Quốc hội thảo luận tại Tổ về 3 dự án Luật

Chiều 6/5, Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Dự án Luật sủa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình cùng tham gia thảo luận.

Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Theo các đại biểu, Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành từ năm 2013 đã góp phần thúc đẩy phát triển KHCN trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đang đặt ra nhiều yêu cầu mới: Nhu cầu phát triển mạnh mẽ đổi mới sáng tạo (ĐMST) như một động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế; hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ sinh thái ĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng năng lực quốc gia về khoa học, công nghệ; yêu cầu hội nhập quốc tế và tiếp cận các mô hình chính sách KHCN tiên tiến...

Vì vậy, việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là cần thiết để thay thế Luật năm 2013, đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh trong nước và quốc tế.

Dự án luật gồm 9 chương, 78 điều, tập trung vào các nội dung như: Chính sách của Nhà nước về KHCN và ĐMST liên quan đến việc xây dựng cơ chế tài chính đặc thù, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công - tư. Hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước về KHCN và ĐMST nhằm quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp và thị trường KHCN quy định doanh nghiệp được hỗ trợ mạnh mẽ để tham gia nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Nguồn lực cho KHCN và ĐMST đề cập cơ chế đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân; nâng cao năng lực nhân lực KHCN...

Các ý kiến cho rằng, việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, hiện đại thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức, doanh nghiệp và cộng đồng; góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH): Luật CLSPHH được ban hành từ năm 2007, góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, sau hơn 17 năm triển khai, nhiều quy định đã lạc hậu so với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, thương mại điện tử và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc sửa đổi Luật nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy xuất khẩu, hội nhập sâu rộng; tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, hiện đại.

Các đại biểu cho biết, điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH là chuyển từ cách phân loại hàng hóa theo nhóm cứng nhắc sang quản lý theo mức độ rủi ro của sản phẩm (rủi ro thấp, rủi ro trung bình, rủi ro cao). Cách tiếp cận này giúp giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp, đồng thời tập trung nguồn lực nhà nước vào những sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao, bảo đảm hiệu quả quản lý và bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Dự thảo Luật bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, luật quy định cơ chế hậu kiểm hiệu quả và chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa.

Về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Sau hơn 15 năm thực thi, Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành đã bộc lộ những điểm chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, nhất là khi Việt Nam đang từng bước nghiên cứu, chuẩn bị triển khai các dự án điện hạt nhân, phát triển các ứng dụng công nghệ hạt nhân trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Luật sửa đổi lần này tập trung vào các nội dung như: Tăng cường an toàn và an ninh hạt nhân, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan, trong đó có cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới làm chủ công nghệ điện hạt nhân. Xã hội hóa một số lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ. Thúc đẩy nội địa hóa thiết bị, công nghệ hạt nhân, giảm phụ thuộc nước ngoài. Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, bảo đảm an toàn, không phổ biến vũ khí hạt nhân và phát triển vì mục đích hòa bình.

Luật mới sẽ tạo hành lang pháp lý hiện đại, đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thu hút đầu tư, ứng dụng hiệu quả năng lượng nguyên tử, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững và có trách nhiệm với quốc tế.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-3-du-an-luat-232229.htm