Nguyễn Đổng Chi, Hoa Bằng, Chiêm Tế, Chu Thiên, Tôn Quang Phiệt, Trần Đức Thảo, Lương Ninh, Vũ Dương Ninh, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Trịnh Nhu, Phan Đại Doãn, Phạm Việt Trung, Nguyễn Lương Bích, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hồng Phong, Phan Hữu Dật, Vương Hoàng Tuyên, Hồ Gia Hường, Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Kính Chi, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Từ Chi, Cao Văn Lượng, Lê Mậu Hãn . v. v. Những tác phẩm quan trọng của nền sử học Việt Nam đương đại “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” (1954 ), “Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại Việt Nam” gồm 12 tập, bộ sách “Lịch sử 80 năm chống Pháp” do Trần Huy Liệu chủ biên và trước tác. Giáo sư Trần Văn Giàu đã trước tác 150 công trình với hàng vạn trang viết có chất lượng khoa học sâu sắc và uyên thâm như các bộ sách “Miền Nam giữ vững thành đồng” gồm 5 tập nêu lên chủ nghĩa anh hùng, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam chống ngoại xâm, “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám” gồm 3 tập là bộ sách đồ sộ, “Bộ sách giai cấp công nhân Việt Nam” là bộ sách chuyên đề của ông đã mở đầu cho việc nghiên cứu giai cấp công nhân nước ta. “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông” của Giáo sư Hà Văn Tấn -Phạm Thị Tâm , “Khới nghĩa Lam Sơn” của Giáo sư Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn đã khôi phục tương đối chân xác những cuộc kháng chiến của dân tộc ta thời kỳ trung đại. Hàng nghìn giáo trình lịch sử Việt Nam và Thế giới được biên soạn ở các Trường đại học, hàng trăm tác phẩm khoa học khác đã được xuất bản hay đăng tải trên các tạp chí của các nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học đã đưa sử học nước nhà lên bước phát triển chưa trong có. Sử học cùng với các môn dân tộc học, khảo cổ học đã giải quyết được vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, vấn đề xã hội chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam trong đó liên quan đến nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, vấn đề ruộng đất và nông dân trong lịch sử, phong trào nông dân Tây Sơn, truyền thống dân tộc và chủ nghĩa anh hùng trong lịch sử, sự hình thành chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam. Gai cấp công nhân Việt Nam, vấn đề thành phần tộc người trong dân tộc quốc gia Việt Nam. Các nhà sử học cũng đã biên soạn, giới thiệu lịch sử thế giới để nhân dân ta học tập và hiểu biết lịch sử nhân loại, một trong những cầu nối giữa nước ta với thế giới bên ngoài. Các bộ “Lịch sử Quốc hội Việt Nam ”, “Lịch sử Chính phủ Việt Nam” cũng đã được Phó giáo sư Lê Mậu Hãn chủ trì biên soạn ghi nhận sự phát triển của ngành lập pháp và hành pháp Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Giới sử học Việt Nam cũng đã biên dịch, công bố nhiều công trình lịch sử của các triều đại phong kiến từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ như “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Hậu Lê, tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia văn phái, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú. Các bộ lịch sử triều Nguyễn như “Đại Nam Nhất thống chí”, “Lịch sử thông giám cương mục” và nhiều tài liệu tác phẩm sử học khác, góp phần to lớn vào việc học tập nghiên cứu lịch sử nước nhà.
(Còn nữa)
CVL