Quốc hội thảo luận dự án Luật công chứng (sửa đổi)

Thảo luận về dự án luật công chứng (sửa đổi) tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên các đại biểu đề nghị làm rõ quy định về mô hình công chứng hợp danh.

Theo các đại biểu quy định về văn phòng công chứng theo mô hình hợp danh, tức là phải có 2 công chứng viên trở lên sẽ phù hợp với những vùng đô thị, còn đối với những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì loại hình Văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Đại Thắng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ quy định về việc chấm dứt thành viên hợp danh của văn phòng công chứng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như thẩm phán phòng ngừa nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm. Do vậy, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian công tác pháp luật là từ đủ 5 năm trở lên. Công chứng viên làm nghề công chứng ngoài việc phải có bằng cử như luật trở lên thì cần phải có đủ kinh nghiệm thực tiễn, có thời gian công tác pháp luật đủ để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật sau khi được bổ nhiệm công chứng viên.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-cong-chung-sua-doi-226761.htm